1. Kiêng cho nước, lửa
Trong quan niệm của người Việt từ bao đời nay, lửa và nước được xem là vật biểu trưng cho may mắn cũng như tiền tài. Vì thế, nếu bạn đem cho 2 vật này dịp đầu năm cũng giống như mang tài lộc, may mắn của gia đình mình cho người khác, rước những điều không may về nhà.
Chính vì thế mà từ trước tới nay người ta đều kiêng không cho người khác 2 thứ này dịp đầu xuân năm mới.
2. Năm mới kiêng không quét nhà
Trước khi bước sang năm mới, mọi người đều dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ tinh tươm. Bắt đầu Giao thừa người ta kiêng không quét nhà, đổ rác tới hết 5 ngày Tết.
Theo quan niệm người xưa, quét nhà đầu năm sẽ giống như việc quét sạch của cải ra khỏi nhà khiến năm mới nghèo khó.
Ngoài ra, tục kiêng quét nhà còn xuất phát từ truyền thống đốt pháo ngày đầu năm. Trước kia, vào đêm giao thừa các gia đình đều đốt pháo mừng năm mới. Người xưa quan niệm, pháo nổ càng to, xác pháo càng nhiều thì năm đó gia đình sẽ làm ăn phát đạt, tài lộc đầy nhà.
Ở một số nơi sẽ kiêng quét nhà trong cả 5 ngày Tết. Họ cho rằng, quét nhà, đổ rác không khác gì đuổi Thần Tài đi. Trường hợp muốn dọn dẹp thì người ta sẽ quét rác từ ngoài vào và dọn gọn vào 1 nơi trong nhà, để ngoài mùng 5 mới đem đi đổ.
3. Kiêng không mắng chửi nhau ngày đầu năm
Ngày đầu năm người ta kiêng không to tiếng, đánh cãi nhau. Người xưa cho rằng, trong ngày đầu năm các vị Thần ghé thăm từng gia đình, nếu cả nhà hòa thuận thì sẽ ban của cải, phúc lộc.
Ngoài ra, ai cũng mong muốn năm mới mọi chuyện đều tốt đẹp do đó sẽ nói những điều hay, ý đẹp. Gia đình hạnh phúc, vui vẻ với nhau thì năm đó làm việc gì cũng thuận, của cải đầy nhà, con cháu sum vầy. Trao yêu thương ngày đầu xuân còn là khởi đầu cho năm mới nhiều ước nguyện được thực hiện thành công.
4. Kiêng làm vỡ đồ đạc
Đầu xuân năm mới, người ta kiêng làm vỡ đồ đạc như bát đũa, gương,...bởi nó là dấu hiệu cho thấy những điều xui xẻo sẽ đến trong tương lai.
Nếu không may làm vỡ đồ, bạn hãy dùng giấy đỏ bọc lại các mảnh vỡ rồi đợi qua mùng 5 Tết thì vứt đi. Ngoài ra, ngày đầu năm người ta cũng kiêng không nói các từ không may mắn như “chết”... Bởi quan niệm cho rằng, năm mới phải khởi đầu bằng sự vui vẻ, thuận hòa thì cả năm mới thuận buồm xuôi gió.
5. Ngày đầu năm kiêng không may vá
Đầu xuân năm mới, người ta kiêng không nên may vá. Nếu quần áo không may mất cúc hoặc rách thì sẽ để ngoài mùng 5 mới khâu lại. Một số nơi quan niệm, việc may vá ngày đầu năm sẽ khiến cả năm khó khăn và tài chính luôn thiếu trước hụt sau.
Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai, tuyệt đối không may vá ngày Tết như thế sẽ khiến cho con sinh ra sau này mắt nhỏ, dẹt giống như cây kim.
Ngoài 5 điều kiêng kỵ trên ở một số nơi ngày Tết người ta còn có tục:
- Không ngủ trưa vì cho rằng việc ngủ nhiều trong ngày đầu năm thì cả năm đó sẽ lười biếng.
- Kiêng ăn cháo và uống các loại thuốc
- Không lì xì hay tặng quà cho nhau theo số lẻ
- Kiêng không xuất hành xa vào ngày mùng 4
- Không mua giày mới ngày đầu năm
- Kiêng không mặc quần áo có 2 màu đen, trắng
- Những ngày đầu năm mới không được để thùng gạo rỗng. Bởi trong phong thủy, thùng gạo là thứ tượng trưng cho sự no đủ.
- Không cho người khác vay tiền hoặc thúc giục đòi nợ ngày đầu năm.
- Kiêng không được khóc vào 3 ngày Tết vì dân gian quan niệm rằng việc khóc lóc trong những ngày đầu năm sẽ khiến không khí trong nhà u buồn.
Nhìn chung, tùy vào quan niệm của mỗi người, mỗi vùng miền mà tục kiêng kỵ ngày Tết sẽ khác nhau. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những quan niệm dân gian truyền lại, chưa có bất cứ công trình khoa học nào xác thực những điều trên là đúng.
Bạn có thể lựa chọn tin hay không tin tùy vào quan điểm của bản thân. Điều quan trọng hơn hết là tinh thần thoải mái, vui vẻ để đón một cái Tết đầm ấm, sum vầy bên gia đình và những người thân yêu.
Dung (Nguoiduatin.vn)