Từ vụ thầy giáo xâm hại học sinh tiểu học: Bộ nguyên tắc giúp trẻ tránh bị xâm hại, một điều cũng không thừa!

05/03/2019 14:28:23

Để con trẻ có ý thức tự bảo vệ, hãy cảnh tỉnh con cái về nguy hiểm tiền ẩn của cuộc sống bên ngoài, đồng thời dạy các bé những biện pháp phòng tránh bị xâm hại.

Xâm hại tình dục trẻ em: Vấn đề nhức nhối

Trong mấy năm gần đây, xâm hại tình dục trở thành một vấn đề nhức nhối của xã hội.

Đáng chú ý nhất, mới đây, một thầy giáo của Trường Tiểu học Tiên Sơn (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị “tố” có hành vi xâm hại tình dục với hàng chục học sinh lớp 5 do giáo viên này làm chủ nhiệm. Theo phản ánh của phụ huynh, thầy M. đã có hành vi "sờ nắn, bóp...." vào vùng nhạy cảm của 13 học sinh nữ.

Nhà trường đang tiến hành xác minh làm rõ và dừng việc dạy của thầy M. ngay từ ngày 4/3. Hiệu trưởng trường tiểu học Tiên Sơn cho hay hiện thầy Dương Văn M. đã làm bản tường trình bước đầu có nhận lỗi về những hành vi của mình.

Hay là vụ việc hàng loạt học sinh tiểu học ở Hoài Đức, Hà Nội bị xâm hại tình dục bởi chính thầy giáo của mình. Mặc dù bị đưa vào phòng ngủ ở lớp học thêm, bị thầy giáo ôm, hôn, sờ vào ngực và vùng kín, các em học sinh đã không hề biết mình bị xâm hại tình dục. Chỉ đến khi vì “đau quá sợ quá”, hoảng loạn đến mức đau bụng, buồn nôn, nhập viện cấp cứu… thì các em học sinh tiểu học ở Hoài Đức mới quyết định kể cho bố mẹ.

Trước đó, trong suốt thời gian từ 2015-2017, một bảo vệ ở trường tiểu học Nguyễn Huệ, Đắc Nông cũng đã nhiều lần hiếp dâm một học sinh và có hành vi dâm ô với 4 em khác trong nhà vệ sinh và bãi đỗ xe của trường.

Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về thực trạng trẻ em nói chung và trẻ tiểu học nói riêng bị xâm hại tình dục. Điểm chung của các trường hợp là khi mọi việc được tiết lộ ra ánh sáng đều đã quá muộn. 

5 nguyên tắc tự vệ phụ huynh và trẻ em cần biết

So với việc chỉ đề cập sơ qua những kiến thức về việc tự đảm bảo an toàn, cha mẹ nên hướng dẫn cho con cái những biện pháp thiết thực để ứng phó trong các tình huống khẩn cấp.

1. Nhớ kỹ "khẩu lệnh an toàn", chỉ đi theo người nhà

So với việc căn dặn trẻ không đi theo người lạ, sẽ tốt hơn nếu bạn đề cập cho con trẻ một "khẩu lệnh an toàn" mà chỉ những người thân mới biết.

Chỉ khi gặp người thân đọc đúng "khẩu lệnh" này, trẻ mới nên đi theo họ về nhà.

Trong trường hợp có việc đột xuất không thể đi đón con cái, hãy chỉ nhờ cậy và giao khẩu lệnh này cho người bạn thực sự tin tưởng.

2. Câu cửa miệng cần thuộc lòng: "Cháu không biết!"

Khi gặp những đối tượng lạ mặt nhờ giúp đỡ, cách tốt nhất để bảo đảm an toàn chính là từ chối bằng câu nói: "Cháu không biết"!

Bên cạnh đó, bạn cũng không nên thêu tên tuổi, địa chỉ của các bé ở những vị trí bắt mắt như áo, quần, cặp sách… để tránh kẻ gian lợi dụng.

Các bậc cha mẹ cũng như thầy cô nên dạy cho trẻ khái niệm về thông tin cá nhân và cách bảo mật những thông tin này để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.

3. Nâng cao ý thức về bảo vệ thân thể

Khi trẻ lên ba tuổi, hãy cho các bé biết rằng những phần được quần áo tắm che khuất đều là bộ phận riêng tư, không được để lộ ở nơi công cộng, càng không được cho người khác chạm vào.

Trong trường hợp bị người khác có bất kỳ hành vi đụng chạm, xâm phạm nào, hãy hướng dẫn các bé lập tức ngăn lại, hét to để tìm sự giúp đỡ và chạy tới nơi an toàn.

4. Cảnh giác với những người "nhiệt tình thái quá"

Luôn nhắc nhở trẻ đặc biệt nâng cao cảnh giác với những người "quá nhiệt tình" hoặc "giả vờ yếu đuối" và xin giúp đỡ,

Bạn nên giúp con trẻ ý thức rằng, lòng tốt cần phải được dùng đúng nơi, đúng chỗ, đúng đối tượng. Người lớn không có lý do gì để trông cậy vào sự giúp đỡ của một đứa trẻ xa lạ, yếu đuối.

5. Tránh xa những "không gian chật hẹp" khi chỉ có một mình

Trong những tình huống nguy hiểm, không gian hẹp luôn có nhiều điểm nguy hại đối với con trẻ hơn.

Theo Linh (Khỏe & Đẹp)