“Bỏ đói” chồng

09/02/2015 09:34:14

Giờ đây, có lẽ cô cần “bỏ đói” anh một thời gian để anh hiểu cảm giác “đói” là như thế nào mà rồi biết trân quý những lúc được “no nê”…

Giờ đây, có lẽ cô cần “bỏ đói” anh một thời gian để anh hiểu cảm giác “đói” là như thế nào mà rồi biết trân quý những lúc được “no nê”…


Cô biết anh có hẹn với bạn từ trước, nhưng chẳng lẽ sức khỏe của con không quan trọng bằng 1 cuộc hẹn với bạn nhậu ư, trong khi đó đám bạn ấy tuần nào chẳng tụ tập vài lần. Hai mẹ con với nhau ở viện, cô thấy tủi thân khủng khiếp. Cũng chẳng có lấy 1 cuộc điện thoại vớt vát nào của anh. Khám cho con xong, cô gọi anh đến đón, anh chối chưa xong cuộc nhậu, không một lời hỏi thăm, xin lỗi. Sáng nay cô mệt nên dậy muộn, không nấu được bữa sáng cho anh, anh tức tối một hồi rồi vác xe đi làm, ra đến cổng cô vẫn nghe thấy tiếng càu nhàu của anh.

Thực ra đây không phải lần đầu anh thể hiện sự vô tâm, ích kỉ tới quá đáng của mình với vợ con. Sau rất nhiều những sự việc tương tự thì đây chỉ là giọt nước tràn li khiến cô thấy chán nản cùng cực mà thôi. Cô có góp ý với anh không? Đã từng rất nhiều lần, nhưng rồi vẫn đâu đóng đấy. Anh dường như nghĩ rằng, ngày anh đi làm, cuối tháng về quẳng cho cô ít tiền góp sinh hoạt phí, thế là xong nhiệm vụ của 1 người đàn ông, còn lại đều không liên quan đến anh. Không những thế, anh còn tự cho mình cái quyền hạch sách, đòi hỏi vợ mọi lúc mọi nơi.

Nhưng cô ngẫm nghĩ kĩ lại, có lẽ góp phần tạo nên anh của ngày hôm nay cũng 1 phần là do lỗi của cô. Ngay từ hồi yêu nhau, cô đã là người chăm sóc, chiều chuộng anh đến tận răng, mà không đề đòi hỏi được đáp lại. Cô nghĩ, đàn ông vốn vô tâm mà, với lại quan tâm đến những việc nhỏ nhặt chẳng phải vẫn là phần của phụ nữ sao? Đến khi lấy nhau, thậm chí cô còn chăm sóc anh kĩ lưỡng hơn, bởi anh giờ đã là người đàn ông của đời cô, còn cô đã là 1 người vợ rồi. Quen với cảnh sống được cung phụng và phục dịch vô điều kiện, anh dần cho rằng đó là điều đương nhiên vợ phải làm, anh chẳng cần đáp lại, cũng chẳng cần phải có thái độ trân trọng, cảm động. Lâu dần anh sinh ỷ lại, lười biếng và vô tâm, ích kỉ, đã không ít lần khiến cô tổn thương.

Lâu dần anh sinh ỷ lại, lười biếng và vô tâm, ích kỉ, đã không ít lần khiến cô tổn thương (Ảnh minh họa).
 
 
Là cô đã cho anh cảm giác quá đầy đủ, thừa mứa khiến anh coi thường sự hy sinh và chăm chút của vợ. Giờ đây, có lẽ cô cần “bỏ đói” anh một thời gian để anh hiểu cảm giác “đói” là như thế nào mà rồi biết trân quý những lúc được “no nê”. Hy vọng anh cũng sẽ nhận ra trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân mình đối với gia đình.

