Nếu có ai đó không theo dõi trận đấu vòng bảng Sea Games 30 giữa U22 Việt Nam - U22 Indonesia tối 01/12 mà vô tình đọc được những dòng bình luận về thủ thành họ Bùi chắc sẽ hoài nghi: Hay là Việt Nam thua trận? Chắc không phải họ đang nói về thủ môn Bùi Tiến Dũng "Thường Châu"?
Những bình luận, ảnh chế vê Bùi Tiến Dũng sau trận U22 Việt Nam gặp U22 Indonesia ngập tràn mạng xã hội. Đại ý: "Lo đóng quảng cáo với cả đi cho lắm vào để giờ ra sân làm trò hề. Bắt chả ra cái nước non gì. Shop với chả pe! Sốt ruột!"; "Bớt đứng trên sàn diễn thời trang với ánh đèn sân khấu mà dành thời gian tập luyện thì giờ đã khác"; "Bùi Tiến Dũng đang làm cái trò gì vậy? Anh ta có thích vào sân nữa không hay chỉ thích vào showbiz? Thật đáng thất vọng!" …
Cách đây hơn 1 năm có một Bùi Tiến Dũng là "người hùng", là thủ môn đắt giá, là giấc mơ của nhiều cô gái chứ không phải một Bùi Tiến Dũng bị mỉa mai, hắt hủi như hiện tại.
Còn nhớ một chiều cuối tháng 01/2018, trận chung kết U23 Việt Nam gặp U23 Uzbekistan trong khuôn khổ giải bóng đá U23 châu Á 2018 tại Thường Châu (Trung Quốc) đã từng khiến cả Châu Á xôn xao.
Năm đó, dù bỏ lỡ cơ hội chạm tay vào chiếc Cup danh giá nhưng những cống hiến dưới trời tuyết trắng Thường Châu của các cầu thủ U23 Việt Nam trong suốt 120 phút thi đấu đã trở thành những "người hùng" trong hàng triệu trái tim người Việt. Người được gọi tên nhiều nhất không phải Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng… mà là thủ môn Bùi Tiến Dũng - người đã trấn giữ khung thành một cách vững chãi nhất.
Đó có thể coi là dấu mốc quan trọng, bước ngoặt lớn trong sự nghiệp "quần đùi, áo số" của chàng trai xứ Thanh. Trở về từ Thường Châu, Dũng được hàng triệu người hâm mộ tung hô, chào đón. Những hình ảnh, câu chuyện đời tư của anh bắt đầu được dư luận khai thác và đón nhận một cách hào hứng.
Nhiều tháng sau đó, Bùi Tiến Dũng vẫn là cái tên hot phủ sóng dày đặc trên truyền thông và mạng xã hội. Ngoài sự nghiệp trên sân cỏ, thủ môn của U23 Việt Nam còn nhận được những lời mời quảng cáo, sự kiện. Có thời điểm, bảng báo giá quảng cáo của chàng thủ môn xứ Thanh bị rò rỉ ra với con số khiến dư luận giật mình .
Nhưng, đó là câu chuyện của hơn 1 năm trước. Sau khi làm tròn vai tại ASIAD 2018 dù vẫn được HLV Park gọi tham dự AFF Cup 2018 và ASIAN Cup 2019 song thủ môn quốc dân chỉ trở thành sự lựa chọn thứ 3 nơi đội hình ĐT Việt Nam. Và cho đến hiện tại, sau sơ ý phạm sai lầm trong trận gặp U22 Indonesia tại vòng bảng Sea Games 30, Bùi Tiến Dũng từ "người hùng" trở thành "người dưng".
Có một nhóm người được gọi chung là "cộng đồng mạng" mới năm trước còn "săn" từng khoảnh khắc đời thường của chàng thủ môn họ Bùi để tung hô thì nay lại sẵn sàng "ném" vào Bùi Tiến Dũng những lời miệt thị không thương tiếc. Họ cho rằng đó là cách người hâm mộ bóng đá chân chính phải lên tiếng khi thấy sự "sa ngã" của một cầu thủ, "thương cho roi cho vọt".
Không. Có lẽ đó chỉ là sự ngụy biện cho một hành động "ném đá" tập thể chỉ để thỏa mãn bản thân. Hay khen, dở chê, đó là chuyện bình thường. Ngày hôm qua Bùi Tiến Dũng mắc lỗi, không phải một lần mà rất nhiều lần khiến các người hâm mộ "đứng tim" với những pha xử lý hỏng.
