Tôi nhớ năm 1989, vở kịch “Già Kén” của tác giả Tất Đạt đã làm tôi thao thức rất nhiều đêm. Vở kịch chỉ hai vai, kén diễn viên. Trong đó nhân vật chính là một cô gái xấu xí, quá lứa lỡ thì, đúng ra là ế chồng, vừa xấu vừa kiêu căng, lại “táo bạo” tới mức, cứ đòi người ta nâng niu mình như mỹ nữ. Cô xấu tới nỗi, nếu muốn hôn, chàng trai chỉ có nơi phẳng phiu dễ thương duy nhất để có thể đặt môi tới là…mu bàn tay nàng.
Tôi thao thức rất nhiều đêm vì không nhan sắc là điềm báo của một phận phụ nữ khó khăn.
Gái xấu trong “Già Kén” ngoài cá tính ra thì chẳng có gì đáng giá.
Đàn bà đã xấu thì chẳng có gì bù đắp nổi. Khi xã hội vẫn cho rằng phụ nữ chỉ cần vừa xinh vừa đẹp đã có thể coi là “có trách nhiệm với xã-hội-đàn-ông”.
Có những nghiên cứu xã hội về “hình ảnh phụ nữ” trong xã hội ngày nay có thật là hình ảnh của phụ nữ không? Hay đó là hình ảnh của mong ước xã hội về phụ nữ?
Là những hình ảnh đã vô hình và vô tình được dựng lên, có phong cách, nữ tính, nhã nhặn, ngọt ngào, đảm đang, nhu mì, khiêu gợi, đẹp, mong manh, thanh khiết, nũng nịu, đẹp, xinh, có học… Đấy là những hình dung của xã hội về phụ nữ, mà ngay cả phụ nữ cũng đã tự biến những “mong ước ngoại tại” đó thành “nhu cầu bản thân”, thậm chí biến nó thành các giá trị thẩm mỹ và quan điểm sống của chính mình, là mục tiêu để mình nỗ lực.
Tôi nghĩ tôi y hệt hàng trăm nghìn người, đã có lần đánh mất khả năng phán đoán của mình trước giá trị quan quá mạnh mẽ của xã hội này.
Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết mình xấu (ảnh minh họa) |
Tôi cũng bắt đầu từ rất sớm, rất nhỏ, cố nỗ lực để làm cho chính tôi phù hợp với xã hội này, được chấp nhận trong xã hội này. Mà quên mất rằng, trong quá trình đó, tôi có vui không? Bạn có hạnh phúc không?
Phải chăng giới tính quyết định tính cách? Hoặc nói một cách khác, cá tính của chúng ta đã quyết định bởi giới tính? Nam giới không được khóc, phụ nữ không được xấu? Nam giới ăn to nói lớn, phụ nữ cấm lớn giọng và phải khép nép? Giới tính quan trọng trong cuộc sống chúng ta vậy sao? Không lẽ giới tính quyết định tính cách ta, lớn hơn là bóp nặn lại quan điểm về con người, thẩm mỹ của ta, thậm chí là quyết định cả số phận của ta?
Quên chưa kể với các bạn rằng, “Già Kén” kết thúc rất vui sướng, cô nàng ế chồng trở nên xinh đẹp giàu có. Bằng tri thức, bằng sức khỏe, năng lực và sự tự chủ. Và anh chàng buổi ban đầu run như cầy sấy trước nhan sắc của cô, đã rất vui sướng được hôn, không chỉ mu bàn tay, mà còn lên nhiều chỗ khác của nàng.
Nếu họ không nhận ra vẻ đẹp, thì đấy cũng là lỗi của người đàn ông đó, không phải của em!
Câu nói đó chấn động tôi rất lâu. Có lẽ vì thế cho đến tận ngày hôm nay tôi không làm sao quên được người ta đã nói. Người đã khăng khăng nhắc đi nhắc lại cho tôi hiểu rằng, xấu vẫn có năng lực hạnh phúc.
Nhà văn, dịch giả Trang Hạ. |
Nhan sắc nằm ở đâu?
Tôi còn nhớ ngày cưới, chồng tôi bảo, từ hồi anh yêu em, bạn bè anh thường chê anh, hóa ra thẩm mỹ của mày tệ thế ư?
Những vết thương như thế rất lâu lành, vì nó nằm ẩn trong sâu thẳm.
Xã hội dạy những người phụ nữ phải cố gắng trở thành…phụ nữ! (kỳ lạ chưa!) Bằng những quảng cáo mỹ phẩm hoàn hảo đẹp lộng lẫy làm cho phụ nữ bỗng dưng tự thấy mình xấu đi, chán ghét bản thân mình. Những bìa tạp chí lạm dụng hình ảnh phụ nữ đã làm bao nhiêu nàng không dám chạy bộ, leo núi, lang thang khi có nắng bởi sợ làn da đen? Những mong muốn nào của xã hội đã khiến phụ nữ cảm thấy một lời khen ngợi của nam giới trở thành mục tiêu của đời mình-vượng phu ích tử, đảm đang, hy sinh…
Tôi tự hỏi người chồng nào đang ngồi rung đùi khen vợ mình có đức hy sinh?
Khi học được sự tự tin, bạn mới hiểu rằng cái đẹp và hạnh phúc không phải do con người ta mang đến, trang hoàng lên bạn, vì bạn đẹp, bạn trắng, má không tàn nhan, ngực chưa xệ, mà là sự mãn nguyện, hài lòng tự ngay trong tim bạn.
Để khi có bạn nhắn tin hỏi tôi, em ơi sao em xấu thế? Tôi đủ hài lòng về bản thân và sự tự tin để trả lời rằng, dạ, vì nho còn xanh lắm!
Mấy tháng trước, một tờ báo đăng hình tôi lên bìa bị chất vấn, này tại sao lại lấy cái ảnh con này làm bìa, văn chương làm sao bằng cô X, mà hình thế này báo ế chỏng gọng.
Thực sự là ngay cả tôi cũng tin số báo đó sẽ ế một đống vì cái hình bìa.
“Văn chương ai hơn ai, hãy để hậu thế xét.
Còn nhan sắc, chúng tôi đăng hình cô ấy không phải vì cô ấy đẹp vì văn chương cô ấy hay nhất mà vì cho rằng, cô ấy là một nhà văn có tinh thần công dân”.
*Tiêu đề cũ do tác giả đặt: Tản mạn về nhan sắc
"Đàn bà 30 mươi" - Trang Hạ
Theo PV (VietNamNet)