Bị tràn dịch màng não, chỉ cần một chiếc ống thông hút dịch giá 200 USD để phẫu thuật song cô bé Danielys chờ ba tháng vẫn chưa có.
"Đáng lẽ cô bé có thể về nhà trong năm ngày", vị bác sĩ 50 tuổi nghẹn ngào. Để phẫu thuật cho Danielys, Sotillo cần một chiếc ống thông hút dịch ra ngoài. Giá dụng cụ này khoảng 200 USD, không quá đắt so với mặt bằng thiết bị y tế nhưng đối với hầu hết cư dân Venezuela, đó là món tiền khổng lồ bởi thu nhập thường nhập của họ hiện không tới hai USD. Ngay cả bác sĩ giàu kinh nghiệm như Sotillo cũng chỉ kiếm được 110 USD hàng tháng.
|
Một em bé Venezuela bị tràn dịch màng não. Ảnh: Rosali Hernandez. |
Đối với bác sĩ Sotillo, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Venezuela từng là niềm tự hào to lớn. Thế nhưng cơn khủng hoảng kinh tế đã biến niềm tự hào ấy thành nỗi xấu hổ.
Theo Miami Herald, giống như mọi cơ sở y tế khác, Bệnh viện Nhi J.M de los Rios nơi Sotillo công tác như vừa trải qua một trận cướp bóc với quang cảnh bẩn thỉu, hoang tàn, ngổn ngang gạch vỡ. Thiếu thốn trầm trọng trang thiết bị y tế, nơi đây không có kháng sinh, insulin hay thuốc xịt hen suyễn; cũng chẳng còn băng gạc, ống tiêm, kim phẫu thuật. Máy chụp X-quang thì không đủ dùng khiến Sotillo không thể chẩn đoán nhanh những ca chấn thương hoặc u não.
Cảnh tượng hoang tàn tại bệnh viện công Venezuela |
Khủng hoảng y tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất người Venezuela, đặc biệt những ai sống ở khu ổ chuột. Thiếu thực phẩm và nước sạch, hệ miễn dịch bị tổn hại khiến cơ thể ốm yếu, giảm sức đề kháng. Trên thực tế, Sotillo đã chứng kiến sự trở lại của nhiều căn bệnh tưởng chừng biến mất từ lâu như lao, bên cạnh những mối đe dọa mới mà điển hình là Zika. Cái chết chực chờ người dân nếu chẳng may mắc bệnh.
Giữa bối cảnh ấy, bệnh viện, nơi đáng lẽ an toàn nhất lại trở nên nguy hiểm. Deivis, con trai của Sandra Galindez bị suy thận nên cần lọc máu. Đến Bệnh viện Nhi J.M de los Rios, cậu bé bị nhiễm trùng do máy móc ứ đọng cặn bẩn.
"Khi họ làm vệ sinh, chúng tôi phát hiện trong máy có rác, giày cũ và một con mèo chết", Galindez nói. Ngoài con trai cô, 24 đứa trẻ khác cũng đổ bệnh vì lý do tương tự, sáu trường hợp đã tử vong. Deivis hiện rất yếu. Em đau đớn toàn thân, khó ngủ, da môi nứt nẻ đến mức uống nước như thể cực hình. Nhìn Deivis, Galindez không hề giận dữ mà chỉ thấy kiệt sức.
Cùng lúc, Vicki Fernandez đang chăm sóc con trai Andres 14 tuổi. Bề ngoài, cậu bé chẳng khác gì đứa trẻ 8-9 tuổi. Dù cần đến 12 loại thuốc khác nhau, bệnh viện chỉ cung cấp cho Andres được hai, ba món.
|
Những kệ thuốc trống trơn do thiếu thốn thuốc men ở Venezuela. Ảnh: Reuters. |
Nếu có thể, các bệnh nhân Venezuela sẵn sàng rời bỏ đất nước. Không chỉ họ, đội ngũ bác sĩ cũng lựa chọn con đường tương tự. Liên đoàn bác sĩ Venezuela ước tính 12 năm qua, 16.000 thầy thuốc đã xuất ngoại. Tại Bệnh viện Nhi J.M de los Rios, số bác sĩ phẫu thuật thần kinh giảm từ 11 xuống năm người.
Dẫu vậy, vẫn còn đó những cá nhân kiên quyết không bỏ cuộc như Sotillo. Dù phải làm việc dưới điều kiện khắc nghiệt và ở trong văn phòng tồi tàn không điều hòa nhiệt độ với những chiếc ghế ngồi hoặc đã gãy hoặc sắp hỏng, vị bác sĩ khẳng định sẽ ở lại đến cùng.
Nhằm mục đích cứu bệnh nhân, Sotillo cùng đồng nghiệp học cách ứng biến. Hồi tháng 5, khi máy hỗ trợ sự sống bị ngắt 30 phút do mất điện, các y bác sĩ đã tự tay bơm oxy cho các bé sinh non.
|
Bác sĩ Sotillo trong văn phòng. Ảnh: Rosali Hernandez. |
Ngày hôm sau, Sotillo lại bước vào phòng kiểm tra Danielys. "Công chúa của tôi, cháu sao rồi", ông nhẹ nhàng chào hỏi. Nằm nghiêng đầu về phía bác sĩ, Danielys không phản ứng.
Cuối buổi, tin mừng đến với Sotillo. Liên đoàn bác sĩ đã trả tiền mua ống thông hút dịch, ca phẫu thuật cho Danielys cuối cùng cũng sẽ được tiến hành. Thế nhưng, niềm vui ấy vừa lóe lên đã vụt tắt. Sotillo nhớ ra hai bé gái khác mắc cùng chứng bệnh như Danielys. Danh sách chờ đợi dường như chẳng bao giờ kết thúc...
Theo Minh Nguyên (VnExpress.net)