Hai cuốn sách Hướng dẫn học Tiếng Việt và Tiếng Việt lớp 5 có đoạn văn “lạ” về sự tích Thánh Gióng. |
“Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc Quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết”.
Trong khi đó, sách tiếng Việt lớp 5 ở bài học Luyện từ và câu (trang 86) cũng có đoạn văn tương tự như vậy, với lời yêu cầu: “Trong đoạn văn sau, người viết đã dùng những từ ngữ nào để chỉ nhân vật Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng)? Việc dùng nhiều từ ngữ thay thế cho nhau như vậy có tác dụng gì?”.
Đoạn trích được in trong sách Hướng dẫn tiếng Việt lớp 5 chương trình VNEN. |
Bài báo ngay lập tức đã được cộng đồng mạng chia sẻ với nhiều lời bình luận không mấy tốt đẹp gì. Rất nhiều người bình luận, phê phán cách làm cẩu thả của những người soạn sách. Thậm chí, có người còn nặng lời cho rằng “một sự báng bổ lịch sử mà dám đưa vào sách giáo khoa”(!).
Trước những thông tin này, những người có trách nhiệm đã chính thức lên tiếng. Phát biểu trênVietnamnet tối ngày 16-3, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên cuốn sách khẳng định đoạn văn trên là của nhà thơ Nguyễn Đình Thi và được trích dẫn đúng, không phải do nhóm biên soạn bịa ra.
“Chi tiết trong sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A “Thánh Gióng sau khi đánh giặc bị thương nặng, vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm...” được trích dẫn từ tác phẩm "Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích", của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.
Nguyễn Đình Thi từng viết một số bài nghiên cứu về văn học dân gian như "Sức sống của nhân dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích", "Nguyễn Du và Truyện Kiều", "Thời gian của Thánh Gióng"…
19 tuổi, Nguyễn Đình Thi đã in những cuốn sách luận về Niestze, Bergson. Năm 1944, khi 20 tuổi, ông viết bài “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích”, được đánh giá là bài viết "mang tầm vóc lớn".
Đoạn trích có chi tiết “Thánh Gióng sau khi đánh giặc bị thương nặng, vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm...” mô tả tưởng tượng của Nguyễn Đình Thi khi còn là một cậu bé”, GS Thuyết cho biết.
Sách Tiếng việt lớp 5 cũng có đoạn tương tự. |
Độc giả này cũng cung cấp thêm thông tin: “Gabriel José García Márquez khi viết “Tướng quân giữa mê hồn trận” (El general en su laberinto) ông gần như bị cả nước Côlômbia chửi vì tội “xuyên tạc” hình ảnh thực về người anh hùng dân tộc Bôlivia của họ. Chỉ khi một số GS sử học đáng kính lên tiếng sỉ vả và đòi "xử" thì G.J.G. Márquez mới chịu trả lời giới truyền thông rằng: “Văn chương chân chính, rất nhiều khi, không nên làm nô tài cho lịch sử, kể cả lịch sử chân chính. Sử dụng hư cấu và trí tưởng tượng là quyền năng bất khả xâm phạm của một nhà văn”.
Một bạn có nickname Nguyễn Quốc Vương cũng ý kiến: “Các bác bình tĩnh. Thánh Gióng là truyền thuyết. Đoạn trích là văn học. Nó cũng bình thường. Đó không phải là lịch sử. Vấn đề của giáo dục lịch sử nó nằm ở chỗ khác kia. Lẫn lộn giữa huyền thoại, truyền thuyết và lịch sử sẽ dẫn các con đến một truyền thuyết nào đó được phổ biến rộng rãi là chân lý cũng nguy hiểm không kém che giấu hoặc, bẻ cong lịch sử”.
Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục cũng cho biết đơn vị này đang soạn câu trả lời chu đáo về mặt chuyên môn và sẽ gửi đến báo chí vào sáng 17-3.
Trao đổi với chúng tôi, một giáo viên hiện đang dạy lớp 5 tại một trường tiểu học ở TP.HCM cho biết: “Truyền thuyết mang tính truyền miệng nên chắc chắc sẽ có nhiều dị bản. Thánh Gióng có ăn no, tắm mát ở đâu đi nữa thì đó cũng là chuyện bình thường và hãy xem nó là chuyện bình thường đi. Miễn là nó không làm sai lệch ý nghĩa của câu chuyện là nêu cao tấm gương, tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của thiếu niên Việt Nam. Hơn nữa, đây lại là đoạn trích trong tác phẩm của một nhà văn. Mà đã là tác phẩm văn học thì nhà văn có quyền tưởng tượng, hư cấu khi sáng tác. Tôi thấy rất bình thường. Phụ huynh cứ hãy yên lòng vì với bài học này, chúng tôi không dạy lịch sử cho học sinh mà chúng tôi muốn truyền tải kiến thức về cách luyện từ và câu”. Cháu Trần Võ Minh Trí, học sinh lớp 5 cũng cho biết cháu vừa học bài học này trong tuần vừa qua. “Đọc đoạn văn này trong sách tiếng Việt, con cũng có “lợn cợn” trong đầu vì lâu nay con đọc truyện thì nói Thánh Gióng sau khi đánh giặc Ân, tạ từ mẹ và dân làng rồi một mình một ngựa bay thẳng về trời. Nay nói ông Gióng ăn cơm, rồi xuống tắm, đi vào rừng rồi chết con cũng thấy lạ. Nhưng con thấy có ghi tên tác giả là Nguyễn Đình Thi, lại được in trong sách tiếng Việt nên con nghĩ đây không phải là lịch sử, con không quan tâm. |