Sai lầm tai hại khi cố sống chung vì con, để lại hậu quả nặng nề cho đưa trẻ mà không biết

06/07/2020 21:52:25

Nhiều cha mẹ sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân và tiếp tục ở bên nhau để cho con có đủ cha đủ mẹ như bao người. Tuy nhiên điều này có thể sẽ dẫn đến những rắc rối ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tinh thần của trẻ.

Với hầu hết các bậc cha mẹ trên đời, đặc biệt là những người mẹ Á Đông, con cái được coi là tài sản quý nhất nên dù có thế nào đi nữa cũng phải cố gắng vì con; kể cả khi hạnh phúc riêng của mình không còn, bị đe dọa, khổ sở, cũng nghĩ mình phải chịu đựng vì hạnh phúc của con… Có một câu cửa miệng mà rất nhiều người, nhiều chuyên gia tư vấn được nghe từ các cặp đôi không hạnh phúc, giải thích vì sao họ vẫn không buông tay giải thoát cho nhau, là "Còn bọn trẻ…"

Tuy nhiên, nếu cha mẹ quyết định ở bên nhau "vì con cái" dù không còn hạnh phúc thì họ sẽ phải đối mặt với những điều tai hại sau đây:

Trẻ em học cách giải quyết vấn đề một cách hời hợt

Trẻ nhìn thấy một tấm gương về những bậc cha mẹ không thể giúp bản thân thoát khỏi tình huống căng thẳng, bị mắc kẹt trong mối quan hệ và hành vi ứng xử không lành mạnh. Vì vậy, chúng sẽ học được rằng rất khó để có một cuộc sống hạnh phúc. Chiến đấu cho những thứ giúp bạn hạnh phúc dường như là một nhiệm vụ vô ích và nguy hiểm, chỉ có thể mang lại sự thất vọng.

Cha mẹ nên dạy con rằng chúng ta chỉ sống một lần và nên trân trọng từng giây phút đang có, bất chấp mọi khó khăn để có thể sống tốt. Cuộc sống không phải là một chuyến xe dễ dàng, nhưng không có nghĩa là chúng ta nên chấp nhận giải quyết vấn đề và sống một cách hời hợt.

Sai lầm tai hại khi cố sống chung vì con, để lại hậu quả nặng nề cho đưa trẻ mà không biết
Ảnh minh họa.

Có thể khiến trẻ sợ hãi về tương lai

Ngay cả khi cha mẹ tránh cãi nhau trước mặt con, linh cảm của con cái vẫn có thể nhận ra và dần chúng sẽ trở nên sợ hãi về tương lai. Có thể chúng chưa hiểu điều gì khiến cha mẹ chia tay, nhưng sẽ lo lắng khi không biết nên quyết định ở với ai. Những đứa trẻ sẽ sống trong sự lo lắng và sợ hãi khi lúc nào cũng phải cố gắng tránh làm điều gì có thể khiến hạnh phúc gia đình tan vỡ.

Giao tiếp là chìa khóa duy nhất giúp trẻ ổn định tâm trạng. Ngoài ra, cha mẹ nên giải thích cho trẻ những gì đang diễn ra và đừng quên khẳng định, dù thế nào vẫn sẽ làm mọi cách để con được hạnh phúc.

Trẻ không cảm thấy an toàn hoặc được chăm sóc

Trẻ có thể cảm thấy phẫn nộ và không chắc chắn về cha mẹ, vì vậy chúng như đang ngồi trên một quả bom hẹn giờ và có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Chúng không cảm thấy cha mẹ có thể bảo vệ mình khỏi mọi nguy hiểm, hay chắc chắn rằng cha mẹ sẽ luôn ở bên mình.

Trách nhiệm của bất kỳ bậc cha mẹ nào là che chở con mình khỏi mọi vấn đề mà chúng còn quá nhỏ để giải quyết và đảm bảo rằng chúng sẽ đối mặt với tất cả những thay đổi trong cuộc sống cùng với mình.

Trẻ phải đối mặt với những vấn đề về thể chất lẫn tinh thần

Theo nghiên cứu, con trẻ sống trong môi trường thù địch, thậm chí sự căng thẳng của cha mẹ không hiện ra, có khả năng chịu ảnh hưởng các vấn đề sức khỏe và tâm lý xã hội. Các nhà tâm lý học cho rằng sự căng thẳng này có thể khiến trẻ mất cân bằng hormone, tăng nhịp tim, rối loạn giấc ngủ và thậm chí gây ra một số bệnh tâm lý như tự kỉ hoặc trầm cảm.

Vậy nên, ngay cả khi cha mẹ không lôi con vào cuộc xung đột thì điều này vẫn khiến con trẻ lờ mờ nhận ra và phần nào bị ảnh hưởng tâm lý.

Một nghiên cứu mới khẳng định điều ngược lại, rằng những đứa trẻ sống với bố mẹ ly dị không có vấn đề gì về sức khỏe tinh thần so với những đứa trẻ có bố mẹ sống cùng nhau, miễn là các bậc phụ huynh phải cùng chia sẻ việc sống chung với con cái.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stockholm (Thụy Điển) theo dõi 150.000 học sinh nước này để xem việc ly hôn và cách dàn xếp cuộc sống đã ảnh hưởng như thế nào đến trẻ. Họ đã tìm thấy sự khác biệt không đáng kể trong sức khỏe tinh thần của trẻ lúc sống với cha, khi sống với mẹ, khi có cha mẹ sống chung không kết hôn hoặc cha mẹ kết hôn đang sống cùng nhau.

"Cách dàn xếp cuộc sống của cha mẹ nói chung không dẫn đến tình trạng sức khỏe tồi tệ với trẻ 4 tuổi trở lên", trưởng nhóm nghiên cứu, Emma Fransson, từ Đại học Stockholm nói.

Theo các nhà khoa học, kết luận này đồng nghĩa với việc các cha mẹ không phải miễn cưỡng sống cùng nhau khi tình cảm đã hết vì lý do muốn tốt cho con. 

Theo Lily (Giadinh.net.vn)