Vợ chồng trẻ thu nhập 20 triệu/tháng vẫn mua được nhà tiền tỷ

06/05/2023 15:51:20

Cuộc sống sau khi kết hôn phải lo đủ điều, đặc biệt là tài chính. Có nhiều cặp đôi tính toán rất khéo, dù thu nhập không cao nhưng vẫn có khả năng tích lũy được tài sản có giá trị cao như nhà cửa.

Vợ chồng trẻ Hiền Nguyễn (1996, Nam Định) và Thanh Sơn (1992, Hải Phòng) sau khi kết hôn được 2 năm đã có cho mình khoản tài sản đầu tiên: Một căn chung cư cũ rộng 42m2, giá mua vào hơn 1,2 tỷ đồng. Căn hộ có 2 phòng ngủ, 1 vệ sinh, 1 khách và bếp thông nhau. Nội thất không có gì đặc biệt nhưng là tổ ấm mà gia đình Hiền Nguyễn tự tay vun đắp và vô cùng trân trọng.

Vợ chồng trẻ thu nhập 20 triệu/tháng vẫn mua được nhà tiền tỷ
Căn chung cư của gia đình Hiền Nguyễn ở Hải Phòng. (Ảnh NVCC)

Điều đặc biệt ở đây, là căn hộ được mua khi tổng thu nhập của cặp đôi chỉ 20 triệu/tháng. Lúc mới cưới nhau, Hiền cho biết công việc của cô là công chức nhà nước tháng lĩnh đều 7 triệu đồng. Khoản thu chính trong gia đình đến từ anh chồng Thanh Sơn với mức lương của một nhân viên kỹ thuật điện máy. Ngoài khoản lương cứng thì Sơn còn nhận thêm khoản trợ cấp hàng tháng, giao động thu nhập mỗi tháng từ 13-15 triệu đồng.

Kế hoạch mua nhà được đặt ra từ trước khi cưới, lúc cặp đôi mới yêu nhau được hơn 1 năm. Thời điểm vừa kết hôn xong, Hiền Nguyễn cho biết: "Tụi mình đã tính toán rất nhiều, công khai thu nhập với nhau từ lúc có ý định về chung một nhà. Dù biết rất khó để tích lũy tiền mua chung cư, nhưng vì sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng thì thành quả đầu tiên cũng đã đạt được."

Chán cảnh nhà thuê, vợ chồng trẻ bỏ phố về quê mua nhà

Vợ chồng Hiền và Sơn kết hôn từ năm 2019, sau hơn 2 năm cưới thì mua được căn nhà đầu tiên. Tuy nhiên, hơn 70% giá trị căn nhà (khoảng 850 triệu đồng) là khoản vay: "Có những khoản vay có lãi, có khoản thì không."

Trong quá trình tích lũy tiền để mua được nhà, Hiền chia sẻ cô gặp rất nhiều khó khăn: "Không chỉ là việc tính toán chi tiêu cho một người nữa. Mình còn phải cân đo đóng đếm từng đồng lương mà cả 2 kiếm được." Theo đó, Hiền cho biết đã quản lý cả tiền lương của chồng từ thời chưa cưới.

"Trước khi cưới, tụi mình đều làm việc ở Hà Nội và cùng ở nhà thuê. Đến khi về ra mắt gia đình và có ý định kết hôn, cả 2 dọn về ở chung để tiết kiệm chi phí. Lúc đó cũng chưa ai nghĩ đến việc bỏ phố về quê làm việc vì còn nhiều hi vọng gửi gắm Hà Nội lắm! Nhưng sau khi kết hôn, chồng mình bị buộc phải chuyển công tác về Hải Phòng vì một số lý do riêng. Bao dự định của tụi mình khi đó đều phải ngưng lại. Chồng mình về quê trước, mình theo sau."

Ở quê được khoảng 6 tháng, cả Hiền và Sơn đều thấy: "Sao ở quê bây giờ sướng thế!". Không phải bon chen vào giờ cao điểm, ăn uống tiết kiệm hơn bất ngờ, những chi tiêu lặt vặt khác cũng gần như không còn. Hơn hết là "không phải chịu cảnh mưa lớn thì ngập nhà, hay thi thoảng còn có trộm như lúc còn ở Hà Nội nữa." - những trải nghiệm có thể nói là ám ảnh với Hiền Nguyễn lúc còn ở nhà thuê. Đây cũng là lý do chính khiến cho cả Hiền và Sơn quyết tâm phải mua được nhà sau khi cưới.

