Những tháng ngày còn son rỗi, chưa có con cái, tôi cảm thấy gia đình chồng cũng là nơi tốt, là nơi tôi có thể giãi bày, có thể sống vui vẻ thoải mái được.
Những tháng ngày còn son rỗi, chưa có con cái, tôi cảm thấy gia đình chồng cũng là nơi tốt, là nơi tôi có thể giãi bày, có thể sống vui vẻ thoải mái được. Bạn bè hay nói với tôi, chưa có con thì thế thôi, có con rồi mới biết mặt nhau. Tôi không tin vì mẹ chồng tôi xem ra cũng là người dễ tính, biết điều. Chỉ đến khi có con, tôi mới bắt đầu thấm.
Cái sự thấm của tôi chính là chuyện chăm con. Mẹ chồng tôi không mấy khi tìm hiểu trên mạng, cũng không có nhiều thông tin về cách chăm con, cho trẻ ăn dặm hay tiêm phòng này nọ, mọi thứ đều thích là theo ý mình. Tôi đi làm, mẹ ở nhà toàn quyền chăm cháu, nên những chuyện lớn nhỏ, tôi chẳng mấy khi can thiệp được.
Tôi đi làm xa gần 2 chục cây số, không can thiệp được những chuyện nấu nướng cho con nên đành chịu. (Ảnh minh họa) |
Mẹ ép cháu ăn, đó là chuyện khiến tôi đau đầu nhất. Từ một đứa trẻ tình nguyện ăn, nhưng do bà ép quá vì những món ăn bà chế biến không hợp khẩu vị cháu, thành ra cháu bị sợ, bị ám ảnh những lúc ăn cơm, ăn cháo. Người ta bảo, trẻ dưới 1 tuổi không nên ăn mắm muối, hoặc có ăn cũng chỉ nêm một tí thật nhạt thôi, đằng này… bà cho cả thìa mắm vào, khiến tôi hốt hoảng. Mình nếm còn mặn nói gì trẻ con. Lúc cho ăn thì bà bảo, mặn thì cho thêm thìa nước là hết mặn liền, khiến tôi choáng…
Tôi đi làm xa gần 2 chục cây số, không can thiệp được những chuyện nấu nướng cho con nên đành chịu. Nhưng đến chuyện dạy bảo con cũng đến lạ. Cuối tuần tôi ở nhà là con ăn vạ, đòi hết cái này đến cái kia, đòi không được thì lăn ra khóc lóc, đập phá đồ đạc, nhất là đòi bật tivi. Tôi không thích cho trẻ xem tivi nhiều nhưng mẹ chồng tôi thì không, cho cháu xem tối ngày vì bà cũng là người nghiệp tivi, thích mọi chương trình. Tôi bực bội quát tháo con, mẹ chồng tôi chạy ở đâu vào giằng lấy cái roi của tôi và quát tôi ‘trẻ con nó biết gì mà mày đánh nó, ra đây bà cưng nào’. Thế là con lại theo bà nội và ôm bà, rồi bà lại ngồi bật tivi cho cháu xem, tôi tức lắm.
Lúc ăn cơm, con không ăn, mẹ chồng tôi cứ mở điện thoại cho con xem rồi vừa xem vừa ăn, mãi không nuốt xong một bát cơm. Rồi còn chạy khắp sân để đút cho con. Tôi bảo mẹ, nếu cháu không ăn thì bà cứ kệ nó, để nó đói nó tự khắc đòi ăn, cứ chạy theo nó thế mệt, không làm được, rồi làm nó hư. Vừa ăn vừa xem điện thoại, liệu có tiêu hóa nổi không.
Tôi đề xuất với chồng chuyện ra riêng, anh không đồng ý, anh bảo vì anh là con một nên nhất định phải ở đây. (Ảnh minh họa) |
Mẹ chồng giận vì những lời tôi nói, bà cáu giận, rồi tức tối đủ thứ với tôi. Tôi cảm thấy chán, mệt, không thiết gì vì mỗi ngày cuối tuần, tôi luôn phải nhìn người này, người kia để chăm con. Cứ con khóc là ai cũng xúm vào nói tôi là làm gì để con khóc. Tôi là mẹ, tôi lại không có trách nhiệm, không thương con mình sao? Chỉ là, cả nhà luôn gây áp lực khiến tôi mệt mỏi.
Con đang hoạt bát nhanh nhẹn, vì bà chiều quá suốt ngày cho cháu xem tivi mà giờ chẳng thích chơi với ai. Trẻ con hàng xóm sang chơi, bày ra một tí thì bà cau có đuổi về. Tôi bực mình lắm, vì thế thì làm gì có đứa trẻ nào dám tới nhà mình chơi?
Tôi cho cháu ra ngoài, bà cũng gào lên bảo cháu còn nhỏ, không cho đi đâu, ở nhà cho kín. Chồng tôi thì không nói câu gì, còn tôi thì bực mình, nhất định cho con đi chơi. Không cho còn đến bao giờ. Con hơn hai tuổi rồi mà giữ ở nhà như thế thì bao giờ mới vui vẻ, hòa đồng với người khác. Thảo nào, có người lạ vào là con cáu gắt, quát tháo, ai bảo chào cũng không cho chào, ai bảo bế cũng không cho bế, còn đập phá, quát tháo người ta. Có người khách giơ tay ra bế thi con tôi tát luôn vào mặt họ khiến tôi xấu hổ vô cùng.
Ở chung nhà chồng, có những lúc dạy con không được theo ý mình. Dù mình có lập trường vững vàng tới đâu thì cũng bị người khác nói này nói kia, rồi bị mẹ chồng gây sức ép. Mình phận làm dâu cũng không thể hỗn láo với mẹ chồng được, huống hồ, còn chồng ở đó, phải nể mặt anh.
Tôi đề xuất với chồng chuyện ra riêng, anh không đồng ý, anh bảo vì anh là con một nên nhất định phải ở đây. Nhìn đứa co bướng bỉnh, ăn không chịu, suốt ngày quấy khóc bắt nạt mẹ, ăn vạ, tôi cảm thấy sợ không muốn đẻ nữa. Nếu mà đẻ rồi lại rơi vào tay bà nội chăm thì chắc tôi không thể nào sống nổi vì những áp lực này.
Đúng là, dạy con mà ở chung nhà chồng, nhất là nhà chồng khó tính, con không hư mới là lạ.
Theo TTG (Khampha.vn)