Trong hôn nhân, bất cứ chuyện gì xảy đến hai vợ chồng cũng cần bàn bạc với nhau để đưa ra phương án đúng đắn nhất. Nhiều người cho rằng việc nhà do người chồng quyết hết nhưng đâu có phải. Bất cứ việc gì xảy đến, hai người cũng phải có sự bàn bạc để giải quyết.
Một người vợ bàng hoàng khi phát hiện sổ tiết kiệm không còn nữa. Cách cô quyết liệt sau đó khiến người ta phải suy nghĩ thật nhiều.
“Thật sự ngay khoảnh khắc phát hiện chồng làm điều đó với mình, em chỉ muốn ly hôn thôi các chị ạ. Số em đúng chẳng ra làm sao, gặp phải người chồng không tôn trọng mình một chút nào.
Em kể ra chuyện này có thể các chị sẽ thấy em giải quyết quá nhẹ nhàng êm đẹp nhưng thật sự sau đó cũng có những chuyện khó nói.
Hai vợ chồng em cưới nhau được 5 năm, hiện đang có bé gái 3 tuổi. Suốt 5 năm kết hôn rồi sinh con, chăm bé, hai vợ chồng tiết kiệm được 500 triệu.
Bọn em đều là người xa quê lên thành phố lập nghiệp nên thành ra tiền bạc cũng phải co kéo kĩ lưỡng. Sổ tiết kiệm chia làm 5 cái, mỗi cái 100 triệu. Thật sự việc đi gửi ngân hàng đó vì hai vợ chồng rất tin tưởng nhau nên có tiền, ai tiện thì đi. Bởi vậy em đứng tên 3 cái sổ tiết kiệm, chồng 2 cái.
Bọn em tính kỹ là đợi khi nào gom đủ tiền rồi mua lấy cái nhà trả góp, vợ chồng có chỗ đi ra đi vào. Con cái cũng lớn rồi, sinh bé thứ hai có nhà cửa thì đỡ hơn bao nhiêu.
Thế nhưng một sự việc xảy đến mà vợ chồng em suýt ‘toang’, tưởng không thể cứu vãn nổi. Mới đây, chị họ em bảo rằng có một dự án do công ty chị làm chủ đầu tư, tất cả đều ổn. Chị có suất mua nhà dành cho nhân viên nên bảo em tính toán nếu lo được tầm 600 triệu thì chị sẽ giúp.
Em về bàn ngay với chồng và chắc mẩm rằng sẽ quyết được. Hai vợ chồng có sẵn 500 rồi, giờ vay thêm 100 từ anh em bạn bè cũng không phải quá khó.
Nhưng khi em nói ra, chồng em có vẻ ấp úng lắm. Anh ấy liên tục bảo rằng cứ thư thư đã. Em thì nghĩ rằng cơ hội tốt chẳng đến lần 2 nên bàn ra tính vào kỹ lắm. Nhưng thái độ của chồng khiến cho em có cảm giác vấn đề gì đó đang xảy đến.
Thấy anh trốn tránh, chẳng muốn nói đến chuyện mua nhà em mới gặng hỏi cho bằng được. Hóa ra, chồng em đã cho chị chồng vay 200 triệu từ lúc nào rồi. Chị gái chồng sửa nhà, thiếu tiền nên vay, chồng em không ngần ngại dốc hết vốn liếng.
Lúc nghe xong em chết lặng. Em không thể ngờ được chồng em lại bí mật cho chị gái vay tiền mà không nói với em một câu. Lúc đó em tủi thân đến cùng cực, bật khóc luôn.
Chồng em liên tục bảo rằng cho chị gái chứ cho ai vay đâu mà sợ. Rồi chị ấy sẽ gom trả sớm. Mình chưa mua nhà thì thôi, cái đất thành phố này có bao giờ thiếu nhà đâu.
Lúc đó, em gạt hết tất cả, dồn hết sự tức giận quay sang nói với anh ta.
‘Bây giờ vấn đề không phải cho vay hay không mà là sao anh không nói với em một câu chuyện tiền bạc. Tiền làm ra là của chung, anh cho ai vay tiền ít nhất cũng nói qua với em, đó là thể hiện cho sự tôn trọng. Anh im lặng như thế cho vay lúc nào em chẳng hay, anh không nghĩ vậy là coi thường em quá à?
Nhà mình dư dả, nhà cửa ổn định rồi cho ai vay cũng được nhưng bây giờ, vợ chồng con cái chen chúc trong cái nhà 20m2, cũng bàn tính mua nhà mà anh nói như vậy. Có phải lúc đó có 200 chứ nếu có cả 500 anh cũng cho vay hết sạch không’.
Đó là lần đầu tiên em to tiếng đến mức ấy với chồng. Thật sự bình thường bọn em chưa bao giờ căng đến như thế.
Lúc đó chồng em có vẻ bối rối, nghĩ một lúc rồi bảo xin lỗi, sẽ nghĩ cách khác. Khi ấy em vẫn chưa nguôi con giận nói tiếp: ‘Vợ chồng cần nhau là cái sự thông cảm, thấu hiểu và tôn trọng. Giờ tiền nong anh chẳng thèm báo qua cho em một câu, giờ như thế này thì sao. Em thất vọng lắm rồi, hay ‘giải tán’, ai về nhà nấy cho nhẹ đầu’.
Lúc đó do giận quá em mới nói vậy nhưng chồng em phát hoảng thật sự. Anh ấy xin lỗi liên tục, bảo em đừng nói linh tinh. Chiều hôm ấy chồng em nhắn cho chị gái rồi bắt xe về quê luôn để lấy tiền lên, đặt cọc mua nhà. Có những chuyện chậm rãi và nhường nhịn được nhưng chuyện này rõ ràng gia đình em đâu có sai.
Sự thật, việc anh chị em giúp đỡ nhau là quá bình thường trong cuộc sống. Thế nhưng một khi bước vào hôn nhân, tất cả mọi vấn đề đều nên nói cho đối phương một tiếng”.
Câu chuyện của chị vợ này khiến dân mạng đưa ra nhiều bình luận khác nhau. Đa phần đều cho rằng có lẽ ban đầu người chồng có suy nghĩ mình chưa cần đến tiền nên cho chị gái vay cấp tốc chứ không ngờ lại phát sinh chuyện mua nhà. Tuy nhiên, vấn đề chính ở đây lại là việc vợ chồng thông qua nhau trong tất cả vấn đề cuộc sống.
Tiền bạc là chuyện nhạy cảm, dễ gây nên bất hòa trong hôn nhân. Bởi vậy, hai vợ chồng lúc nào cũng nên bàn bạc nhau khi đưa ra quyết định nào đó. Nó thể hiện cho sự gắn kết, đồng thời tôn trọng, bình đẳng trong cuộc sống gia đình.
Theo Rena (Trí Thức Trẻ)