Tiết kiệm là một trong những mỹ đức đẹp của ông bà ta từ xưa tới nay, thế nhưng cái gì "quá" cũng không tốt. Tiết kiệm mà "quá" thì lại biết thành kẹt sỉ. Câu chuyện của cô gái dưới đây đã khiến dân tình được một phen "mắt chữ a miệng chữ o vì không hiểu tại sao thời buổi này lại còn có gia đình "tằn tiện" đến thế.
"Phải làm thế nào khi gia đình nhà chồng quá tiết kiệm?
Mình kết hôn được gần 2 năm và hiện đang có một bé gái 5 tháng tuổi. Trước khi về nhà chồng mình có về thăm nhà anh vài lần. Cũng chẳng có gì phải nặng lòng hay đắn đo về cách sinh hoạt của gia đình anh ngoại trừ sự kỹ lưỡng, chi li và tiết kiệm. Mình cũng không phải người sống cẩu thả và rất để ý đến thói quen của mình để hòa nhập với văn hóa của gia đình chồng. Nhưng nói thật nó ngột ngạt đến nỗi mình chỉ muốn đi làm hoặc đi đâu cũng được miễn là đừng phải về nhà chồng sớm.
Mẹ chồng mình cân đo đong đếm từng thìa đường, hạt muối, đồ ăn phải tính toán sao cho phù hợp với bữa ăn để không dư thừa. Có khi trong bữa ăn nhà 5 người lớn mà chỉ phải kho 3 con cá và nấu 1 tô canh thôi. Ấy mà hồi mình bầu, mẹ chồng cũng kêu mình nấu lượng như vậy thôi mà nói ăn nhiều vào mới nuôi con trong bụng cho tốt. Thử hỏi nếu mình ăn nhiều vào thì 3 người đàn ông còn lại trong nhà có đủ ăn để có sức mà làm việc không.
Mình nấu bật ga lớn thì bảo là bật ga vừa với đáy nồi thôi để đỡ hao ga. Rồi nấu canh nấu ít nước thôi vì nhà chỉ ăn cái, nước ít ăn mà nấu nhiều nước thì phí gia vị. Còn điện thì cứ đi vào gian nhà dưới thì tắt đèn nhà trên. Lên gian nhà trên thị phải tắt đèn gian nhà dưới. Mình về làm dâu cũng được sắm cho cái máy lạnh duy nhất trong nhà nhưng nói thật là mình không dám xài. Chồng mình có khi phải đi trực đêm nên chỉ hôm nào đêm có chồng ngủ ở nhà mới mở máy lạnh còn hầu như mình toàn ngủ bằng máy quạt vì sợ tiền điện lên lại bị nói xài phí này nọ.
Đến bây giờ, khi mình sắp đi làm lại và con bắt đầu vào giai đoạn ăn dặm. Mình kiếm ra được tiền nên cũng không muốn để con mình phải chịu thiệt thòi và hơn hết là tập cho con những thói quen tốt trong ăn uống, sinh hoạt nên đã sắm đủ những đồ dùng phục vụ cho nhu cầu ăn dặm của con (ở đây có các mẹ bỉm sẽ biết ạ), và điều đó cũng đỡ đi phần nào cho mẹ chồng đỡ phải cực khi chăm cháu giúp mình.
Mà mình bị nói thẳng mặt là xài phí, 6 tháng ở nhà chồng nuôi mà lấy tiền xài những cái tào lao. Mua ghế ăn dặm cho con làm gì để 2 ông bà ở nhà đưa võng cho ăn, mua nồi chảo dao thớt riêng làm gì ở nhà không có à hay chê đồ nhà chồng, mua nồi nấu cháo chậm làm gì làm biếng nấu à, rồi là chén bát nhà có mà dư tiền hay sao mua,... Mọi thứ mình sắm cho con đều bằng chính đồng tiền của mình mà không hề xài bất kỳ thứ gì của chồng mình (mình giữ tiền chung của 2 vợ chồng nhưng hàng tháng chi gì, chi bao nhiêu đều ghi chú lại, đầu tháng công khai cho chồng. Là mình tự làm vậy vì không muốn mang tiếng tiêu xài hoang phí, chồng nuôi chứ chồng mình không có buộc mình phải làm vậy). Rồi trẻ em bây giờ đều được cho phép nằm máy lạnh mà bà cứ bắt mình đưa cháu ra trước nhà để đưa võng ngủ có gió cho mát.
