Vào dịp cận Tết, nhu cầu làm tóc của chị em phụ nữ tăng cao. Ai cũng tranh thủ tìm đến các salon làm đẹp đón Tết cổ truyền.
Anh Nguyễn Văn Nam, thợ tóc, chia sẻ: “Nhiều người phải đặt lịch với salon qua Facebook từ nhiều ngày trước do khách quá đông, salon không đáp ứng được hết trong cùng một ngày. Thậm chí có người còn đặt lịch từ tháng trước”.
Anh Nguyễn Duy Phương, chủ salon tóc ở khu vực Times City, Hai Bà Trưng, Hà Nội, chia sẻ: “Các salon làm theo mô hình công nghiệp tức là họ chú trọng đến giá cả nhiều hơn. Một bộ tóc uốn kỹ thuật số, có giá từ 900 nghìn - 1,3 triệu đồng, một bộ tóc uốn lạnh bên ngoài giá từ 300 nghìn - 600 nghìn đồng.
Tuy nhiên, bên tôi chuyên về tóc nghệ thuật, quan trọng về chất lượng sản phẩm, giá thành bình thường cũng cao hơn các salon làm theo mô hình công nghiệp. Trung bình một bộ tóc bên tôi thường có giá từ 2 triệu đồng trở lên, thậm chí cao hơn, do chúng tôi sử dụng hóa phẩm cao cấp”.
Theo anh Phương, các tháng trong năm, salon tóc của anh có doanh thu đạt từ 60 triệu - 100 triệu đồng. Dịp cận Tết, doanh thu có thể đạt từ 200 triệu đồng trở lên.
Theo đó, trung bình 1 tóc uốn và nhuộm nghệ thuật ở salon của anh có giá từ 2 triệu trở lên. Các ngày trong tuần, anh thường làm tóc cho 3 - 5 khách mỗi ngày. Chưa kể các dịch vụ cắt, gội, sấy... Doanh thu trung bình một ngày khoảng 16 - 18 triệu.
"Cuối tuần và nhất là dịp cận Tết, lượng khách đông hơn rất nhiều do nhu cầu làm đẹp của chị em tăng cao. Thợ tóc phải làm miệt mài từ 8 giờ sáng đến quá nửa đêm là chuyện bình thường" - anh Phương nói.
Ở salon tóc theo mô hình công nghiệp của anh họ anh Phương trên phố chùa Láng (Hà Nội), mỗi ngày làm đẹp cho khoảng 30 - 50 khách hàng, bao gồm khách làm tóc hóa chất (900 nghìn - 2 triệu/tóc), khách cắt tóc, gội đầu, làm mặt... doanh thu tháng cận Tết đạt khoảng 600 triệu/tháng.
Anh Phương hoàn thành một sản phẩm tóc cho khách ngày cận Tết. Ảnh: NVCC |
Khách đông cùng với đặc thù làm một bộ tóc phải trải qua nhiều công đoạn, mất thời gian nên thợ tóc thường xuyên phải làm việc với cường độ cao.
Ít ai biết, đằng sau những khoản thu nhập 'khủng', các thợ tóc phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về sức khỏe, vì thường xuyên phải tiếp xúc với các hóa chất từ thuốc nhuộm, thuốc uốn...
Các thợ thường dùng găng tay nilon bôi thuốc cho khách nhưng cũng nhiều công đoạn thợ phải dùng tay, tiếp xúc trực tiếp mới làm được. Vì vậy, da tay họ thường xuyên bị trầy xước.
"Có những ngày vừa chạm thuốc vừa tiếp xúc nước nóng, đến tối về bàn tay thợ tóc nứt toác, bong tróc da, rất rát và xót”, anh Phương nói.
Ngoài ra, các thợ tóc không tránh khỏi chứng bệnh đau dạ dày kinh niên vì quanh năm suốt tháng phải làm việc từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối.
Những ngày cận Tết, công việc có thể kết thúc muộn hơn, có khi đến đêm mới xong. Việc ăn uống của họ trong những ngày này cũng rất thất thường.
Anh nói thêm: "Có khi quá bữa tôi mới tranh thủ ăn, vừa và miếng cơm vào miệng thấy khách đến là vội vàng buông bát. Xong việc, phần vì cơm nguội ngắt, phần lại vừa ngửi mùi thuốc xong, không nuốt trôi được, tôi bỏ bữa luôn.
Ngày trước tôi từng chứng kiến một anh bạn cùng nghề, bị loét dạ dầy nặng, đang làm cho khách, phải nhập viện cấp cứu điều trị thời gian dài mới ổn định".
Theo Diệu Bình (VietNamNet)