Anh luôn mang tôi ra so sánh với vợ của các chiến hữu của anh, rằng họ cũng đàn bà như tôi mà sao biết điều...
|
Ảnh minh họa: Internet |
Nghĩ thật bất công khi mà tôi cũng đi làm ngày 8 tiếng như anh, trong lúc tan tầm chồng ra quán nhậu ngồi còn tôi tất bật đi chợ mua thức ăn rồi ghé qua nhà trẻ đón con về rồi vội vàng chen lấn trong dòng người chật ních xe cộ để về nhà. Sau đó lại dọn dẹp, tắm cho con, nấu cơm xong, dọn thức ăn rồi để phần cơm cho chồng, ăn vội vàng cho qua bữa còn lo đủ thứ việc cho đến tối muộn mới được ngả lưng, vậy mà còn chưa làm vừa lòng chồng.
Nhà người ta có chồng là có cây cột cái để dựa, còn nhà tôi nói thật không oan là chồng tôi như cây cột mục. Ngoài chuyện sống và nhậu ra anh chẳng muốn động chân động tay bất cứ việc gì.
Việc nhỏ như chăm sóc nhà cửa tôi tự xử, còn việc lớn anh bảo tôi thuê thợ, mà thuê thợ về công thợ bao nhiêu tôi cũng tự trả. Chồng tôi cũng chỉ là nhân viên quèn cho công ty kinh doanh nước sạch của thành phố, lương chẳng được bao nhiêu lại mắc tật ghiền nhậu. Tiền đã không đưa về một đồng cho vợ nuôi con, chẳng giúp được cho vợ việc gì mà anh còn “một tấc đến trời”, lúc nào cũng cho rằng mình là người hiểu biết, thông tuệ hơn bất cứ ai.
Anh có thể ngồi quán “nổ” suốt buổi, bàn chuyện thời sự suốt ngày không biết chán. Nhưng về tới nhà là hạch sách, là kiếm cớ chê bôi nào là vợ đoảng, vợ vụng, vợ không làm tròn bổn phận người phụ nữ trong gia đình...
Anh bảo tôi “con ốm là do mẹ không biết cách chăm, đã dốt lại còn sĩ diện không chịu học hỏi bạn bè, sách báo để bắt chước người ta mà nuôi con cho tốt!”
Anh luôn mang tôi ra so sánh với vợ của các chiến hữu của anh, rằng họ cũng đàn bà như tôi mà sao biết điều, thấy chồng say xỉn là chăm sóc chu đáo, hàng ngày biết kiểm tra ví của chồng để bỏ thêm tiền cho chồng đi vui vẻ với bạn bè nhằm giữ thể diện cho chồng trước mặt anh em, chiến hữu...
Nhà còn phải đi thuê, tôi làm cật lực chưa đủ tiền chi tiêu trong gia đình với nuôi con, chồng không đưa tiền cho vợ thì thôi lại còn nã vợ từ tiền đổ xăng, tiền ăn sáng, tiền cà phê, thỉnh thoảng còn phải trả nợ cho chủ quán vì chồng lỡ “nhậu kí sổ??”
Nếu cho tôi một điều ước, có lẽ tôi sẽ ước gì chồng tôi biết nghĩ, biết yêu thương, lo lắng cho tổ ấm của chúng tôi, để vợ chồng thuận hòa, con cái được phát triển bình thường như bao gia đình khác. Liệu đó có phải là ước mơ quá xa vời không?
Theo Ngọc Hà (Tiền Phong)