Mút ngón tay hay núm ti giả là thói quen của nhiều em nhỏ, không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cảm xúc.
Tuy nhiên, hầu hết cha mẹ không hề biết những nguy cơ tiềm ẩn mà các bé có thể mắc phải do mút ngón tay, mút núm vú giả kéo dài.
Bé trai nhà chị Nguyễn Thu Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) được 2 tuổi nhưng bé đã có thói quen ngậm mút ti giả từ nhỏ. Chị Huyền chia sẻ: "Từ lúc 6 tháng tuổi, bé thường đưa đồ chơi vào miệng, vì sợ con nuốt phải dị vật hay các chất độc hại từ đồ chơi, mình đã nghĩ ra giải pháp khắc phục là cho con ngậm ti giả".
Chị Nguyễn Thị Vân Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự về sự khó khăn của mình trong việc "cai nghiện" mút ngón tay cho cô con gái 5 tuổi "Từ nhỏ cho đến tận bây giờ, bé vẫn có thói quen mút ngón tay trước khi đi ngủ.
Tôi cũng đã nhiều lần muốn rèn cho con bỏ thói quen này, nhưng vì mỗi lần đi ngủ con hay gắt ngủ, quấy khóc nên tôi không can thiệp nữa. Khi nào lớn con sẽ tự bỏ thôi"
Trẻ lớn vẫn duy trì thói quen mút ngón tay hay núm ti giả. |
Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Hoàng Dương, Trung tâm Nha khoa Đông Nam Á, những thói quen mút ngón tay hay mút núm vú giả trong thời gian sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khớp cắn, cơ hàm, thậm chí làm chậm phát triển tư duy của trẻ nhỏ.
Trẻ có thể bị lệch hàm do thói quen mút ngón tay
Theo BS Dương, từ trong bào thai, bé đã có phản xạ tự nhiên là mút ngón tay. Vì vậy, khi được sinh ra bé sẽ có khả năng sinh tồn là nếm mút và bám víu. Ví dụ, bé mút ti mẹ để ăn sữa. Thường phản xạ này sẽ kết thúc sớm khi trẻ 2-3 tuổi.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều trẻ 4-5 tuổi vẫn có thói quen mút ngón tay do thường xuyên bị đói hoặc mút bàn tay, cắn móng tay do bị tổn thương về tâm lý như: bố mẹ bận việc nên tách con sớm…Thói quen mút ngón tay kéo dài này thường để lại những hậu quả nghiêm trọng về răng lợi.
Mút ngón tay gây ra tình trạng vẩu, mất thẩm mỹ rất lớn ở trẻ nhỏ. |
Cụ thể, thời kỳ trẻ thay răng, việc mút ngón tay trong miệng thường xuyên sẽ cản trở hoạt động của lưỡi, cơ xương hàm không vận động đúng chức năng nên xương không phát triển hết.
Ngoài ra, còn gây ra hiện tượng làm vẩu, chìa răng cửa trên và đẩy răng cửa hàm dưới về phía sau. Từ đó tăng độ cắn chìa, ở người bình thường tăng khoảng 20-40mm, còn các bé thì dài hơn và có khoảng hở giữa hai hàm răng. Đồng thời, hành động này sẽ khiến lưỡi bị hạ thấp xuống vì ngón tay giữ vào đó và làm giảm hoạt động lưỡi.
Đặc biệt, bàn tay không được vệ sinh sạch sẽ, chứa nhiều vi khuẩn nên dễ bị viêm nhiễm.
Chậm phát triển cảm xúc, viêm đường hô hấp… nếu dùng núm vú giả kéo dài
Để con bớt khóc, không đưa đồ chơi, dị vật vào miệng…nhiều cha mẹ đã thỏa hiệp bằng cách cho con ngậm ti giả (núm vú giả). Lâu dần thành thói quen khó bỏ. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, trẻ mút núm vú giả kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến phát triển tâm sinh lý.
BS Dương cho biết: "Đầu núm vú giả sẽ chèn trong miệng cũng giống như ngón tay. Vì thế, nếu nhóm trẻ nhỏ thường xuyên mút núm vú giả sẽ làm giảm vận động và phát triển của cơ lưỡi, xương hàm, dễ bị lệch khớp, gây răng vẩu…"
Theo nghiên cứu của một trường đại học tại Mỹ, những bé trai sử dụng núm vú giả có nguy cơ lớn bị chai lì cảm xúc. Ở độ tuổi từ 1-3 thì trẻ có phản xạ bắt chước người khác, nhưng nếu ngậm mút núm vú giả thì cơ thể chậm hoạt động, tạo ra sự khó khăn trong việc diễn đạt cảm xúc so với trẻ không sử dụng núm vú giả.
Ngoài ra, trong nghiên cứu đó, người ta có thử nghiệm ở các sinh viên đại học chia làm 2 nhóm trước đây sử dụng và không sử dụng núm vú giả thông qua hoạt động đánh giá cảm xúc của người khác. Kết quả cho thấy, chỉ số EQ của nhóm sử dụng thấp hơn so với nhóm không sử dụng núm vú giả.
Nhiều trẻ có thói quen ngậm ti giả từ nhỏ. |
Nguy hiểm hơn, trong trường hợp trẻ đang ngậm mút, núm vú giả bị nong ra sẽ gây tắc nghẽn đường thở nếu nuốt phải. Và trẻ có thể bị dị ứng chính vật liệu của núm vú hoặc không sạch sẽ gây ra nhiễm trùng đường thở.
BS Dương cũng cảnh báo thêm, 2 thói quen trên đều có nguy cơ bị hở hàm, dẫn đến trẻ sẽ thở bằng miệng thay cho thở bằng mũi bình thường. Và việc này sẽ gây viêm nhiễm đường hô hấp, hội chứng rối loạn giấc ngủ, nguy hiểm hơn là hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Từ đó, BS đưa ra lời khuyên, các cha mẹ hãy tập dần cho con bỏ thói quen này trước khi 3-4 tuổi. Trong trường hợp bất khả kháng nên sử dụng loại núm vú sinh lý được thiết kế gần giống và mềm như núm vú của mẹ.
Đối với các bé có thói quen mút ngón tay, bố mẹ có thể sử dụng các khí cụ như: bao để bọc ngón tay, hoặc đeo khí cụ trong miệng để tránh viêm nhiễm lợi, đường hô hấp.
Ngoài ra, trẻ mút ngón tay do bị ảnh hưởng tâm lý thì các cha mẹ cần đưa con đi khám sớm để được điều trị kịp thời.
Theo Huệ Nguyễn (Trí Thức Trẻ)