Đoạn thơ là những lời giãi bày đầy khổ sở của một bà mẹ tội nghiệp khi tuổi không còn trẻ, mắt đã mờ, chân đã chậm dường nhữ đã trở thành gánh nặng cho con cái mình. Bà nhớ về quãng thời gian hạnh phúc khi đứa con còn nhỏ, hai mẹ con đã có rất nhiều kỷ niệm khó quên bên cạnh nhau. Đó là khi mẹ dạy con cầm thìa, cầm đũa, buộc dây giày, học hát đồng dao… Để rồi, sau đó bà mới khẽ khàng “xin” con hãy cho mẹ thêm một chút thời gian, một chút kiên nhẫn mỗi khi mẹ chóng quên, mẹ chậm lời, mẹ ăn cơm vãi đầy áo hay thậm chí ngay cả việc định nói gì mẹ cũng không còn nhớ nổi.
Theo chia sẻ của Trang Hạ thì đoạn thơ này được trích trong cuốn sách dịch “Mẹ điên”, xuất bản từ cách đây 7 năm trước của chị. Tuy không phải là một tác phẩm mới nhưng có thể thấy những cảm xúc đọng lại trong tâm hồn người đọc sau khi thưởng thức bài thơ này dường như không bao giờ cũ.
Đoạn trích "Bà mẹ điên" được Trang Hạ chia sẻ |
Bài thơ được Trang Hạ trích đăng lại như sau:
Con ơi! Khi con còn thơ dại,
Mẹ đã mất rất nhiều thời gian,
Mẹ dạy con cầm thìa, dùng đũa ăn cơm;
Mẹ dạy con buộc dây giày, chải tóc, lau nước mũi;
Những kỷ niệm về những năm tháng mẹ con mình sống bên nhau
Làm mẹ nhớ thương da diết,
Vì thế, khi mẹ chóng quên, mẹ chậm lời
Con hãy cho mẹ chút thời gian, xin con chờ mẹ chút,
Cho mẹ suy nghĩ thêm…
Cho dù cuối cùng ngay cả định nói gì,
Mẹ cũng quên…
Con ơi! Con quên là mẹ con ta đã tập luyện hàng trăm lần,
Con mới thuộc khúc đồng dao đầu đời?
Con nhớ không mỗi ngày mẹ đáp
Những câu ngây ngô, hàng trăm câu con hỏi từ đâu?
Nên nếu mẹ lỡ kể lể nhiều lần những câu chuyện móm răng
Ngâm nga những khúc ru con thời con bé
Xin con tha thứ cho mẹ
Xin con cho mẹ chìm trong những hồi ức ấy nhé!
Xin con đáp lời mẹ kể những chuyện vụn vặt trong nhà!
Con ơi! Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày,
Ăn cơm vãi đầy vạt áo,
Chải đầu tay bần bật run,
Đừng giục giã mẹ,
Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm,
Mẹ chỉ cần có con ở bên
Mẹ đủ ấm.
Con ơi! Bây giờ mẹ đi chân không vững, nhấc không nổi bước
Mẹ xin con nắm tay mẹ,
Dìu mẹ, chậm thôi
Như năm đó,
Mẹ dìu con đi những bước đầu đời.
Trước đó, bài thơ này đã từng được lan truyền và khiến lay động rất nhiều con tim. Và lần này, khi Trang Hạ đăng lại, với những cảm xúc rất thật, đoạn thơ đã nhanh chóng tiếp tục nhận được nhiều tình cảm yêu thương và hưởng ứng từ đông đảo cộng đồng mạng – bất cứ ai đã, đang có mẹ trên đời. Chỉ sau ít giờ từ khi chia sẻ trên trang cá nhân, đoạn thơ đã có khoảng gần 5.000 lượt thích, hàng nghìn bình luận và gần 600 lượt chia sẻ.
Trong đó, hầu hết các bình luận đều tỏ ra đồng cảm với nỗi lòng và sự hi sinh vĩ đại của mẹ. Bạn Hai Yen Tran cho biết bản thân đã vô cùng thấm thía nỗi lòng của đấng sinh thành kể từ khi mình cũng trở thành một bà mẹ: “Bây giờ có con rồi, có nuôi con mới càng thấu hiểu tấm lòng của bố mẹ. Hiểu được những vất vả, lo lắng và cả tình yêu bao la của bố mẹ dành cho con cái”.
Một trong những người đầu tiên chia sẻ bài thơ của Trang Hạ, bạn Trang Chieu đã chọn cách kể lại câu chuyện có thực của chính mình để bày tỏ tình yêu về mẹ. Trong đó, bạn vẫn không thể nào nguôi ngoai khi nhớ về những kỷ niệm cũ bên mẹ, về cả giây phút bà mãi mãi từ biệt cõi đời.
“Những ngày đầu tháng 5, khi mùa dưa bở bắt đầu vàng thơm trên các phố chợ, lại nhớ mẹ rất nhiều, mẹ rất thích ăn dưa bở, thậm chí còn để hạt trồng trước khung cửa sổ nhỏ cho nó leo lên song sắt, ra quả chín thơm lừng... Tháng 5 năm ấy, mẹ bắt đầu đổ bệnh nặng rồi bỏ con đi... Hôm nay, cũng ngày đầu tháng 5, con nằm ốm mệt quá. Lại vô tình đọc được bài thơ này, nước mắt cứ trào ra, con nhớ mẹ vô cùng, ước chi mẹ có thể ở bên con đến lúc tuổi già mắt mờ chân chậm như thế này nhỉ. Con hứa, con sẽ chăm sóc mẹ như mẹ đã vì chúng con mà quên cả bản thân mình. Nhưng cơ hội sẽ chẳng thể có lại lần thứ 2 nữa rồi, ở một nơi nào đó trên những tầng không trung kia, mẹ có biết không, con rất nhớ mẹ...”, Trang Chieu viết.
Cũng vô cùng xúc động trước những vần thơ dạt dào tình cảm của Trang Hạ, bạn Hoài Nam Lê lại chọn cách bộc bạch cảm nghĩ bằng một đoạn trích trong cuốn “Vu Lan nhớ mẹ”. Câu triết lý tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ khiến bất cứ ai đều đồng cảm khi nhắc đến nghĩa sinh thành, dưỡng dục của mẹ.
“Người tình dẫu thủy chung son sắt cũng chỉ yêu ta với điều kiện: Hoặc là ta đẹp, hoặc là ta có tài. Mẹ thì không, xấu xí cũng thương, dị tật lại càng thương hơn như nhằm bù lại những thiệt thòi cho con như ngầm nhận lấy xấu xí dị tật là do lỗi mẹ. Ngày của mẹ, đôi dòng để nhớ mẹ, để tôn vinh mẹ, để mừng mẹ còn tại thế, để ai đó xót xa nghĩ đến mẹ đã qua đời, và góp một tiếng nói dịu êm vào tiếng chuông ngân nga trong ngày lễ mẹ. Viết những dòng cuối này như có bụi bay vào mắt!”, bạn Hoài Nam Lê chia sẻ.