Ngày nay, việc tổ chức đám cưới không chỉ là ngày vui của đôi uyên ương mà còn là nơi các gia đình thể hiện đẳng cấp, sự giàu có.
5 năm làm công việc của một người tổ chức sự kiện cưới hỏi, mang đến cho cô dâu, chú rể những khung cảnh thơ mộng nhất trong ngày trọng đại, anh Tạ Đình Phong (SN 1984) đã trải qua không ít cung bậc cảm xúc.
Đối tượng khách hàng anh Phong phục vụ phần lớn là các gia đình khá giả. Họ sẵn sàng chi vài trăm triệu đến vài tỷ đồng trong đám cưới của mình.
Từ những ý tưởng của khách hàng, anh Phong tự lên thiết kế, vẽ sân khấu, hội trường, biến ước mơ về đám cưới cổ tích của các cô dâu thành sự thực.
Theo anh Phong, để tổ chức một hôn trường tráng lệ, cầu kỳ, phải mất nhiều thời gian chuẩn bị.
Anh tiết lộ, việc gặp sự cố trong công tác tổ chức, trang trí là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, anh phải linh hoạt để xử lý kịp thời, đảm bảo tiến độ bàn giao cho khách.
Trong số đó, anh vẫn nhớ như in ‘vị khách’ bất ngờ xuất hiện trước đám cưới của thiếu gia Nam Định khiến cả hôn trường nhốn nháo.
Thành là con trai của đại gia buôn vàng ở TP Nam Định. Chàng thiếu gia và vợ tương lai tên My yêu nhau từ những năm đầu học phổ thông. So về gia cảnh, nhà Thành bề thế hơn.
Bố mẹ Thành kiên quyết phản đối hai người đến với nhau nên tìm cách cấm cản. Họ đưa con trai sang Anh du khọc khi chàng thiếu gia vừa lên lớp 12.
Dẫu bị phản đối nhưng Thành và bạn gái vẫn bí mật gìn giữ tình cảm. Bao nỗi nhớ họ chỉ gửi qua những dòng thư điện tử, cuộc gọi đường dài.
Thấm thoắt 8 năm trôi qua, Thành trở về nước, anh vay bố mẹ tiền mở một công ty riêng, kinh doanh nội thất.
Bố mẹ mai mối cho anh lấy người con gái người bạn, được cho là môn đăng hộ với gia đình. Tuy nhiên anh từ chối.
Thấy con trai ngang ngạnh, ương bướng, hai người cắt hết mọi khoản viện trợ và đầu tư.
Công ty mới mở, đối mặt với khó khăn, My đã ở bên anh, cô huy động bạn bè, bố mẹ cho mượn bìa đỏ, thế chấp ngân hàng, lấy tiền giúp Thành vượt qua.
Qua thời kỳ bế tắc đó, bằng kiến thức và kinh nghiệm khi làm việc cho tập đoàn bên nước ngoài, Thành nhanh chóng đạt nhiều thành công. Cứ thế, mãi 3 năm sau hai người họ mới có điều kiện tổ chức đám cưới.
Lúc này, bố mẹ Thành nghĩ lại, chấp nhận con dâu.
Để cảm ơn người con gái đã ở bên cạnh và hỗ trợ mình lúc khó khăn, Thành mạnh tay chi gần 3 tỷ trang trí hôn lễ với 14 nghìn bông hoa hồng Pháp nhập khẩu, lấy ý tưởng từ câu chuyện cổ tích ‘Cô bé lọ lem’.
Vị khách muốn tiệc cưới được tổ chức ngoài trời, tại một khu nghỉ dưỡng, vì vậy anh Phong cùng ekip lên thiết kế làm sân khấu lớn, con đường hoa hồng cùng chiếc xe ngựa kết hoa…
Chính giữa sân khấu là chiếc ghế dạng ngai vàng và đôi giày đính pha lê. Theo kịch bản, chú rể sẽ tái hiện lại câu chuyện cổ tích này.
Bàn ghế sử dụng cho hôn lễ là dạng tân cổ điển, nhập khẩu nước ngoài. Tiệc cưới đích thân chú rể chọn món. Ngoài đồ ăn theo phong cách châu Á, Thành còn đặt bàn tiệc đồ Âu, phục vụ những người bạn ngoại quốc.
Trước đám cưới chỉ vài giờ, trời vẫn khá đẹp, khách khứa đến chúc mừng cô dâu chú rể. Ai cũng hào hứng chụp ảnh kỷ niệm bên khung cảnh rực rỡ của đám cưới hoành tráng này.
Công tác chuẩn bị đã xong xuôi, chờ đến giờ cô dâu, chú rể vào làm nghi lễ thì bất ngờ trời nổi dông đen, sấm chớp đùng đùng. Tiếp theo đó là trận mưa lớn ập xuống khiến ai nấy đều vội vã chạy vào trong tìm chỗ trú.
Ngay lập tức anh Phong cùng 50 nhân sự hối hả tìm cách giải quyết, mang phông bạt cùng những chiếc ô cỡ lớn đến che bàn tiệc và khu vực sân khấu.
May mắn, cơn mưa qua nhanh. Những nhân viên của anh Phong lại vội vã sắp xếp lại tất cả. Cuối cùng, mặc dù dưới chân một vài bàn tiệc vẫn còn đọng những vùng nước nhỏ nhưng quan khách ai nấy vẫn hào hứng, chúc mừng cho cặp đôi.
Họ cho rằng, cơn mưa ập đến đã khiến đám cưới của cặp đôi càng trở nên đặc biệt, ai cũng nhớ mãi.
“Chỉ riêng ê kip trang trí là tất bật cho tới phút chót”, anh Phong cười nói.
Theo Văn Thanh - Quang Hải (VietNamNet)