Vì sao cuộc sống quá đầy đủ khiến trẻ mất khôn

07/12/2017 13:45:45

Quá nhiều sự lựa chọn tạo ra những đứa trẻ dễ chán nản, kìm hãm sự sáng tạo và khả năng tự định hướng khi học tập.

Dưới đây là bài viết của Linh Phan, bà mẹ một con đang sống và làm việc tại Na Uy. Cô cũng đang tự phát triển một trang web về lối sống đơn giản và làm cha mẹ hạnh phúc Raisedhappy

Khi còn nhỏ, chồng tôi chỉ có một vài chiếc áo, quần. Nếu đồ bị rách, mẹ sẽ vá lại cho anh. Chúng tôi vẫn mang theo chiếc áo chồng yêu thích từ bé sang tận Na Uy để tiếp tục cho con trai mình xem. 

Chồng tôi là người cực kỳ đơn giản và những thứ phục vụ cho nhu cầu ăn - mặc đều dừng ở mức đủ. Anh có tuổi thơ gắn bó với cuộc sống nông thôn và được tham gia vào mọi trò chơi tuyệt vời nhất mà trẻ thành phố không bao giờ biết tới. Dù có thể người ngợm bầm tím, tay chân chảy máu, mất đồ đạc và những buổi chơi tối mịt mới về bị mẹ mắng... nhưng thực sự đó là "thời gian để sống" và anh đã được đắm mình trong thời thơ ấu. 

Nhưng thế giới ngày càng tinh vi hơn. Chúng ta đã bước vào một thời kỳ mà tôi cho là khủng hoảng, thay vì cố gắng để cung cấp đủ cho con, bố mẹ không thể cưỡng lại việc cung cấp quá nhiều. Bản thân tôi cũng có lúc mua sắm quá tay cho con trai mình. Và khi làm như vậy, chúng ta đang vô tình tạo ra một môi trường cho những vấn đề sức khỏe tâm thần có cơ hội bộc phát. 

Khi đọc cuốn sách Simplicity Parenting của Kim John Payne, tôi được biết trẻ hoàn toàn có thể bị rối loạn khi chúng bị căng thẳng với sự "quá nhiều". Payne tiến hành một nghiên cứu, trong đó ông đã đơn giản hóa cuộc sống của trẻ đang mắc chứng rối loạn chú ý. Trong khoảng 4 tháng ngắn ngủi, có tới 68% bệnh nhân không còn có biểu hiện rối loạn nữa và 37% số trẻ gia tăng khả năng nhận thức - một hiệu quả không thấy được khi dùng các loại thuốc được kê toa hay chỉ định của bác sĩ. 

Vì sao cuộc sống quá đầy đủ khiến trẻ mất khôn
Ảnh minh họa: Sittercity.

Vậy chúng ta đang sai ở đâu và khắc phục nó như thế nào?

Trong quãng đầu sự nghiệp, Payne làm tình nguyện trong các trại tị nạn ở Jakarta, nơi những đứa trẻ phải đối mặt với chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Ông mô tả rằng chúng "hoảng loạn, thần kinh và thận trọng, cảnh giác với bất cứ điều gì mới lạ".

Nhiều năm sau, Payne điều hành một cơ sở tư nhân tại Anh, nơi ông nhận ra nhiều trẻ nhà giàu đang biểu lộ các hành vi giống như những đứa trẻ sống trong vùng chiến sự trước đây. Tại sao vậy?

Payne giải thích rằng mặc dù trẻ có thể chất an toàn nhưng tinh thần lại hoảng loạn. "Những nỗi lo sợ về cha mẹ, những động lực, tham vọng và tốc độ nhanh chóng của cuộc sống đã khiến những đứa trẻ bận rộn cố gắng lập nên ranh giới riêng của chúng". Các phản ứng căng thẳng tích lũy giống như núi tuyết quá nặng thì sẽ lở, trẻ phát triển các chiến lược đối phó của riêng để cảm thấy an toàn.

Cha mẹ và xã hội ý thức được việc bảo vệ con cái mình về thể chất. Chúng ta lên án việc không đội mũ bảo hiểm hay là lộn nhào trong sân chơi... nhưng bảo vệ sức khỏe tinh thần dường như mơ hồ hơn rất nhiều. 