Đồng ý đó là lỗi của Dũng. Không thể cứ mãi an ủi nhưng nếu là người hâm mộ chân chính thì sẽ đưa ra những góp ý mang tính xây dựng chứ không "đạp đổ" bằng cách hùa nhau chế ảnh, mỉa mai châm biếm thủ thành U22 Việt Nam một cách công khai như chưa từng "hâm mộ".
Sau chỉ trích không ngừng từ cộng đồng mạng, ngay sau trận đấu, thủ thành họ Bùi đã ngậm ngùi lên tiếng nhận lỗi trên trang cá nhân: "Kết thúc một trận đấu khó khăn. Thật hạnh phúc khi chúng ta đã đoàn kết để cùng vượt qua. Tôi sai đã có các bạn sửa. Chúng ta sẽ cố gắng vì một lá cờ trên ngực. Xin cảm ơn tất cả mọi người!"
Tương tự trường hợp Bùi Tiến Dũng là BLV Quốc Khánh cũng rơi vào "tầm ngắm" của cộng đồng mạng chỉ vì một sự pha trò vô ý. Trong chương trình bình luận sau trận đấu giữa U22 Việt Nam - U22 Indonesia, khi "mổ xẻ" sai lầm của thủ môn Bùi Tiến Dũng dẫn đến kết quả 1-0 nghiêng về đội bạn, BLV Quốc Khánh đã diễn cảnh gọi điện thoại cho Đặng Văn Lâm đề nghị thủ thành họ Đặng đặt vé sang Manila để thay thế Bùi Tiến Dũng.
Hành động này ngay lập tức khiến cộng đồng mạng phẫn nộ, cho rằng BLV nổi tiếng đang dẫn trên sóng truyền hình quốc gia nhưng lại đùa quá đà, kém duyên đến thế.
Không khác trường hợp Bùi Tiến Dũng là mấy, Quốc Khánh cũng nhận hàng trăm những bình luận mắng chửi: "MC vô duyên… Các cầu thủ vất vả trên sân cỏ, có sai cũng là không may mắn, đã không an ủi, động viên mà lại còn thái độ thiếu văn hóa"; "BTV nổi tiếng đáng nhẽ phải nghĩ trước khi nói. Làm bên truyền hình nhưng lại giật dây cho đổ thêm dầu vào lửa"; "Không những vô duyên mà là là vô lối và phản cảm. Ngồi bốc phét trên sóng truyền hình mà làm như mình giỏi"…
Quốc Khánh vốn là biên tập viên của VTV với các chương trình thể thao như: Chuyển động 24h, Thể thao 24/7, Ấn tượng thể thao 7 ngày... Anh nổi tiếng có phong cách dẫn dắt thẳng thắn nhưng khéo léo, chỉn chu bởi lợi thế là vốn kiến thức sâu rộng mang đến nhiều thiện cảm cho người xem bao năm qua.
Chỉ mấy ngày trước, với nhiều người, Quốc Khánh vẫn còn là BLV hạng nhất, nhì trong đội ngũ BLV thể thao của VTV. Nhưng bao nhiêu thành công không bằng một lần thất bại. Ngay khi "vạ miệng", Quốc Khánh đã lập tức trở thành "bia đỡ đạn". Hành động "pha trò" của Quốc Khánh có thể là chuyện khá bình thường với những chương trình bình luận thể thao trên thế giới, nhưng với văn hoá người Việt dù vô tình hay cố ý đó vẫn là hành động đáng trách. Đồng ý là chẳng ai lớn lên và trưởng thành chỉ bằng những lời vuốt ve, nhưng góp ý khác với việc phỉ báng, chửi bới, dìm hàng, ném đá.
Sau khi Bùi Tiến Dũng, Quốc Khánh rơi vào tâm bão dư luận, diễn viên hài Chiến Thắng cho rằng, làm người nổi tiếng là nghề rất bạc. Có công thì được tung hô không tiếc lời nhưng khi thất bại thì hàng triệu người dồn vào tổng sỉ vả, ném đá.
Ranh giới giữa đỉnh cao và vực sâu mong manh lắm. Là người của công chúng thì đành phải chấp nhận, sẵn sàng đối mặt và tự trưởng thành, kiên cường hơn từ búa rìu dư luận.
Theo An Khánh (Giadinh.net.vn)