Đi bơi: Tại sao lên bờ rồi vẫn chết?

06/05/2016 16:11:00

Gần đây mạng xã hội lưu truyền thông tin về những nạn nhân tử vong sau khi bơi lội, thực hư của vấn đề này như thế nào, TS. BS Vũ Đức Định, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E cho rằng đó là do nạn nhân bị đuối nước.

 
Gần đây mạng xã hội lưu truyền thông tin về những nạn nhân tử vong sau khi bơi lội, thực hư của vấn đề này như thế nào, TS. BS Vũ Đức Định, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E cho rằng đó là do nạn nhân bị đuối nước.

Suy hô hấp do phù phổi cấp

Khi vùng vẫy dưới nước, nạn nhân thường hít phải một lượng nước vào phổi. Lượng nước này theo các nhánh phế quản vào tận trong các phế nang. Nước vào phổi sẽ “rửa” sạch lớp surfactant (một chất có tác dụng giữ cho các phế nang không xẹp xuống vào cuối thì thở ra) và làm tổn thương trực tiếp lớp màng phế nang – mao mạch). Quá trình này khiến cho nước từ trong lòng mạch máu thoát vào phế nang gây nên hiện tượng phù phổi hay trong Y học còn gọi là phù phổi cấp tổn thương (hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển – ARDS, acute respiratory distress syndrome). Phù phổi cấp tổn thường này cũng có thể phối hợp với phù phổi cấp huyết động (do tim, do thừa dịch mà bệnh nhân uống vào khi ở dưới nước).

Triệu chứng của phù phổi cấp tiến triển từ nhẹ đến nặng. Khởi đầu bệnh nhân có các biểu hiện của suy hô hấp nhẹ và kín đáo như thở nhanh, cảm giác tức ngực, chẹn ngực, mạch nhanh, huyết áp có thể hơi tăng. Làm xét nghiệm các chất khí trong máu thấy phân áp CO2 giảm và chụp XQ cho hình ảnh của tổn thương phổi kẽ không rõ rệt. Tới giai đoạn sau, bệnh nhân khó thở nhiều, tím môi, đầu chi, mạch nhanh, khạc bọt hồng hoặc trắng, nghe phổi có nhiều rales ẩm. Phân áp CO2 và oxy máu đều giảm nặng, chụp XQ phổi có hình ảnh thâm nhiễm hình cánh bướm hai bên. Suy hô hấp sẽ tiến triển nặng nên và bệnh nhân sẽ tử vong rất nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Đây là một biến chứng rất thường gặp sau đuối nước, có thể xảy ra trong khoảng 72h khi bệnh nhân đã được đưa nên bờ nên phải hết sức cảnh giác, chú ý tới các biểu hiện sớm như đau đầu, tức ngực, tím, mạch nhanh, khó thở để xử trí sớm và kịp thời.

Hạ thân nhiệt

Khi bị đuối nước ở vùng nước lạnh có nhiệt độ độ thấp dưới 100C, nạn nhân sẽ có nguy cơ cao bị các rối loạn nhịp tim, rối loạn chuyển hóa, thở chậm hoặc ngừng thở thậm chí có thể tụt huyết áp, hôn mê và tử vong. Vì vậy, sau khi nạn nhân đã được cứu sống, cần chú ý ủ ấm, theo dõi sát toàn trạng để phòng tránh biến chứng này.

Rối loạn điện giải

Rối loạn điện giải cũng hay gặp sau đuối nước do bệnh nhân uống một lượng nước lớn khi ở dưới nước. Nếu là nước ngọt (sông suối, ao hồ), nước nhạt sẽ vào máu làm loãng máu và muối trong máu (Natri) sẽ hạ. Ngược lại, nếu là nước mặt (nước biển) thì lượng muối trong máu sẽ tăng. Các triệu chứng của rối loạn điện giải này bao gồm đau đầu, buồn nôn, nôn, phù…Xét nghiệm máu sẽ cho chẩn đoán chính xác về lượng Natri máu ở những nạn nhân này. Kali máu cũng có thể tăng do vỡ hồng cầu ở những nạn nhân đuối nước ngọt và khi kali máu tăng sẽ có nguy cơ rối loạn nhịp tim.

Tán huyết

Sau khi uống một lượng lớn nước ngọt, nước sẽ hấp thu vào máu làm giảm áp lực thẩm thấu máu gây vỡ hồng cầu (tán huyết). Các biểu hiện của tán huyết bao gồm mệt mỏi, đau đầu, nôn, nước tiểu có màu bia đen, thiếu máu và bilirubin máu tăng.

Viêm phổi

Viêm phổi cũng là một biến chứng hay gặp sau đuối nước do nạn nhân hít phải nước bẩn có chứa nhiều vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng. Các tổn thương do phù phổi làm cho các tác nhân gây bệnh dễ gây viêm phổi hơn. Cần chú ý đến viêm phổi nếu 24h sau cấp cứu đuối nước, nạn nhân thất mệt, khó thở, đau ngực, ho, sốt và lúc này cần chụp XQ ngực cũng như làm các xét nghiệm máu để xác định chẩn đoán. Hít phải nước cũng là nguyên nhân gây co thắt thanh môn, khởi phát những cơn hen hoặc bệnh lý phổi mạn tính sẵn có trước đó.

Theo TS. BS. Vũ Đức Định (Sức Khỏe & Đời Sống)