Vợ chồng già nhặt rác ở Đắk Lắk 'tặng' họ tên cho 19 hài nhi bị vứt bỏ

04/05/2025 08:06:26

18 năm mưu sinh tại bãi rác, đôi vợ chồng già ở Đắk Lắk phát hiện 19 thi thể hài nhi. Những hài nhi này sau đó đều được mang họ Lê, được đặt tên và chôn cất tại nghĩa trang xã Cư Êbur.

Năm 1986, vợ chồng ông Lê Văn Cảnh (SN 1938) và bà Nguyễn Thị Vuông (SN 1944) từ Thanh Hóa vào Đắk Lắk làm ăn, sinh sống theo diện kinh tế mới. Dù chăm chỉ nhưng vì nhà đông con, nên cuộc sống của gia đình ông Cảnh gặp nhiều khó khăn.

Vợ chồng già nhặt rác ở Đắk Lắk 'tặng' họ tên cho 19 hài nhi bị vứt bỏ
Vợ chồng ông Cảnh ghi lại danh sách những người ủng hộ chôn cất thi thể hài nhi. Ảnh: Hải Dương

Năm 1999, ông Cảnh và vợ đến bãi rác của Công ty Môi trường đô thị Đắk Lắk (thôn 8, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột) nhặt ve chai. Từ đây, vợ chồng ông cùng người dân địa phương đã phát hiện, khâm liệm, chôn cất hàng chục hài nhi xấu số.

Ông Cảnh kể, do kinh tế gia đình khó khăn nên 2 vợ chồng thường đến bãi rác nhặt ve chai bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Một hôm, vào khoảng 7h, khi rác vừa đổ xuống, ông Cảnh phát hiện một chiếc túi du lịch còn mới, được khóa cẩn thận.

Nghĩ rằng đã nhặt được chiếc túi mới nên ông mang đi khoe với những người xung quanh. Khi mở túi ra, ông phát hiện bên trong có thi thể một bé trai được quấn khăn cẩn thận. Ông Cảnh liền kêu gọi mọi người góp tiền mua tiểu sành, hương hoa.

Sau đó, ông cùng vợ tắm rửa sạch sẽ cho cháu bé, khâm liệm rồi cùng người dân mang đi chôn cất.

Vợ chồng già nhặt rác ở Đắk Lắk 'tặng' họ tên cho 19 hài nhi bị vứt bỏ - 1
Nơi chôn cất các hài nhi xấu số. Ảnh: Hải Dương

Một hôm khác, khoảng 5h sáng, ông Cảnh đến bãi rác, phát hiện một túi ni lông màu đen. Linh tính mách bảo nên ông mở ra xem và phát hiện thi thể một bé gái. Thấy cháu bé còn hơi ấm, ông gọi vợ cùng nhau hô hấp nhưng không thành công.

Sau đó, vợ chồng ông Cảnh lại cùng mọi người khâm liệm rồi mang đi chôn cất.

Theo ông Cảnh, không chỉ riêng vợ chồng ông mà quá trình mưu sinh tại bãi rác có rất nhiều người nhặt được các thi thể hài nhi xấu số bị chối bỏ.

"Mỗi khi phát hiện thi thể hài nhi, tôi không sợ mà chỉ thấy đau lòng. Vợ chồng tôi lại kêu gọi, quyên góp tiền để mai táng các cháu. Vợ chồng tôi thương các cháu nên cố gắng làm điều tốt nhất có thể", ông Cảnh nói.

Các hài nhi đều được mang họ Lê

Gần 20 năm mưu sinh tại bãi rác xã Cư Êbur, vợ chồng ông Cảnh cùng người dân xung quanh đã nhặt được 19 thi thể hài nhi xấu số. Trong đó, 13 bé được an táng tại nghĩa địa thôn 8, xã Cư Êbur. Những bé còn lại được chính quyền địa phương lo liệu.

Vợ chồng già nhặt rác ở Đắk Lắk 'tặng' họ tên cho 19 hài nhi bị vứt bỏ - 2
Vợ chồng ông Cảnh xem các hài nhi như máu thịt của mình. Ảnh: Hải Dương

Tất cả những hài nhi này đều được ông Lê Văn Cảnh cho mang dòng họ Lê của mình. Ông Cảnh cũng đặt tên cho từng bé...

Ông Cảnh cho biết, khi nhặt được thi thể hài nhi, ông suy nghĩ do người lớn bỏ rơi khiến các bé trở thành những người vô danh, không cha mẹ, họ hàng thân thích. Từ suy nghĩ đó, ông Cảnh quyết định cho các hài nhi mang họ Lê của mình.

Về việc đặt tên, nếu bé nào được nhặt vào buổi sáng thì ông Cảnh sẽ đặt tên có ý nghĩa ban mai hay bình minh như Lê Thị Mai, Lê Bình Minh... Nếu nhặt được vào buổi chiều thì bé sẽ mang tên Lê Văn Hoàng, Lê Thị Hoàng Hôn....

Vợ chồng già nhặt rác ở Đắk Lắk 'tặng' họ tên cho 19 hài nhi bị vứt bỏ - 3
Vợ chồng ông Cảnh sống cùng con cháu ở xã Cư Êbur. Ảnh: Hải Dương

Năm 2017, bãi rác được dời đến xã Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột) nên vợ chồng ông Cảnh không còn nhặt rác, mà về sống cùng người con út tại thôn 8, xã Cư Êbur. 

Lúc còn đi làm, vợ chồng ông Cảnh luôn biết tiết kiệm nên cũng mua được rẫy nương để trồng đậu, bắp. 8 người con hiện có cuộc sống ổn định và thường xuyên quan tâm đến bố mẹ. 

Chủ tịch UBND xã Cư Êbur Nguyễn Hữu Chí cho biết, quá trình mưu sinh tại bãi rác, mỗi khi phát hiện những thi thể hài nhi xấu số, vợ chồng ông Cảnh lại tự tay tắm rửa, khâm liệm, rồi cùng những người khác đóng góp tiền bạc, lo hậu sự cho các bé.

"Cách đây gần 10 năm, bãi rác đã ngừng hoạt động và chuyển đi nơi khác.

Vợ chồng ông Cảnh không còn làm nghề nhặt ve chai nữa mà về làm rẫy, sống vui vẻ cùng con cháu. Việc làm của vợ chồng ông Cảnh không phải ai cũng làm được và nhiều người cảm phục, quý mến", ông Chí chia sẻ.

Theo Hải Dương (VietNamNet)

Nổi bật