Cụ thể, chủ nhân đoạn clip cho biết quan điểm "khách hàng là thượng đế" không phải lúc nào cũng đúng, đặc biệt ở những nhà hàng tại Trung Quốc thì quan điểm đó lại càng không được áp dụng. Thực khách đến đây phải tự làm tất tần tật mọi thứ, từ gọi món, rót nước đến thanh toán bởi những nhà hàng này có hệ thống quản lý để giảm thiểu việc tiếp xúc với khách hàng.
"Ở Việt Nam thì quan niệm khách hàng là thượng đế, nên khách sẽ đòi hỏi phục vụ thái độ phải tốt, đáp ứng mọi nhu cầu khách đưa ra. Đôi khi khách thô lỗ nhưng vẫn phải tươi cười chiều khách. Nhưng qua đây không có vụ đó đâu nha. Nhất là những quán có phong cách trẻ như này thì không có vụ khách hàng là thượng đế đâu. Họ có hệ thống quản lý giảm thiểu tối đa tiếp xúc với khách hàng. Khách phải tự chọn món đến thanh toán, kể cả tự rót nước uống luôn. Các vật dụng cần thiết như đũa muỗng thì đều đã có trên bàn. Và đôi khi cần giúp đỡ khác không có trong mục thì mới cần phục vụ", cô gái trong đoạn clip chia sẻ.
Thậm chí nếu khách hàng có thái độ lỗ mãng, không tôn trọng nhân viên phục vụ, nhà hàng hoàn toàn có quyền "cấm cửa" thực khách đó đến vào lần sau. Đặc biệt, văn hóa tiền tip không tồn tại ở những nhà hàng này.
Theo chủ đoạn video, vì chẳng cần phải suy xét đến thái độ của khách hàng cũng như của nhân viên phục vụ nên đến dùng bữa tại nơi đây mới là đi ăn cơm đúng nghĩa.
"Và nếu khách hàng có thái độ thô lỗ hay cố ý làm khó sẽ được ghi vào danh sách đen của nhà hàng, không được tiếp đón lần sau dù bạn có giàu đến đâu đi nữa. Ví dụ như nhà hàng Taier nổi tiếng này. Họ ghi rõ nguyên tắc không tiếp đón khách có thái độ vô văn hóa với phục vụ. Ở Việt Nam thì khách hàng xem thái độ phục vụ của nhân viên sẽ cho tiền tip. Nhưng mà bên này không có văn hóa tip cho phục vụ. Cho nên theo mình nghĩ, bên này bạn đi ăn cơm thì rất đúng nghĩa là ăn cơm, không phải suy nghĩ thái độ khách như thế nào hay thái độ phục vụ như thế nào", cô gái nói.
Đoạn clip trên thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng mạng, đồng thời cũng gây nhiều tranh cãi.
- Vì Việt Nam mình người bán thì nhiều nhưng người mua không được bao nhiêu, đội khách lên đầu cũng dễ hiểu.
- Làm như vậy thì những người lao động như phục vụ đỡ mệt mỏi với loại "bố đời".
- Tùy quán thôi, mình ở Trung Quốc đi quán ăn được phục vụ tận răng luôn, rất là vui vẻ.
Theo Phương Khanh (Pháp luật & Bạn đọc)