Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Minh Hương, 38 tuổi ở quận 7, TP HCM, về trải nghiệm thay đổi công việc và những nỗ lực đã giúp chị tìm được con đường riêng, tăng thu nhập, ổn định tài chính:
Tôi tốt nghiệp bằng giỏi, tiếng Anh lưu loát, chuyên môn về luật - thương mại chắc chắn, kinh nghiệm làm việc 10 năm ở một tập đoàn lớn, chưa từng phải lo nghĩ về tài chính. Công việc tốt, thăng tiến ổn định, tuy nhiên giai đoạn năm thứ 7 - 8, tôi luôn tự đau đáu câu hỏi "Nếu vẫn tiếp tục trong ngành, thì mình sẽ cứ như này, hoặc các vị trí cao hơn, rồi sau đó sẽ thế nào?".
Sau khi sinh con đầu lòng, vị trí quản lý, lương cao (50 - 60 triệu/tháng) đi liền với áp lực công việc khủng khiếp nên việc cân bằng cuộc sống gia đình với tôi vô cùng khó khăn. Tôi phải đi công tác, họp hành triền miên. Nhiều hôm họp ở tỉnh, mọi người ở lại, tôi có con nhỏ phải về, rồi hôm sau lại dậy sớm theo xe xuống tỉnh tiếp tục họp. Vừa phụ trách thương mại vừa phải tìm hiểu kỹ thuật, có những giai đoạn thầu bè, 3h sáng tôi vẫn còn ở văn phòng cùng làm việc với nhóm để kịp thời hạn công việc. Biết tôi có con nhỏ, cấp trên cũng ưu tiên giảm bớt khối lượng việc, nhưng vốn là người cầu toàn và trách nhiệm, tôi không thể nhìn việc còn dở dang mà bỏ về.
Đến năm thứ 9 trong ngành, cộng với trục trặc ở gia đình, tôi đưa ra cùng lúc 3 quyết định lớn: Nghỉ việc, ly hôn, chuyển lên TP HCM. Đó là đầu năm 2016. Câu chuyện thất bại - đứng lên - nâng cao thu nhập cũng bắt đầu từ đây.
Thất bại đau đớn
Với kinh nghiệm có sẵn, cộng khả năng quản lý và ngoại ngữ, tôi mặc định trong đầu là khi vào TP HCM, mình có thể xin việc ngay ở bất kỳ ngành nào, tiếp tục giữ vị trí quản lý và thu nhập ổn định.
Đó là một sai lầm lớn. Ngành cũ của tôi quá đặc thù nên dù đã có nhiều kinh nghiệm trong mảng thu mua và quản lý dự án, việc chuyển sang các ngành khác ở cùng chuyên môn không đơn giản. Những vị trí tôi tạm hài lòng thì phải đi làm cách xa thành phố, trong khi đó là điều không thể khi tôi đang phải một mình chăm con.
Tôi nhận ra rằng, do 9 năm "ngủ đông" trong lĩnh vực đặc thù, không tham khảo môi trường xung quanh, chủ quan với kiến thức và kinh nghiệm có sẵn nên tôi đã ảo tưởng về bản thân. Dù bạn có 10-15 năm kinh nghiệm ở ngành A, mà muốn sang ngành B thì đòi hỏi bạn phải có hiểu biết về ngành, mạng lưới làm việc trong ngành... Từ đó mới có thể tìm được những công việc cùng chuyên môn, đó là chưa kể việc vị trí mới chưa chắc đã bằng khi ở ngành cũ.
Đối mặt với thực tế
Câu hỏi "Làm gì để có thể tìm được lại được những ngày xưa?" tôi đặt ra cho mình xong cũng tự trả lời ngay: "Không gì hết". Vì ngày xưa là của ngày xưa. Nếu bạn đã quyết định bỏ đi làm lại thì cần phải đổi mới tư duy, cách suy nghĩ và dẹp tất cả các định kiến có sẵn. Có như thế mới đủ tâm thế để đón nhận kiến thức mới, trải nghiệm mới.
Đầu tiên, tôi quyết định xin bảo hiểm thất nghiệp để ít nhất đủ tiền nuôi con. Khoản này có thể trang trải cho 9 tháng. Trong 9 tháng đó, tôi mò mẫm tìm hiểu các ngành có thể tìm được vị trí công việc tương tự như ngành cũ. Tôi chuyển hướng sang khối xây dựng, quản lý dự án, quản lý hành chính... và nộp đơn những vị trí thấp hơn để có cơ hội tìm hiểu về các ngành/lĩnh vực khác. Tôi được mời phỏng vấn vài chục chỗ nhưng nơi thì trình độ chuyên môn của tôi cao quá, bên tuyển dụng thấy không ổn. Một vài chỗ khác lương lại không tốt, có bên thì nghi ngại khi thấy tôi nhảy sang lĩnh vực hoàn toàn mới.
