Một loạt nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng thớt nhựa, vốn được sử dụng rộng rãi trong nhà bếp, có thể là một trong những nguồn phát tán vi nhựa trực tiếp vào thực phẩm nhiều nhất.
Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology (2021), chỉ sau một lần sử dụng để cắt, thái, thớt nhựa có thể phát sinh hàng chục nghìn mảnh vi nhựa siêu nhỏ – không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Những mảnh nhựa này dễ dàng bám vào thực phẩm, đặc biệt là rau củ và thịt sống.
Một nhóm nghiên cứu tại Hàn Quốc đã mô phỏng quá trình sử dụng thớt nhựa trong 10 ngày và phát hiện rằng người tiêu dùng có thể vô tình nuốt trung bình 50–100 mg vi nhựa chỉ từ thớt. Mức độ này còn cao hơn khi thớt đã cũ, nhiều vết xước hoặc thường xuyên được rửa bằng nước nóng.
Vi nhựa (microplastics) là những mảnh nhựa siêu nhỏ, thường có kích thước dưới 5 mm (đa số dưới 1 mm), hình thành từ sự phân rã của các sản phẩm nhựa trong quá trình sử dụng hoặc do tác động từ môi trường.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe – cho biết: "Các nghiên cứu cho thấy mỗi người trung bình tiêu thụ khoảng 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm. Chúng đi vào cơ thể qua chuỗi thực phẩm, nguồn nước, không khí, và các dụng cụ nhựa sử dụng hằng ngày".
Trong nhà bếp, thớt nhựa chính là một trong những vật dụng "ngậm" nhiều vi nhựa. Vi nhựa từ thớt chủ yếu có thành phần là polyethylene (PE) hoặc polypropylene (PP) – hai loại nhựa phổ biến, có độ mềm cao và dễ bị mài mòn trong quá trình sử dụng. Khi dao tiếp xúc với bề mặt thớt – đặc biệt trong điều kiện cắt mạnh, góc nghiêng lớn hoặc dùng dao sắc – tốc độ mài mòn sẽ tăng nhanh đáng kể.
Các loại thớt này thường có giá rẻ, tiện lợi, nhưng lại là nguồn phát sinh vi nhựa nhanh và trực tiếp vào thực phẩm, theo PGS Huy Nga.
Trong những năm gần đây, các sản phẩm nhựa xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống – từ bàn ghế, tủ, kệ đến đồ dùng nhà bếp như cốc, chén, hộp đựng thực phẩm, và đặc biệt là thớt nhựa. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi đó là những hệ lụy nghiêm trọng cho môi trường và tiềm ẩn tác động đến sức khỏe con người.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng vi nhựa có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng đến da, mắt, hệ tiêu hóa, thần kinh, miễn dịch, thậm chí gây đột biến gen.
Làm sao để giảm nguy cơ nhiễm vi nhựa?
PGS Huy Nga cho rằng các tác hại của vi nhựa tới sức khỏe con người đã dần được chứng minh rõ ràng. Để giảm thiểu nguy cơ, người dân cần lưu ý:
- Hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần: Chuyển sang dùng các sản phẩm thay thế như thủy tinh, gốm sứ hoặc kim loại.
- Thay thế thớt nhựa bằng thớt gỗ hoặc tre: Những chất liệu này ít bị mài mòn, không phát sinh vi nhựa trong quá trình sử dụng.
- Tăng cường tái chế và quản lý chất thải nhựa: Thực hiện phân loại rác tại nguồn và tham gia vào các chương trình tái chế để giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường.
Theo Ngọc Minh (nguoiduatin.vn)