Từ khi còn học đại học, tôi đã kiếm được tiền. Vừa học vừa làm nên chi phí sinh hoạt trở nên dễ thở hơn rất nhiều đối với tôi. Không chỉ vậy, tôi còn tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm sống lẫn kinh nghiệm làm việc trong suốt những năm tháng đó. Với một đứa sinh viên thì đấy thực sự là những điểm cộng quá tuyệt vời. Tốt nghiệp ra trường, tôi vẫn tiếp tục với công việc nhân viên kinh doanh mà mình đã dồn hết tâm huyết, làm với tất cả niềm đam mê.
Nhưng 2 năm trước, ở tuổi 30, tôi thất nghiệp. Không phải do tôi bị đuổi mà do tôi “nhảy việc”. Bạn biết đấy, làm 1 công việc suốt gần 10 năm trời khiến tôi chán chường, không còn hứng thú. Tôi bỗng dưng thấy mình không có kỹ năng trong công việc mà mình đã làm gần hết tuổi thanh xuân, tôi thấy mình chẳng còn thích công việc đã gắn bó gần 10 năm dài, tôi muốn tìm cho mình một lĩnh vực mới, một chân trời mới để khám phá. Trái tim tôi mách bảo rằng mình cần phải thay đổi và đây là thời điểm thích hợp nhưng cũng đầy lo lắng rằng phụ nữ 30 như mình mà tìm kiếm một sự thay đổi mới trong công việc e là đã hơi muộn màng.
Tôi vẫn quyết định nộp hồ sơ qua một công ty khác nhưng không được nhận, trong khi đã xin nghỉ việc ở công ty cũ. Vậy là tôi chính thức thất nghiệp. Nhưng tôi cũng thầm biết ơn hơn 1 năm thất nghiệp đó bởi nhờ vậy mà tôi đã nhận ra rằng những điều mà mình đã lo lắng chỉ là phần nhỏ nhất của những vấn đề mình sẽ gặp phải mà thôi. Và tôi cũng nhận ra những thứ quan trọng về mình trong chuỗi ngày dài đằng đẵng ấy.
Đối mặt với vấn đề
Đóng một cánh cửa vì một giấc mơ có thể khó hơn nhiều so với việc mở một cánh cửa mới. Chắc chắn rằng bạn sẽ không thể tránh khỏi cảm giác quyến luyến, hối tiếc. Nhưng thay vì ngồi nhớ “ăn mày quá khứ”, hãy đối mặt, đứng lên, nỗ lực hết mình để tìm được việc mà mình mong muốn.
Tận dụng lợi thế “lính mới”
Đây thực sự là một lợi thế của những người chuyển qua làm ở một ngành nghề, lĩnh vực hoàn toàn mới. Khi một sinh viên mới ra trường, bước chân vào công việc đầu tiên, họ luôn có một niềm tin tuyệt vời vào chính mình. Dù có kinh nghiệm làm việc bao lâu nay đi nữa nhưng bạn hãy xem mình như một sinh viên mới ra trường, tận dụng lợi thế “lính mới” chính là thứ bạn cần để có được thành công trong lĩnh vực mới. Bạn chẳng thế sợ những gì mà mình không biết đến, phải không?
Nhờ sự trợ giúp
Tôi đã đi đến một nhà tâm lý học và phát hiện ra rằng phía sau việc tôi muốn thay đổi nghề nghiệp còn rất nhiều chuyện khác. Việc này đã giúp tôi thấu hiệu được với cảm xúc của mình và quá trình đề nghị giúp đỡ buộc tôi phải thực hiện những kế hoạch thực tế cho cuộc sống. Tôi cũng phát hiện ra mình muốn thử những hoạt động mới mẻ khác trong cuộc sống như cắm trại hay thể thao đồng đội.
Theo Newben (Helino)