Đã có vắc-xin phòng sốt xuất huyết, người dân nên làm gì?

30/08/2017 19:13:00

Vắc-xin phòng sốt xuất huyết an toàn và có hiệu quả ngừa bệnh sốt xuất huyết cho người từ 9 tuổi trở lên.

Vắc-xin phòng sốt xuất huyết an toàn và có hiệu quả ngừa bệnh sốt xuất huyết cho người từ 9 tuổi trở lên.
Đã có vắc-xin phòng sốt xuất huyết, người dân nên làm gì? - 1

Hiện nay, thế giới đã có vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue đầu tiên. Tại Việt Nam, trước số ca sốt xuất huyết không ngừng gia tăng, nhiều người đang rỉ tai nhau tìm mua vắc-xin để phòng bệnh.

Trước thực trạng này, phóng viên có cuộc trao đổi với ThS.Lương Chấn Quang, phó trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur, TP.HCM.

Thưa bác sĩ, hiện nay, nhiều người lan truyền thông tin đã có vắc-xin phòng chống sốt xuất huyết và sử dụng rộng rãi trên các nước trên thế giới. Vậy thực hư điều này, như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, thế giới đã có vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue đầu tiên do Công ty Sanofi Pasteur sản xuất.

Vắc-xin này đã qua nhiều thử nghiệm lâm sàng trên người, thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các nghiên cứu này đã chứng minh vắc-xin an toàn và có hiệu quả ngừa bệnh sốt xuất huyết cho người từ 9 tuổi trở lên, đặc biệt là ngừa được sốt xuất huyết nặng và sốt xuất huyết nhập viện.

Với kết quả này, Công ty Sanofi Pasteur đã xin đăng ký lưu hành vắc-xin ngừa bệnh sốt xuất huyết ở 30 quốc gia trên thế giới.

Đã có vắc-xin phòng sốt xuất huyết, người dân nên làm gì? - 2

Số ca mắc sốt xuất huyết đang gia tăng chóng mặt. 

Đến thời điểm này, những quốc gia nào được phép sử dụng vắc-xin phòng chống sốt xuất huyết, thưa ông? Tại Việt Nam, bao giờ đưa vắc-xin này vào sử dụng, thưa ông?

Hiện đã có 17 quốc gia cấp phép lưu hành vắc xin ngừa bệnh sốt xuất huyết với 11 quốc gia ở châu Mỹ và 6 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Đã có hai quốc gia gồm Brazil và Philippines đưa vắc-xin ngừa sốt xuất huyết vào tiêm đại trà.

Với kết quả nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam, đánh giá nhu cầu sử dụng, chỉ định dịch tễ, nhà sản xuất đã nộp hồ sơ đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Nhiều người đang rỉ tai nhau tìm mua vắc-xin phòng chống sốt xuất huyết từ nước ngoài về Việt Nam để tiêm phòng bệnh. Ông có lời khuyên gì về cơn sốt này?

Hiện nay, vắc-xin ngừa bệnh sốt xuất huyết chưa được cấp phép lưu hành ở nước ta. Do vậy, chưa có cơ sở y tế trong nước nào có thể cung cấp vắc-xin ngừa bệnh sốt xuất huyết cho người dân.

Người dân cần tỉnh táo sáng suốt trong việc tìm kiếm một liều vắc-xin ngừa bệnh sốt xuất huyết, tránh sử dụng phải hàng không đảm bảo chất lượng, không an toàn, thậm chí là hàng giả, không mang lại hiệu quả bảo vệ.

Tôi biết, vắc-xin ngừa bệnh sốt xuất huyết là niềm mong đợi không chỉ của cộng đồng, mà của cả ngành y tế. Dù vắc-xin có hiệu quả, nhưng trong thời gian đầu nếu có triển khai tiêm vắc-xin, chúng ta vẫn phải tiếp tục duy trì hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng mới có thể phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết một cách hiệu quả.

Do vậy, trong thời điểm hiện nay, lúc dịch sốt xuất huyết đang bùng phát ở nhiều địa phương, có nguy cơ lan rộng hơn, người dân thay vì mất thời gian tìm kiếm vắc-xin, nên dành 10 đến 15 phút để tìm kiếm và diệt lăng quăng trong nhà và những khu vực xung quanh nhà, đảm bảo môi trường chúng ta đang sống sạch lăng quăng, sạch muỗi.

Hiện nay, ở châu Á xuất hiện chuỗi bán lẻ mỹ phẩm và thuốc hoạt động có bán lẻ vắc-xin phòng chống sốt xuất huyết. Người dân có thể mua vắc-xin không cần đơn. Ông có thể nói gì về điều này?

Vắc-xin là loại hàng hóa đặc biệt, không thể bày bán dễ dàng ngoài chợ, cửa hàng tiện lợi hay tiệm thuốc tây. Chất lượng vắc-xin, quá trình vận chuyển bảo quản vắc-xin và việc tiêm vắc-xin cho người dân đều phải được kiểm soát chặt chẽ.

Vắc-xin phải được cơ quan có thẩm quyền cấp số đăng ký lưu hành mới có thể nhập khẩu vào nước ta.

Vắc-xin phải được vận chuyển và bảo quản lạnh trong điều kiện nghiêm ngặt thực hiện bởi các đơn vị có chức năng. Và chỉ những cơ sở được chứng nhận đạt điều kiện tiêm chủng với nhân lực có năng lực bảo quản vắc-xin, thăm khám, tiêm đúng kỹ thuật và có đầy đủ trang thiết bị theo dõi, xử trí các biến cố bất lợi sau tiêm thì mới được cho phép cung cấp dịch vụ tiêm chủng.

Ngoài ra, việc tiêm vắc-xin còn phải theo chỉ định dịch tễ của bác sĩ.

Phải tuân thủ tất cả các quy định như vậy, mới đảm bảo cung cấp cho người dân một mũi tiêm vắc xin chất lượng và an toàn.

Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!
 

Theo Diệu Thu (Dân Việt)

Nổi bật