Con trai anh Nguyễn Văn Hoàng (Vạn Bảo, Hà Nội) cũng bị ho, khó thở. Đưa con đến phòng khám tư, bác sĩ cho xông mũi họng (thở khí dung), giúp con anh thở dễ chịu hơn. Trong lúc chờ con xông khí dung, anh phát hiện cứ trẻ nào bị ho, sổ mũi, viêm họng, khó thở… là bác sĩ cho xông mũi họng, mỗi lần thở 5 phút, tốn 100.000 đồng.
Anh Hoàng ra cơ sở bán thiết bị y tế gần nhà, được cô dược sĩ trẻ giới thiệu công dụng và cách dùng dễ dàng, tiện lợi liền mua ngay một máy về để cả nhà dùng khi nghẹt mũi, khó thở do cảm cúm, hay viêm mũi… không phải đi "xông thuê". Cô dược sĩ còn dặn anh, nếu trẻ ở phòng máy lạnh cứ nghẹt mũi, chảy nước mũi thì xông mũi bằng nước muối sinh lý sẽ không bị khô mũi.
Bé Huy Anh, con chị Hà (ở Đông Anh, Hà Nội) cũng hay bị ho, sổ mũi, viêm họng, hết viêm đường hô hấp trên, lại viêm đường hô hấp dưới… và phải uống kháng sinh, có tháng uống tới 2 đợt kháng sinh… mới khỏi. Nghe bạn bè mách, chị tìm mua máy xông mũi họng về, và cứ thấy con húng hắng ho, chảy nước mũi, khò khè… là chị xông cho con, có ngày xông 2-3 lần.
Vợ anh Hoàng xông khí dung cho con được ít lâu, thấy con cứ phải nghiêng một bên tai để lắng nghe… người khác nói, mới đưa con đi khám, và tá hỏa khi bác sĩ báo rằng, con chị đã bị điếc, mà nguyên nhân một phần là do xông mũi họng quá nhiều.
Theo bác sĩ Thanh Mai, Trung tâm Bác sĩ gia đình Hà Nội, những ngày mưa nắng thất thường, hay trời nóng ở phòng điều hòa khiến nhiều trẻ em và người lớn bị viêm họng, ho, nghẹt mũi khó thở… Nhiều gia đình đã mua máy xông mũi họng, tự pha thuốc theo hướng dẫn truyền miệng, mà không biết hậu họa.
Cha mẹ cần đưa con đi khám bác sĩ để biết đúng bệnh, sử dụng đúng thuốc xông cho con. Ảnh minh họa. |
Không tự ý dùng thuốc xông
Máy xông khí dung đưa thuốc vào đường hô hấp dưới dạng hơi sương, tác dụng trực tiếp lên niêm mạc đường hô hấp, thấm sâu vào phế quản rất nhanh và hiệu quả, giảm tối đa phản ứng phụ của thuốc so với đường uống và đường tiêm, nhưng phải dùng đúng cách.
Nhiều bác sĩ cho biết, nhiều bố mẹ tự ý dùng đơn thuốc cũ, pha kháng sinh rồi xông cho trẻ ở nhà. Họ không biết rằng xông mũi họng bằng thuốc kháng sinh lâu, hoặc không đúng liều, đặc biệt là Gentamycin - một loại kháng sinh hay được bác sĩ kê đơn xông mũi họng - có thể biến chứng làm trẻ bị điếc, phù nề, dễ gây kháng thuốc, thậm chí bị ngộ độc gây suy gan, thận, mắc bệnh về gân xương…
Có người còn dùng các loại tinh dầu thông mũi cho trẻ quá nhiều còn gây giảm khứu giác. Có trẻ thở khò khè, quấy khóc mẹ tưởng con viêm xoang, cứ xông mũi, họng… tới khi thấy con tím tái, khó thở mới đi viện và bác sĩ phát hiện ra bệnh tim…
Theo PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), máy xông khí dung khôngan toàn như nhiều người nghĩ, và nhiều bố mẹ đang lạm dụng khí dung khiến trẻ nhập viện vì niêm mạc mũi phù nề nặng, viêm mũi, viêm họng… bị biến chứng.
Máy xông mũi họng tiện lợi, dễ dùng, nhưng cần được bác sĩ chỉ định thuốc, liều lượng và cách dùng đúng. |
Nên biết khi dùng máy xông mũi họng?
Máy xông mũi họng là phương pháp điều trị một số bệnh lý ở đường hô hấp cấp, hoặc mãn tính… chỉ nên dùng khi bị viêm đường hô hấp (viêm mũi họng, viêm xoang, hen…), các bác sĩ rất hay dùng cho trẻ nhỏ. Những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng rất cần dùng.
Nhưng những người có cơ địa dị ứng với kháng sinh, hoặc các thuốc xông khác thì lại không nên dùng – đặc biệt là trẻ nhỏ - bởi có thể xảy ra sốc phản vệ nếu cấp cứu không kịp thời.
Theo các bác sĩ, bị viêm đường hô hấp mỗi bệnh lại dùng toa thuốc khác nhau: Như trẻ bị dị ứng đường hô hấp, hắt hơi, viêm mũi dị ứng thì dùng thuốc xông dạng Corticoid. Nhưng nếu có nhiễm khuẩn hoặc bội nhiễm có thể sẽ phối hợp thêm kháng sinh.
Nếu chỉ bị viêm mũi xuất tiết thông thường thì chỉ cần xông, hoặc nhỏ nước muối sinh lý… Hoặc có thể dùng nước muối sinh lý xông hàng ngày để phòng bệnh.
Vì vậy chớ tùy tiện xông thuốc kháng sinh, kháng viêm để tránh tai biến, hay phù nề họng, nhiễm trùng niêm mạc họng, giảm sức đề kháng… khiến dễ mắc bệnh hô hấp hơn…
Dùng thuốc xông mũi họng không theo y lệnh còn gây ra những tai họa khôn lường. Do đó trước khi xông cần được bác sĩ khám và kê đơn thuốc, liều lượng cụ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ. Mỗi lần xông không quá 15 phút, và phải tuân thủ y lệnh.
Đưa đi viện khi nào?
Sau khi xông mũi họng, nếu thấy có triệu chứng ù tai, chóng mặt, nghe kém… cần dừng xông – nhất là với trẻ nhỏ - và đưa đi khám y tế chuyên khoa sớm.
Với trẻ nhỏ, ngay cả khi bệnh đã đỡ nhờ xông mũi, họng thì cha mẹ cũng nên cho con đi khám 1 tháng/lần.
Ông Nguyễn Tiến Dũng khuyên rằng, các loại máy xông mũi, họng có nhiều ưu điểm, nhưng các bà mẹ đừng tự làm "y tá" xông mũi họng cho con khi chưa đưa con đi khám để xác định đúng bệnh, được bác sĩ chỉ định liều dùng, cách sử dụng đúng thuốc để xông.
Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, người dân không nên tự mua thuốc để xông họng tại nhà, hoặc sử dụng lại đơn thuốc cũ. |