Vừa tìm hiểu các cơ hội việc làm ngành khác, tôi vừa tự nhìn lại các thế mạnh của bản thân để xem có thể khai thác gì khi làm việc ở nhà. Tôi thấy mình có thể viết lách (cả tiếng Anh và tiếng Việt), dịch thuật, lập kế hoạch kinh doanh, kế hoạch marketing. Trước đây, tôi từng có thời gian cộng tác các mảng trên, nay đang lúc chưa có việc làm mới nên tìm cách kết nối lại các mối quan hệ cũ. Thật may, lúc đó có 3 dự án đang cần cả các mảng tôi có thể thực hiện. Bắt tay vào làm, tôi phát hiện ra, có những loại hình công việc mình vẫn có thể làm mà không cần đến văn phòng. Chân trời mới mở ra với công việc freelancer (làm việc tự do).
Việc gì cũng cần nghiên cứu, nỗ lực và không được nản lòng
Tự tin với những dự án đầu với đối tác cũ, tôi nhận ra bản thân quá cũ kỹ trong thời đại 4.0 hôm nay. Mọi thứ bây giờ đều mở rộng cho tất cả mọi người. Đừng nhìn anh A chị C thấy họ sao nhàn nhã mà vẫn thành công? Sao các bạn trẻ 9X, 10X giờ chỉ cần lập Instagram, Youtube mà kiếm tiền tỷ hằng tháng? Tất cả đều là do nghiên cứu - tìm hiểu - nỗ lực và không nản chí.
Tôi quyết tâm mày mò học hỏi từ những điều cơ bản nhất của khởi nghiệp, tham gia vào đó để vừa học vừa làm vừa chia sẻ kinh nghiệm của mình trong doanh nghiệp cho các bạn startup, làm freelancer xuyên biên giới (khách hàng của tôi giờ có cả Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Singapore...). Tôi không từ chối các dự án nhỏ. Điều cốt lõi là tôi muốn hiểu thật nhiều về cách vận hành của các mô hình khởi nghiệp, muốn tiếp cận nhiều hơn với công nghệ, với sự sáng tạo, sự kết nối không biên giới trên toàn cầu. Dự án A mở ra dự án B, dự án B giới thiệu đối tác dự án C, cứ thế các dự án dắt nhau về với đội của tôi.
Tôi đã không còn bó buộc bản thân với góc nhìn nghiêm túc về mặt chuyên môn của ngành cũ. Tôi đã có thêm một mạng lưới các mối quan hệ rộng lớn, với những kiến thức chuyên môn đa dạng hơn, những trải nghiệm thú vị, những lần va vấp học hỏi được nhiều điều hay. Và quan trọng nhất là tôi đã tìm được chính bản thân, một con người ưa thử thách, nhưng mau chán. (Khi làm freelancer, tôi giải tỏa được điều này vì mỗi dự án có đặc tính khác nhau, làm chưa kịp chán đã xong rồi).
Bài học từ những thay đổi
Lúc mới làm freelancer, dự án chỉ 800 nghìn đến một triệu đồng tôi cũng nhận nên có tháng chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống. Nhưng đến giờ, sau một năm làm, khi đã tìm ra được thế mạnh chính để phát triển dịch vụ, thu nhập của tôi luôn cao hơn ngành cũ (trên 60 triệu mỗi tháng).
Sau thời gian làm tự do, tôi cảm thấy mình tự tin, dạn dĩ hơn. Vì tinh thần ổn như vậy nên tôi thấy tâm thế nuôi dạy con của mình cũng khác. Tôi cũng xác định ra được những định hướng nuôi dạy con như thế nào trong thời đại công nghệ vũ bão như hiện nay.
Tôi không quá giỏi - càng làm nhiều, tôi càng nhận ra được chân lý sâu sắc này. Và theo tôi, bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu bằng cách:
+ Liệt kê ra thế mạnh của mình (nấu ăn, thêu thùa, làm vườn, trồng rau, viết truyện cười, thiết kế, làm excel...).
+ Tìm cách phát huy thế mạnh đó (nấu ăn hộ cho chị đồng nghiệp, nhận thêu tranh, nhận làm giá thể cho ai yêu trồng cây nhưng không có thời gian...).
+ Nâng cao kiến thức về thế mạnh/chuyên môn của mình.
+ Chủ động tìm cơ hội kiếm tiền được từ thế mạnh/chuyên môn đó.
+ Và cuối cùng, đừng nản lòng.
Theo Minh Hương (VnExpress.net)