Vợ bỏ đi khi chồng bệnh nặng, chồng vừa qua đời liền có hành động gây phẫn nộ

01/05/2025 13:46:58

Người phụ nữ biết chồng mắc bệnh nặng thì "bặt vô âm tín". Biết tin chồng qua đời, người này bất ngờ quay về đòi chia tài sản thừa kế.

Một vụ kiện tranh chấp tài sản thừa kế ở Bắc Kinh (Trung Quốc) kết thúc vào cuối tháng 4 vừa qua đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận nước này.

Trần Húc (tên nhân vật đã được thay đổi), một người đàn ông Bắc Kinh, do bận rộn với công việc nên không có nhiều cơ hội gặp gỡ phụ nữ.

Nghe lời khuyên từ bạn bè, anh quyết định thử hẹn hò qua mai mối và kết hôn với một cô gái sau thời gian tìm hiểu.

Sau khi kết hôn, Trần Húc luôn nỗ lực làm việc để lo cho gia đình nhỏ. Tuy nhiên, bi kịch xảy ra khi anh bất ngờ ngất xỉu tại văn phòng và được chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo.

Người đầu tiên được bệnh viện thông báo là vợ nhưng thay vì ở bên chăm sóc, cô lại phớt lờ tình trạng sức khỏe của chồng, thậm chí còn chặn WeChat của anh trong một cuộc cãi vã. Sau đó, hoàn toàn bặt vô âm tín.

Trong thời gian Trần Húc bị bệnh, chị gái là người chăm sóc anh. Chị đưa anh đến bác sĩ để điều trị y tế hằng ngày, đưa đến phòng cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp. Chị gái cũng là người dọn dẹp nhà cửa, trả tiền mua thuốc men, nhu yếu phẩm hằng ngày và dụng cụ phục hồi chức năng cho anh.

Vợ bỏ đi khi chồng bệnh nặng, chồng vừa qua đời liền có hành động gây phẫn nộ
Ảnh minh hoạ.

Sau 2 năm kiên trì, Trần Húc mỗi ngày một yếu hơn rồi qua đời. Việc hậu sự do chị gái anh lo liệu toàn bộ.

Tuy nhiên, 1 năm sau, vợ của Trần Húc bất ngờ quay lại, đòi chia tài sản. Cô đến gặp chị chồng, tuyên bố rằng cô là người thừa kế hàng thứ nhất đối với gia sản của Trần Húc, yêu cầu được nhận toàn bộ của cải mà anh để lại, bao gồm nhà cửa, xe cộ và tiền tiết kiệm.

Khi bị từ chối, người vợ đã kiện chị chồng ra tòa. 

Trong phiên tòa xét xử vụ tranh chấp, thẩm phán cho biết, theo các điều khoản liên quan của Bộ luật Dân sự Trung Quốc, những người thừa kế có khả năng chu cấp nhưng không thực hiện nghĩa vụ này sẽ không được chia di sản của người đã khuất hoặc chia ít hơn mức thông thường. Vợ chồng có nghĩa vụ chu cấp cho nhau về vật chất và tinh thần.

"Không thực hiện nghĩa vụ chu cấp" thường có nghĩa là chưa đến mức bỏ rơi; nếu đã cấu thành hành vi bỏ rơi, quyền thừa kế sẽ bị mất theo luật định.

Thẩm phán chỉ ra rằng vợ của Trần Húc, người thừa kế hợp pháp hàng đầu duy nhất, có quyền thừa kế di sản của anh. Tuy nhiên, hai người sống chung với nhau trong một thời gian rất ngắn sau khi kết hôn. Cô lại có nguồn thu nhập ổn định và sức khỏe tốt, nghĩa là có khả năng cấp dưỡng cho chồng, nhưng không hề thực hiện nghĩa vụ đó, cũng không hỏi han gì về hoàn cảnh cái chết của chồng.

Do đó, tòa án phán quyết rằng khi phân chia di sản của Trần Húc, người vợ phải được hưởng phần ít hơn.

Mặt khác, Bộ luật Dân sự Trung Quốc cũng quy định rằng, ngoài người thừa kế, những ai cấp dưỡng nhiều hơn cho người đã khuất có thể được hưởng phần tài sản thích hợp. Xét đến hoàn cảnh của Trần Húc khi còn sống, chị gái anh không phải là người thừa kế hàng đầu nhưng đã cấp dưỡng phần chủ yếu cho anh nên xứng đáng được hưởng thừa kế theo luật định.

Cuối cùng, tòa án quyết định rằng di sản của Trần Húc sẽ được chia cho chị gái anh 60%, còn người vợ được 40%.

Phán quyết gây ra làn sóng tranh cãi lớn trên mạng. Nhiều người cho rằng người vợ không xứng đáng nhận bất kỳ phần tài sản nào.

Tuy nhiên, theo luật, tài sản chung trong hôn nhân vẫn thuộc quyền của cả hai bên, và di chúc cũng không thể tước hết quyền của người phối ngẫu nếu không có bằng chứng cụ thể.

Theo Minh Hoa (Nguoiduatin.vn)