Cặp vợ chồng ở TPHCM vừa bị bỏng nặng vì tủ lạnh nổ khiến nhiều người lo lắng, nhưng các chuyên gia cho rằng đây là sự cố hy hữu.
Theo cơ quan chức năng, tại hiện trường, chiếc tủ lạnh mang nhãn hiệu của Nhật bị tung cửa, vỡ nhiều chỗ kèm theo vài điểm bị cháy đen. Chiếc tủ lạnh đã được niêm phong để tìm hiểu nguyên nhân. Gia đình cho hay mua tủ từ tháng 3/2016 và thường chỉ đựng các thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, trái.
Chiếc tủ lạnh của đôi vợ chồng già ở phường Đa Kao, quận 1, TP HCM sau khi bị phát nổ đã được niêm phong để đợi tìm hiểu nguyên nhân. Ảnh: Phunuvietnam. |
Trước đó không lâu, một thành viên Facebook chia sẻ, gia đình họ mua tủ lạnh 3 cánh thương hiệu khá nổi tiếng của Nhật, giá 52 triệu đồng tại một siêu thị điện máy trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội vì thích chức năng lấy đá từ bên ngoài, không cần mở tủ.
Sau khi mua 3 tuần, hồi tháng 9/2016, cánh tủ bỗng tự phát nổ, phần kính cường lực nứt vỡ thành từng mảnh nhỏ. Sau đó, tủ vẫn chạy bình thường nhưng gia đình chị lo lắng, không biết tủ có nổ thêm phần nào bên trong không và liệu có ảnh hưởng tới sức khỏe của gia đình.
Tháng 11/2013, một biệt thự ba tầng ở Pháp Vân, Hà Nội bất ngờ bốc cháy và nguyên nhân được xác định là nổ bình gas tủ lạnh.
Theo kỹ sư chuyên về các thiết bị điện gia dụng Phạm Ngọc Cường, Hà Nội, tủ lạnh phát nổ có thể do chập điện, làm gas bắt lửa; hoặc rơ le trong máy chết, hỏng lốc, dẫn đến áp suất hệ thống quá cao, gây cháy nổ... Tuy vậy, theo anh việc tủ lạnh phát nổ hiếm khi xảy ra do trong mỗi chiếc tủ lạnh đều có nhiều thiết bị bảo vệ. Do vậy, người dùng không cần quá lo lắng.
Anh Nguyễn Hữu Quý, chuyên gia một công ty về mạch điện tử ở Phúc Diễn (Cầu Diễn, Hà Nội), cho biết, trong hơn mười năm làm nghề, anh chưa từng gặp hiện tượng tủ lạnh phát nổ. Theo anh Quý, nếu có xảy ra, sự cố này chỉ có ở các tủ lạnh quá cũ. Khi đó, vỏ tủ bị han gỉ, nếu đặt ở nơi ẩm thấp, lớp bảo ôn có thể bị ảnh hưởng hoặc bị chuột cắn, phá. Nếu tủ lạnh bị đọng hơi nước, khi bị mất lớp bảo ôn thì nước sẽ rò vào mạch nguồn gây nên chập, cháy. Ngoài ra, trong tủ lạnh có nhiều mút để giữ nhiệt nên có thể bắt cháy khi bị chập điện. "Trong tủ lạnh còn có bình gas, nếu đã cháy mà không được chữa kịp thời, tủ sẽ nổ như bom", anh Quý giải thích thêm.
Anh Nguyễn Hữu Quý cho biết, với trường hợp một số tủ lạnh hiện đại loại 3,4 cánh thường được tích hợp nhiều tiện ích như tự làm đá, tự xay đá, khử ozone... thì nguy cơ cháy nổ cao hơn nếu mua phải hàng nhái. "Hiện nay, đã có những hàng nhái các sản phẩm cao cấp này. Khi thiết bị không phải của chính hãng, được tích hợp nhiều tính năng, nguy cơ cháy nổ cao hơn", anh Quý nói.
Trường hợp phần cửa kính của các tủ lạnh cao cấp bị vỡ thường không đáng lo ngại vì thực tế kính này rất giòn, khi va đập mạnh sẽ vỡ thành các mảnh nhỏ, thường không gây thương tích nhưng thiệt hại về kinh tế vì phải thay kính khác.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài, nguyên giảng viên khoa Điện - Điện tử, trường Đại học Bách Khoa TP HCM cho rằng, nếu có hiện tượng tự phát nổ, thì nơi bị sự cố thường là dàn làm lạnh (vốn chịu áp suất thấp) hoặc do nổ bình gas. "Nếu không được nạp gas R-134A (không gây cháy nổ) mà lại được nạp loại gas R-600A (giống gas nấu ăn) thì khả năng gây cháy rất dễ xảy ra", tiến sĩ Tài nói.
Để tránh sự cố tủ lạnh phát nổ, theo các chuyên gia, nếu đang dùng tủ lạnh cũ, bạn không nên đụng chạm vào các thiết bị bên trong hay tự ý mang đi nạp gas mới, mà chỉ lau rửa tủ và mời thợ về vệ sinh giàn ngưng nếu có bụi bám nhiều. Tuân thủ nguyên tắc kê tủ lạnh ở nơi thoáng mát, tránh xa các nguồn nhiệt, thiết bị điện và ánh sáng chiếu trực tiếp, cách xa tường tối thiểu 15 cm. Đưa tủ lạnh đến cơ sở sửa chữa có uy tín khi: Đá không đông hoặc đá đóng tràn lan ra ngoài khay đá hay trong tủ không có hơi lạnh. Tránh gọi thợ không uy tín về nạp gas mới hoặc hàn xì các bộ phận hỏng hóc vì quy trình không đúng có thể gây cặn trong đường ống, dẫn tới tắc ống, gây nổ.
Chỉ mua tủ lạnh của các hãng và ở siêu thị, cửa hàng uy tín, được bảo hành đầy đủ.
Theo V.Linh-T.Minh (VnExpress.net)