Chúng ta cho con ghi danh vào các lớp học dài vô tận: bóng đá, âm nhạc, võ thuật, múa... và lên lịch chơi chính xác từng giờ. Chúng ta lấp đầy giá sách bằng các cuốn sách, thiết bị điện tử và đồ chơi. Trẻ em phương Tây trung bình đã vượt quá 150 đồ chơi và nhận thêm 70 đồ chơi mỗi năm. 

Simplicity Parenting khuyến khích phụ huynh giữ ít đồ chơi hơn để trẻ có thể tham gia sâu hơn vào những gì mà con có. Payne mô tả 4 điều tác động xấu tới trẻ: quá nhiều thứ, quá nhiều lựa chọn, quá nhiều thông tin và tốc độ quá nhanh. 

Khi trẻ bị choáng ngợp, chúng sẽ mất đi thời gian để khám phá, chơi và giải phóng sự căng thẳng. Quá nhiều sự lựa chọn làm xóa đi hạnh phúc, niềm vui, tạo ra những đứa trẻ dễ chán nản, kìm hãm sự sáng tạo và khả năng tự định hướng khi học tập. Và điều quan trọng nhát, "quá nhiều" đã đánh cắp đi thời gian quý báu. Con chỉ lớn lên một lần trong đời mà thôi.  

Làm thế nào để bảo vệ con?

Tương tự như giai thoại về hội chứng ếch luộc, rằng nếu đun sôi từ từ thì con ếch sẽ không nghi ngờ và chết từ từ. Còn nếu thả ếch vào nước đang sôi, chúng sẽ nhảy khỏi nồi ngay lập tức. Nếu thứ gì đó không gây chết người ngay khi tiếp xúc, chúng ta thường cho rằng nó không có gì đáng ngại.

Xã hội giờ đây dường như cũng đang nóng dần lên với nhiều vấn đề, đặc biệt ảnh hưởng tới tuổi thơ của một đứa trẻ. Nhưng khi chưa có những gì quá nghiêm trọng xảy ra, thì chúng ta còn đủng đỉnh. 

Nhà tâm lý học David Elkind đã đưa ra trong báo cáo của mình rằng trẻ em mất hơn 12 tiếng đồng hồ "tự do" mỗi tuần trong hai thập kỷ qua. Tức là cơ hội của sự tự do ngày càng khan hiếm. Nhiều trường học thậm chí còn loại bỏ hoặc giảm bớt thời gian nghỉ để trẻ học nhiều hơn. 

Thời gian dành cho trẻ để chơi thể thao một cách có tổ chức cũng cho thấy sự sáng tạo thấp đi đáng kể ở người trẻ, trong khi thời gian chơi các môn thể thao không chính thức mới liên quan mật thiết tới sự sáng tạo. Không hẳn là những môn thể thao có tổ chức sẽ phá hủy tính sáng tạo mà là chúng không được chơi đủ thời gian. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mỗi tuần được chơi tự do 2 tiếng đã giúp tăng cường sự sáng tạo ở trẻ lên mức trung bình. Và đây có lẽ là lý do vì sao toàn bộ các nhà trẻ ở Na Uy luôn có ít nhất 2 tiếng tự chơi tự do mỗi ngày ngoài trời, bất kể thời tiết xuống dưới âm độ C.

Để bảo vệ con cái trong xã hội ngày nay, việc đơn giản bố mẹ có thể làm là hãy nói không: Con không cần phải đi học gì vào cuối tuần. Con không cần phải học quá 45 phút vào buổi tối nếu con đang học cấp 1. Con không cần phải tham gia vào những sự kiện tiệc tùng không cần thiết của người lớn. 

Chúng ta hãy sàng lọc và loại bỏ những sự bận rộn không cần thiết, đơn giản hóa cuộc sống của con, đơn giản hóa cuộc sống của chính mình. Chúng ta không nói lên về sự nóng lên toàn cầu tại bàn ăn với một đứa trẻ lên 7. Bố mẹ hãy xem tin tức sau khi con ngủ. Chúng ta hãy loại bỏ đồ chơi và những trò chơi quá mức từ phòng con từ khi trẻ mới biết đi. Con cái chúng ta có cả cuộc đời để trở thành người lớn và đối phó với những phức tạp của cuộc sống. Nhưng chỉ có một thời gian ngắn ngủi để chúng có thể là những đứa trẻ. Ngốc nghếch một chút cũng được nhưng hãy yêu trẻ trong niềm vui và sự hài hước.

Theo Linh Phan (VnExpress.net)

Nổi bật