Tranh cãi lì xì ngày Tết là 'cái nợ', liệu có nên bỏ tục lệ này?

05/01/2023 08:03:59

Coi tục lì xì ngày Tết là “cái nợ”, quan điểm của đạo diễn Lê Hoàng đang trở thành chủ đề tranh cãi trên mang xã hội.

Tranh cãi lì xì ngày Tết là 'cái nợ', liệu có nên bỏ tục lệ này?
Tục lì xì ngày nay đang dần mất ý nghĩa so với thuở ban đầu. Ảnh minh họa

Mới đây, đạo diễn Lê Hoàng chia sẻ lên Facebook cá nhân quan điểm của ông về tục lì xì ngày Tết.

Theo vị đạo diễn này, người Việt hiện nay, hỏi 10 người thì phải có 9 người sợ việc lì xì vào ngày Tết và xem đây là một "cái nợ".

“Nếu một cái Tết không phải lì xì, nhiều công dân sẽ cảm thấy nhẹ trong người phây phây, lâng lâng như được sống trên mây. Vì tiền lì xì mà trong ngày xuân rất nhiều người không dám đi thăm bạn bè.

Vì nghĩ đến tiền lì xì không có mà nhiều công nhân nặng trĩu tấm lòng khi bước lên xe Tết về quê. Lì xì đúng là cái nợ. Phải làm sao để thoát ra? Câu hỏi này may ra Chí Phèo mới trả lời được”, đạo diễn chia sẻ.

Cũng theo đạo diễn Lê Hoàng, tiền lì xì tuy rất nhỏ nhưng lại hậu quả lớn. Ông nói: "Không biết bao nhiêu giận hờn, bao nhiêu cãi vã, bao nhiêu tức tối, bao nhiêu tự ái và quê kệch gây ra do tiền lì xì, không sao thống kê hết. Chả thiếu gì những trường hợp vợ đay nghiến chồng, con nhăn nhó cha, bà bĩu môi cháu do tiền lì xì đem lại”...

Những quan điểm trên của đạo diễn Lê Hoàng đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng, đặc biệt khi Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến gần. Nhiều người ủng hộ nhưng cũng không ít người phản đối vì cho rằng đây là tục lệ lâu đời của dân tộc, mang lại hương vị ngày Tết.

Liên quan đến vấn đề trên, ngày 3/1, trao đổi với PV, PGS. TS Trịnh Hòa Bình – nhà tâm lý học, xã hội học cho rằng, những điều đạo diễn Lê Hoàng nói ở khía cạnh nào đó trong đời sống hiện nay là có thực.

Theo ông Bình, trong xã hội hiện đại, tục lì xì được một bộ phận người đẩy lên quá mực. Họ coi đây như một dịp để tri ân, diễu võ dương oai… thậm chí, có người còn coi đây là dịp để “hối lộ”.

“Lì xì lâu nay đã biến tướng rồi, không còn mang ý nghĩa tượng trưng như vốn ban đầu nữa. Đối với cộng đồng xã hội, ngày Tết nó dường như thành một thứ “trợ cấp” chứ không còn mang ý nghĩa mừng tuổi”, ông Bình chia sẻ.

Tuy đã ít nhiều biến tướng nhưng ông Bình cho biết, bản chất của lì xì vẫn là một nét đẹp trong văn hóa lâu đời của người Việt mỗi dịp tết đến xuân về, do đó, không bỏ được, thay vào đó, hãy để nó về đúng với ý nghĩa ban đầu.

Để làm được điều này, ông Bình cho rằng: “Người ta hay nói “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Giàu có hơn, người ta dễ tặng nhau những món quà đắt tiền hơn. Nghĩa khác, giàu có hơn thì người ta sẽ không cần đến, không quan tâm đến tiền lì xì.

Do đó, tôi chờ đợi vào sự phát triển hơn, trình độ văn minh hơn, vượt thoát hơn về mặt kinh tế xã hội thì giá trị thực của đời sống nó được lấy lại. Đại ý là khi kinh tế mạnh hơn, mạnh hơn nữa thì phần tiền bạc, vật chất nó không giữ vai trò trong mọi lĩnh vực đời sống, kể cả trong vấn đề mừng tuổi”.

Cùng quan điểm, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, tục lì xì ngày nay đã có biến tướng so với ý nghĩa ban đầu.

Tranh cãi lì xì ngày Tết là 'cái nợ', liệu có nên bỏ tục lệ này? - 1
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ

Xưa kia, người ta gọi tiền lì xì là tiền "mở hàng", "phát vốn" hoặc là "mừng tuổi". "Mở hàng' hay "phát vốn” gắn với việc buôn bán. Người ta phát cho trẻ em vì tin rằng, trẻ nhỏ có tâm hồn vô tư, trong sạch, không xung khắc với ai nên thường đem đến nhiều may mắn trong ngày đầu năm.

Người ra đường gặp trẻ nhỏ đầu tiên cũng tin rằng công việc sẽ suôn sẻ. Lì xì là dành cho trẻ con. Còn với người lớn là mừng lão, mừng thọ...

Thế nhưng, ngày nay, lì xì lại trở thành hình thức để đưa hối lộ và nhận hối lộ. Nhân viên, cấp dưới hối lộ sếp qua việc lì xì con sếp; người này muốn lấy lòng người kia thông qua con trẻ... Tục lì xì bỗng biến biến thành tệ đút lót, cầu lợi. Ông Vỹ đặc biệt lên án việc người lớn hối lộ, đút lót thông qua trẻ con.

Còn việc lì xì vào dịp Tết hiện nay, ông cho rằng, đã là nét văn hóa của người Việt, không phải bảo bỏ là bỏ. Nó bị biến tướng là do tự người lớn làm biến tướng chứ trẻ nhỏ nó không suy nghĩ như thế.

“Người lớn đừng để tâm đến việc nhiều ít. Trẻ em khi được lì xì cùng một mệnh giá sẽ có đứa thích, đứa không thích, người lớn đừng chấp đứa trẻ. Đứa trẻ nó không bằng lòng kệ nó.

Mình hướng đến cái tốt đẹp, đưa 100 ngàn, 50 ngàn, 20 ngàn hay 10 ngàn không sao hết, rồi những đứa trẻ lớn lên nó sẽ hiểu. Còn người lớn băn khoăn về mệnh giá thì chính người lớn tự làm khổ thân mình.

Đừng vì người này đưa 100 ngàn hay 200 ngàn mà mình đưa 20 ngàn lại suy nghĩ. Người không có thì tự ứng xử theo cách của mình, không bị a dua, lôi kéo thì người đó là người tự do. Tự do trong hành động mà tự do là hạnh phúc cao nhất”, ông Vĩ chia sẻ.

Theo Hà Giang (Tri thức & Cuộc sống)