Nghĩ là làm, trưa ấy cô không lóc cóc về nhà nấu cơm rồi mang đến cơ quan cho anh như mọi hôm nữa mà vui vẻ đi ăn với các cô bạn cùng phòng. Khi anh chờ cơm không thấy, sốt sắng gọi điện cho cô, cô chỉ trả lời ngắn gọn: “Hôm nay em mệt, anh ăn cơm quán nhé!”. Nhận được tin nhắn càu nhàu từ anh nhưng cô không trả lời, không giải thích hay xin lỗi như trước. Chiều, cô đón con thẳng về nhà ngoại, chỉ nhắn cho anh: “Em đưa con về bà ngoại chơi cuối tuần!”. Lại một tràng những trách móc từ anh, kiểu như, em đi thì ai ở nhà lo cơm nước, anh ăn bằng gì… đủ kiểu. “Anh là chồng, việc lo cho vợ con chưa nói tới, nhưng chả lẽ đến bản thân anh, anh lại còn không lo được? Chuyện đưa con đi viện và sau đó, em thật sự thất vọng về anh!” - cô chỉ nhắn lại 1 tin ngắn gọn. Biết cô giận, anh có giải thích, xin lỗi nhưng cô cũng không quan tâm. 

Chiều chủ nhật cô đưa con về lại nhà, anh vui ra mặt, hồ hởi chơi đùa với con. Cô không làm mặt lạnh nhưng cũng không chuyện trò gì với anh, không hỏi thăm anh sống ra sao mấy ngày qua - một sự vô tâm trước nay chưa từng có của cô. Cô vẫn vui cười, đùa nghịch với con nhưng nếu anh hỏi chuyện thì cô chỉ ậm ừ, ánh mắt mình không chạm đến anh dù chỉ 1 lần. Cả tuần sau đó cô vẫn cơm nước, nấu ăn sáng cho anh như bình thường nhưng không còn chuẩn bị quần áo, cặp cho anh đi làm nữa, cũng không giặt quần áo cho anh, xả bồn nước nóng cho anh tắm… như trước đây. Trước mặt con nhỏ, cô không muốn thể hiện rằng bố mẹ đang bất hòa, nhưng những lúc có 2 người, không khí hoàn toàn im ắng. Cuối tuần, cô lại đưa con đi chơi mà không màng đến anh. Cô để anh nếm trải việc có vợ mà bị lạnh nhạt là như thế nào.

Cứ thế, ban đầu có lẽ không quen anh cũng bất mãn ghê lắm, tự dưng đang được “ăn no” lại bị “bỏ đói” thì mấy người chịu được. Nhưng được cỡ chục ngày thì anh bắt đầu bấn loạn, sợ hãi. Anh sợ rồi vợ mình sẽ cứ lạnh nhạt với mình mãi như thế, sẽ chẳng thèm đoái hoài gì tới mình nữa, hay tệ hơn là có ngày sẽ bỏ mình mà đi. Rồi anh bắt đầu thay đổi thái độ, anh giúp vợ đón con, nấu nướng, rửa bát - chuyện xưa nay chưa từng có. Anh cũng chịu khó về nhà đúng giờ hơn, bớt nhậu, chịu chơi với con nhiều hơn.

Cứ thế, cho đến khi tròn 3 tuần thì anh đã không thể chịu đựng hơn được nữa, cứng rắn ôm cô vào lòng: “Mình đừng giận nhau nữa em nhé, anh thấy ngột ngạt lắm, không có tâm trí làm được việc gì”. Cảm xúc bấy lâu bị dồn nén, cô chẳng biết nói sao, chỉ bật khóc nức nở. Rồi cô bắt đầu nói hết suy nghĩ của mình để anh hiểu về sự vô tâm, tính ích kỷ của anh, về việc làm chồng mà không chia sẻ trách nhiệm gánh vác gia đình và lo cho con cái với vợ. Cô nói hết nhưng lúc đó đã bình tâm lại nên những lời nói của cô nhẹ nhàng và có cân nhắc. Anh nghe và cũng phân bua, cũng xin lỗi, hứa sửa chữa.

Sau hôm ấy, cô trở lại bình thường là cô trước đây, nhưng cô cũng tiến hành chia sẻ công việc chung trong gia đình với anh. Thực ra đã là người đàn ông đến tuổi trưởng thành, lập gia đình, có mấy ai là không biết trên lí thuyết nghĩa vụ làm chồng, làm cha là phải như thế nào. Nhưng một số người được vợ lo cho chu đáo quá, vợ gánh hết mọi thứ nên sinh ỷ lại, không biết trân trọng những điều vợ mang đến cho mình, chỉ biết nhận mà không biết cho. “Món quà nào cũng có giá trị của nó nhưng nếu cứ nhận quà miễn phí nhiều quá người ta lại thấy món quà đấy vô giá trị” - cô thầm rút ra bài học cho mình.

Theo Lưu Ly (aFamily.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật