Sinh nở, ăn Tết ở nhà ngoại, cô gái uất ức vì bị bố mẹ đẻ đối xử như người dưng bèn bỏ nhà ra đi

22/02/2021 15:49:38

Uất ức đè nén trong quãng thời gian dài khiến 'mẹ bỉm sữa', không thể chịu đựng thêm một phút nào nữa, phải ôm con bỏ về nhà nội.

Người ta thường nói "Nhà là nơi để về" để xua đi những mệt mỏi, lo lắng... Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy.

Một cô gái trong tâm sự dưới đây, đã chia sẻ những uất ức của mình từ khi lớn lên đến lúc lấy chồng, sinh con. Từ nhỏ, cô đã phải bươn trải lo tiền học phí, nuôi gia đình. Đến khi lấy chồng, sinh con thì gánh nặng mang tên "gia đình nhà ngoại" cũng không đỡ.

Đỉnh điểm là quãng thời gian cô sinh nở, ăn Tết và ở cữ ở nhà ngoại. Cô xót xa vì mình bị chính bố mẹ đẻ đối xử như người dưng. Lên mạng trải lòng, "mẹ bỉm sữa" viết:

"Con dâu là con mình - con gái con của người ta.

Chia sẻ với mọi người câu chuyện hiếm hoi của gia đình mình trong thời hiện đại và hiếm có...

Nhà mình có 3 anh em, anh trai đầu, chị và mình là con út. Người ta nói con út thì được cưng chiều, nhưng mình thì không nha. Lớp 10 đã đi bán bánh mì, rửa chén ở quán ăn để kiếm tiền đóng học phí, còn không tự đóng học phí thì auto đi Sài Gòn giữ trẻ hay làm ôsin như chị gái mình, nên mình luôn phải cố kiếm tiền lo việc học.

Ở nhà kinh tế gia đình đều phụ thuộc vào chị gái mình, đến khi chị gái mình lấy chồng, chị và anh rể tự tổ chức cái tiệc rồi đưa nhau đi buôn rau củ, vì cha mình khắc nghiệt nên 10 năm rồi chị gái mình không về. Từ lúc chị gái đi thì mình thay thế vị trí của chị, học cao đẳng cũng tự đi làm tự đi học mà hàng tháng còn phải gửi ít tiền về.

nhà ngoại, ăn tết nhà ngoại, thanh niên

nhà ngoại, ăn tết nhà ngoại, thanh niên
Cô gái buồn bã vì bị chính bố mẹ đẻ đối xử như người dưng (Ảnh minh họa).

Đến khi mình ra trường, làm công việc ổn định, đồng lương cũng ổn thì cứ đến ngày phát lương thì mẹ sẽ đi từ nhà lên trọ mình để lấy tiền mang về. Cứ như thế cho đến khi mình có chồng năm 2019. Bởi người ta nói chuyện gì cũng có thể xảy ra mà. Cha mẹ mình giao quy định là tự mà kiếm tiền lo đám cưới. Nên tụi mình đi làm dành dụm 2 năm cũng làm được đám cưới, tiền mừng cưới thì cha mẹ mình lấy, vì nói gả con gái đi là không còn gì.

Lúc mình bầu chồng mình đi làm xa nên đưa mình về nhà cha mẹ mình, bạn có thể tin không! Một đứa bầu mỗi ngày phải vác cái bụng đi chợ cơm nước lo cho cả nhà, tiền điện, wifi, tiền nước mắm, đường, bột ngọt, là mình phải chi trả hết. Chưa kể đến khi mình đi sanh, có bảo hiểm nên chỉ tốn vỏn vẹn tiền viện là 1 triệu, khi đi sanh mẹ mình giữ 9 triệu và sau đó bảo mình là không còn gì cả.

Đến lúc về nhà ở cữ còn thê thảm hơn nữa. Mẹ mình nói với chồng mình là một ngày tiền tã, bỉm, sữa, ăn uống này kia là 200 nghìn/1 ngày. Các bạn thử nghĩ, con mình sữa mẹ mà ở quê mỗi ngày mẹ đẻ ăn 200 nghìn có quá đáng không?

Cha mình đội chị dâu mình lên đầu, và dĩ nhiên 2 đứa cháu nội cũng là vũ trụ, con mình thì chưa bao giờ ngó tới. Cứ hễ cha mình say sỉn vào thì lại hát bài "con dâu là con tao, con gái gả đi là ly nước tạt ngoài sân, là cái loại ngoại lai hết". Mình thật sự không hiểu cái tư tưởng... gì mà lại trỗi dậy trong người cha chỉ 60 tuổi của mình như thế. 10 năm qua đi làm, cha mẹ mình cứ nói là gửi tiền để đó cho mình, mua cái tivi, tủ lạnh, sửa nhà này nọ cũng mình, muốn cái gì là cứ gọi kêu mình ráng đi làm mà mua cho bằng được. Đến khi mình về nhà chửa đẻ thì mình cũng phải lo cho cha mẹ, cho anh trai chị dâu và 2 đứa cháu bữa ăn hàng ngày. Mà cha mình cứ nói bóng gió là mình về báo cô, về ăn bám gia đình.

Đỉnh điểm là Tết này, cha mẹ mình lì xì cho cháu nội và anh trai chị dâu, còn con mình thì không. Rồi sau đó cha mình say rượu, có nói là mình ở đây, thì phải lo mọi thứ. Trong khi tiền điện, wifi, gas, đường, mắm, muối mình lo hết. 1 tháng 5,6 triệu tiền sinh hoạt cho cả nhà, bỉm tã tính riêng. Mình nói rằng "từ nhỏ giờ con đâu có bất hiếu, con đâu có báo hại cha mẹ đâu, con sống tốt với cha mẹ, mà tại sao cha mẹ đối xử với con như vậy? Đã bao nhiêu lần rồi, con chịu đựng thật sự hết nổi rồi, giọt nước này bây giờ con không kìm được nữa".

Rồi mình nói tất cả những thứ uất ức, những thứ bất công, mình nói ra tất cả. Cha mẹ có 2 đứa con gái, nai lưng làm việc để kiếm tiền lo cho gia đình sung túc, đến lúc con cần đến cha mẹ thì nhận được sự đối xử như vậy. Chị gái đã thề không bao giờ về lại ngôi nhà này, và có lẽ mình cũng vậy.

Trước khi đi, mình khăn gói và gửi con ở quán nước chờ xe đón. Trong cơn tức giận, mình quay lại nhà và xé tấm ảnh của mình và chị gái khỏi ảnh gia đình.

Người ta nói đi đâu cũng không bằng về nhà! Còn mình thì có lẽ không thể đọc hết được câu đó.

Cái Tết này là cái Tết đầu tiên cũng như là cuối cùng của con gái khi ở nhà "ngoại". Không biết mẹ sẽ không kể cho con nghe khi con lớn! Nhưng chắc chắn mẹ sẽ bù đắp và yêu thương con gấp trăm ngàn lần những tổn thương mà mẹ đã nhận được khi sinh ra con ở nhà ngoại".

Nhiều người cũng thương thay cho hoàn cảnh của cô:

- Đi làm dâu đã khổ, về ngoại còn đắng cay hơn. Chúc bạn vững bước, êm ấm hạnh phúc.

- Đến gia đình ruột thịt cũng không dung nữa thì nói đến người khác. Cố gắng kiếm tiền nuôi con tạo niềm vui mới thôi bạn.

- Đến một ngày họ ốm đau thì liệu họ có nhận ra điều gì.

- Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Người ta nói rằng ngoài kia có xảy ra chuyện gì có như thế nào thì gia đình vẫn là nơi chào đón ta trở về. Còn đến lúc gia đình cũng bỏ rơi thì không biết ta sẽ đi về đâu nữa....

nhà ngoại, ăn tết nhà ngoại, thanh niên

nhà ngoại, ăn tết nhà ngoại, thanh niên
Nhiều người xót xa thay cho cô gái.

Dung (Nguoiduatin.vn)