Vay nợ mua nhà không phải quyết định "một sớm một chiều"

Để đi đến quyết định vay nợ mua nhà, cả Hiền và Sơn đều nhận được sự ủng hộ và động viên từ gia đình 2 bên: "Lúc hỏi cưới mình, nhà chồng có hứa là sẽ cho của hồi môn lớn để dành mua nhà. Vì gia cảnh hai bên cũng không phải quá tốt, nên mình cũng không đòi hỏi cưới xong là phải có nhà luôn. Sau khoảng 2 năm kết hôn, bằng tất cả số tiền tích lũy được, tụi mình xuống tiền để mua trả góp căn chung cư này. Việc mua nhà ở quê cũng đỡ vất vả hơn so với việc mua nhà ở Hà Nội".

Trải qua sự tính toán kỹ càng và nhiều năm tích lũy tiền bạc của cả 2, vợ chồng Hiền bỏ ra khoảng 30% giá trị căn nhà (khoảng 350 triệu đồng).

Vợ chồng trẻ thu nhập 20 triệu/tháng vẫn mua được nhà tiền tỷ - 1
Tính toán tài chính thật kỹ trước khi mua nhà. (Ảnh minh họa)

"Vì thu nhập không cao, mà còn phải trang trải cuộc sống ở thành phố lớn nên số tiền tụi mình góp lại được không nhiều. Trong 350 triệu này còn có hơn 100 triệu tiền quà cưới, 250 triệu được lấy ra từ sổ tiết kiệm của cả hai. Tụi mình cũng chừa lại khoảng 25% tiền tiết kiệm để phòng trừ rủi ro. Còn lại thì rút hết. Hơn 850 triệu còn lại, có của gia đình 2 bên hơn 400 triệu, bạn bè giúp đỡ thêm khoảng 50 triệu nữa. Số còn lại tụi mình vay ngân hàng và trả góp trong 10 năm. Số tiền bố mẹ giúp đỡ thì không có gánh nặng về lãi suất cũng như thời gian trả nợ nên tụi mình dễ thở hơn nhiều."

Theo đó, tổng số tiền nợ hàng tháng mà gia đình Hiền phải trả khoảng 8 triệu đồng: Hơn 6 triệu tiền ngân hàng và 2 triệu trả góp cho bạn bè. Với thu nhập ban đầu hơn 20 triệu/tháng, dành 30% để trả nợ cũng là một con số nằm trong khả năng của gia đình Hiền. "Thu nhập hiện tại của chồng mình cũng đã cao hơn, mình thì vẫn vậy nhưng lại có thời gian chăm sóc gia đình. Đây cũng là điều khiến mình hài lòng với công việc nhà nước này."

Tuy thu nhập không quá cao nhưng với mức chi tiêu ở quê cũng khiến cuộc sống gia đình Hiền khá dễ thở: "Chưa có con cái gì nên tụi mình chi tiêu cũng hạn chế. Không cần phải đóng tiền nhà nhưng những khoản như điện nước, wifi, đám đình... chiếm khoảng 2 triệu/tháng. Tiền ăn cho 2 vợ chồng 3,5 - 4 triệu/tháng, đây là số tiền đã tính cả ăn ngoài. Gia đình nội ngoại không cần hỗ trợ nhiều nên chỉ tốn kém tiền quà cáp mỗi dịp lễ tết. Số tiền còn lại mình vẫn tính toán làm sao bỏ thêm vào tiết kiệm và phát sinh ngoài ý muốn. Dự định 2 năm nữa mới có con nên tụi mình vẫn cố gắng gia tăng thu nhập và tiết kiệm nhiều hơn."

Từ khi có một căn nhà thuộc về riêng mình, Hiền Nguyễn cảm thấy dù có nợ cũng vẫn xứng đáng: Một nơi đủ an toàn che mưa che nắng, che cả những muộn phiền ngoài kia mỗi khi bước qua cánh cửa nhà!

Theo PV (Phụ Nữ Việt Nam)

Nổi bật