Ông chú ve chai sẵn sàng cho người lạ 20 ngàn đổ xăng và cái kết bất ngờ
Có ai đó đã từng nói, hãy trân trọng những người có 10 đồng và sẵn sàng chia cho bạn 1 đồng, nhưng hãy trân trọng hơn những người có 1 đồng mà chia cho bạn một nửa. Người ta thường nghĩ, chỉ người giàu có mới có điều kiện làm việc thiện, mới hào phóng. Nhưng có lẽ là vì chưa ai nhìn thấy sự hào phóng của người nghèo thôi.
Ít giờ trước, một thanh niên đã có màn "lừa" ngọt xớt một người đàn ông lượm ve chai ven đường Sài Gòn. Tấp xe máy sát lề, thanh niên này "dụ dỗ":
"Chú ơi, con nói chú cái này, được thì được, không được thì thôi chú đừng chửi con nha. Xe con sắp hết xăng rồi. Giờ con tặng chú ít bánh, chú cho con hai chục ngàn được không. Con đi bán bánh mà không được đồng bạc nào hết, chú cho con hai chục ngàn đổ xăng nha".
Thật bất ngờ, người đàn ông lượm ve chai không suy nghĩ nhiều, đồng ý ngay tắp lự. Ông lần trong túi bịch nilon đựng tiền, đưa cho thanh niên 20 ngàn, y như anh này xin.
Chàng thanh niên bảo, vì "bán ế" nên tặng lại chú 1 hộp khẩu trang và hai bánh ngọt. Sau khi ông chú lượm ve chai cầm quà rồi, thanh niên bất ngờ tặng thêm 500 ngàn và giải thích: "Con xin lỗi chú nha, nãy giờ con xí gạt chú á. Con xin hai chục ngàn của chú nha! Chú cầm 500 ngàn này, sau ai mà hết xăng tới xin, chú lại chia cho người ta nha".
"Lâm Ống Húc" dụ ông chú nghèo cho 20 ngàn và cái kết làm mọi người rưng rưng |
Hóa ra, thanh niên "nhây" trên chính là TikToker Lâm Ống Húc, một anh chàng làm từ thiện theo phong cách rất dễ thương, vừa lễ độ lại vừa "đường chợ". Phép thử lòng của Lâm Ống Húc khiến dân tình "phát sốt", không chỉ bởi cách tặng quà độc đáo, mà còn vì anh đã khiến người ta thấy sự hào phóng, tốt bụng và ấm áp của những người nghèo như ông chú ve chai.
- Nỡ lòng nào mà lấy 20 ngàn của người ta mà trả lại có 500 ngàn vậy cha nội ơi? Khổ tâm ghê làm tôi vừa khóc vừa cười nè.
- Hôm nay ta gặp được người tốt, không ngờ có người tốt hơn ta...
- Chú kia thấy cưng vậy trời, xin 20 ngàn cái cho liền luôn? Tiền chú cất trong bọc nilon chắc cũng chắt chiu dữ lắm, vậy mà người lạ xin cái là cho.
"Lâm Ống Húc" tặng bánh cho người nghèo để báo ơn cho đời
Nổi lên vì những clip ngắn quay lại cảnh đi tặng bánh, khẩu trang cho bà con gặp khó khăn vì dịch Covid-19, Lâm Ống Húc (tên thật Phạm Tùng Lâm, 30 tuổi) không phải là người giàu có gì. Anh chàng đi một con xe 82 cà tàng, phanh bằng... dép và chống đỡ bằng cây sắt những khi chất hàng lên cho khỏi đổ xe. Lâm cũng thường ăn mặc bụi bặm, nói chuyện đậm chất đường phố, mà từng câu từng chữ đi vào lòng người, khiến người nhận quà cảm thấy ấm áp như con cháu trong nhà.
Lâm Ống Húc làm nghề thiết kế đồ gỗ. Lâm không quyên góp từ thiện, cũng không nhờ ai hỗ trợ, không sử dụng sức ảnh hưởng từ TikTok để lập hội nhóm từ thiện, mà rong ruổi trên đường phố, tự làm trong khả năng của mình. Chia sẻ với Thanh Niên, một trong những nguyên nhân chính để chàng trai 30 tuổi quyết tâm đi làm thiện nguyện từ ngày 9/7 tới giờ, đó là muốn trả ơn cho đời từ câu chuyện của ông nội mình.
Ông nội Lâm sống ở quận Gò Vấp, đã hơn 70 tuổi rồi và đầu óc không còn minh mẫn nữa. Hôm 4/7, ông không may đi lạc. Lâm đã phóng xe đi tìm ông trong những ngày Sài Gòn bắt đầu giãn cách xã hội.
Đó là khi Lâm gặp những người vô gia cư không có chỗ ngủ, đi lang thang tìm miếng ăn hoặc lượm ve chai... Nghĩ rằng họ có thể là ông bà, cha mẹ của ai đó, hoặc không có gia đình hay không biết đi đâu về đâu giữa ngày dịch, lòng Lâm Ống Húc xao động.
Sau vài ngày tìm kiếm, Lâm đã tìm thấy ông nội của mình đang ngủ dưới mái hiên nhà người dân. "Lúc về tôi có hỏi "mấy ngày đó ông nội sống sao?", ông lắp bắp nói có người dân đi đường thấy tội nghiệp nên phát cơm ăn, cho ngủ nhờ, có người còn cho tiền dằn túi nữa.
Khi tìm được ông nội, tôi suy nghĩ: "Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ai ở yên nhà đó, nhưng những người không có nhà thì phải làm sao? Để trả ơn cho đời đã giúp ông và giải quyết những tâm tư đó, tôi bắt đầu đi trao quà vào ngày 9/7 cho đến bây giờ", anh chàng chia sẻ với Thanh Niên.
Lâm Ống Húc mồ côi cha năm 11 tuổi và phải mưu sinh ngay từ khi còn nhỏ. Những ngày tháng 5 giờ sáng đã thức dậy vác một cái bao trên vai, đi bới từng thùng rác của nhà dân, lội sông tìm những chiếc ly nhựa, lon sữa để bán ve chai kiếm tiền, kết thân cùng những chú xe ôm, cô bán chè, trà đá gần nhà đã phần nào tạo nên con người của Lâm bây giờ.
Có lẽ vì Lâm Ống Húc rất gần với họ, cùng… nghèo nên thông cảm với nhau. Lâm kể, anh vẫn nhớ như in cái hình ảnh bác xe ôm cho nửa ổ bánh mì lúc bụng đói cồn cào, cô bán trà đá chờ Lâm về để cho chai nước mát lạnh. Hay có những thằng bạn đi lượm ve chai cùng mỗi khi thấy Lâm lượm được ít quá thì chia cho một ít thành quả trong ngày.
Đó là khi Lâm nhận ra người nghèo như mình cũng có tình có nghĩa của họ. Và anh chàng cũng đem cái tình cái nghĩa ấy mà đối đãi với những người nghèo anh gặp trên đường phố Sài Gòn thời gian gần đây.
Theo Bích Chi (Pháp Luật & Bạn Đọc)