Nói thật là gia đình chồng mình sống rất truyền thống và tử tế. Riêng có khoản quá tính toán, chi li và tiết kiệm quá mức như vậy mình thật sự rất ngột ngạt và không thể nào vui vẻ để mà hạnh phúc được ạ. Vì mẹ có hạnh phúc thì con mới vui, gia đình mới bền vững, mình đã cố gắng lắm rồi nhưng thực sự mệt mỏi quá. Mình cũng đã xin chồng ra riêng nhưng chồng cũng không chịu còn nói mình xin ra riêng là ích kỷ. Không lẽ ly hôn chỉ vì nhà chồng quá tiết kiệm?"
Câu chuyện ngay sau khi chia sẻ đã nhận được rất nhiều sự đồng tình của cư dân mạng, nhất là cánh chị em đã từng chịu cảnh làm dâu tương tự. Người ta hay nói "hôn nhân là nấm mồ của tình yêu", đôi khi tình yêu không phải chịu sóng to gió lớn gì nhưng lại bị mai một bởi những thứ rất nhỏ trong cuộc sống. Hoặc là hòa hợp, hoặc là thoát ra, con người chúng ta không thể nín nhịn trong một thời gian dài mà như không có chuyện gì được. Nếu một ngày sự ấm ức đè nén bấy lâu đó bùng phát thì cũng là lúc hôn nhân vỡ tan.
Phần lớn ý kiến đều khuyên cô gái phải "làm lớn" một lần, hoặc là quyết tâm ra ở riêng, hoặc là công khai tài chính với cả gia đình để mọi người biết là mình không ăn bám chồng, nếu cả nhà không thể sống thoải mái hơn thì cũng đừng bắt bản thân cô phải chi li giống như thế.
- Nói chuyện ra ngô ra khoai với chồng về chuyện khác biệt trong lối sống để ra ở riêng, còn nếu không thì cứ tiêu dùng thoải mái, tiền tăng thì đóng tăng. Còn nếu gia đình vẫn tiếp tục ý kiến thì bế con về ngoại. Lấy chồng không sung sướng được thì thôi, đừng để trong túi có tiền mà sống cực khổ. Không đáng!
- Chẳng bù cho nhà chồng mình, ông bà cứ đam mê mua đồ ăn số lượng lớn, có khi ăn cả tuần cả tháng không hết, ăn phát ớn luôn. Mẹ chồng thì khoái nấu, nhà 5 người mà lúc nào cũng như làm cỗ cưới bàn 10 người vậy. Đến mấy con chó nhà mình con nào cũng ú nu đi không nổi. Mình lại không ăn được nhiều nên suốt ngày bị nói.
- Ở riêng thôi chị, chả có gì là ích kỷ cả. Nhà không có điều kiện thì thôi, chị nhịn một chút thì dĩ hòa vi quý, nhưng tới khi có con rồi không thể bắt con cũng sống khổ như mình được.
- Khiếp em mà như chị em trầm cảm mất, thời nào rồi còn như thế nhỉ? Có đến mức thiếu ăn thiếu mặc gì đâu?
- Đây là kẹt sỉ chứ tiết kiệm nỗi gì! Không dám tiêu không dám ăn tiết kiệm sau này chết mua vàng mà cho nhiều đốt xuống đó hả?
Dung (Nguoiduatin.vn)