Quá trình toàn cầu hoá diễn ra nhanh chóng kéo theo việc tiếng Anh trở thành ngôn ngữ phổ biến nhất trên khắp thế giới từ nhiều năm nay. Cha mẹ bắt con cái học tiếng Anh, bán hàng rong nói tiếng Anh, các trung tâm dạy tiếng Anh mọc lên như nấm sau mưa,... Tất cả những thứ đó đã chứng minh phần nào về tầm quan trọng của tiếng Anh thời hiện đại. Tuy nhiên, giữa các vấn đề xoay quanh việc tiếng Anh đã và đang ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của cuộc sống ấy, cũng có không ít câu chuyện bi hài.
Đơn cử như bức ảnh chụp một menu của hàng quán nào đó dưới đây có phụ đề tiếng anh nhưng… trật lất khiến cho cộng đồng người dùng MXH Việt chiều nay được một phen cười đau ruột. Cụ thể, trong menu, ngoài các món ăn được ghi tên thuần Việt thì bên dưới còn có dịch sang tiếng Anh, tuy nhiên, có lẽ vì quá tin tưởng "chị gái Google" nên màn dịch thuật này vừa sai lại vừa gây hài. Ví dụ như bánh canh được dịch là "bread soup", bánh bèo là "pie beo", chè chuối nướng là "grilled banana tea", nem lụi là "nem is gone", bánh lọc là "filter pie",...
Ảnh chụp menu thú vị bên trên được đăng đàn không bao lâu đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng. Và không nằm ngoài dự đoán, hậu quả của việc nhờ "chị Google" dịch hộ đã làm cho dân mạng có được những phút giây cực kỳ giải trí. Ai nhìn thấy cũng ôm bụng cười nắc nẻ.
"Tây đọc chắc cũng chịu thua haha", "nem lụi là nem died mà", "how to đọc món ăn tiếng Việt cho chanh xả đây mà", "chè này là chè ngọt, chứ đâu phải lá chè mà tea hả trời", "cảm ơn chị Google đã tấu hài một trận cực lớn", "cười không nhặt được mồm", "sợ hãi với quả pie beo", "đây chính là tác phẩm của Google dịch, không thể lẫn đi đâu được",...
Trên là đại đa số các bình luận với tâm trạng hài hước của cư dân cộng đồng mạng dành cho cái menu "bá đạo" bên trên. Tuy nhiên, cũng có không ít thanh niên nghiêm túc hơn và góp ý như sau: "Món Việt thật sự khỏi dịch tên làm gì cho mệt. Cứ in ảnh minh hoạ chân thật vào, xong ghi tên tiếng Việt là xong. Tây nó nhìn ảnh nó gọi món. Giống món Thái, cứ Pad Thai, Tum Som, Tom Yum mà thành thương hiệu riêng. Tên món ăn cũng cứ xem như là tên riêng đi, mà ai lại đi dịch tên riêng bao giờ cơ chứ".
Hiện tại, hình ảnh về chiếc menu hài hước của một hàng quán nào đó vẫn còn thu hút thêm rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng. Thậm chí còn hot đến nỗi tạo nên một trào lưu nho nhỏ khiến dân tình đua nhau nhờ "chị Google" dịch tên các món ăn Việt Nam theo hướng sát nghĩa gây hài. Đơn cử như: "cake question" là bánh hỏi, "cake skin pig" là bánh da lợn, "cake cow" là bánh bò, "cake leg" là bánh giò,...
Theo Min (Thế Giới Trẻ)