4 thứ khẩu nghiệp cần tránh
Chuyện không nói có, chuyện có nói không
Phàm ở đời, những người đặt điều dựng chuyện, nói lời gian dối thường được xem là hiện thân của ma quỷ, khi chết sẽ phải xuống địa ngục. Những người này đồng thời cũng là căn nguyên của mâu thuẫn, thị phi.
Bởi vậy mới có câu: “sự thông minh sáng suốt nhất đó chính là sự thật”. Dù bạn có cho rằng lời nói dối vô thưởng vô phạt của mình cũng không hề làm hại đến ai thì sự thật vẫn chỉ có một, chỉ có bạn mới hiểu được rằng bản thân mình vừa nói/làm một điều sai trái với lẽ tự nhiên.
Nói lời đôi chiều
Một người không có chính kiến, ăn nói hai lời, gió chiều nào che chiều ấy sẽ là kẻ gây mâu thuẫn trong nội bộ, chỉ biết vun vén hưởng lợi riêng về mình. Nếu gặp những loại người này bạn nên tránh xa.
Ảnh minh họa.
Đồng thời, chúng ta cũng cần tự rèn luyện ý chí và khả năng quyết đoán của bản thân. Nếu đã lựa chọn phải biết chịu trách nhiệm cho những lựa chọn ấy, đừng để tâm lý dao động kẻo sẽ rước họa vào thân.
Nói lời thêu dệt
Cổ nhân có câu “một nửa sự thật không phải là sự thật”. Bạn cho rằng mình vẫn nói đúng những gì đã có và chỉ “thêm thắt” một vài tình huống hài hước hay ly kỳ hơn để phiếm chuyện thì cũng đừng nên làm vậy.
Lời nói ra chỉ nên vừa đủ nghe, vừa đủ hiểu và vừa đủ chân thành, chỉ cần truyền đến người sau câu chuyện sẽ trở thành thứ khác. “Tam sao thất bản” cũng là một trong những lỗi lầm mà con người thường vô tình mắc phải.
Phê bình, khen chê
Từ nhỏ đến lớn, chúng ta luôn sống trong môi trường bị đánh giá và đánh giá người khác. Trẻ con đi học thì bị đánh giá bằng điểm số, người lớn đi làm bị đánh giá bằng năng lực, mức lương, địa vị… Vô hình chung những điều này sẽ sinh ra tâm lý so sánh, đố kỵ trong lòng, lâu dần sẽ tích tụ lại thành thói tham lam, tranh đoạt, khởi sinh cái ác mà chúng ta không hay. Muốn tránh được điều này, tốt nhất nên có tâm quan sát học hỏi và tự đúc rút kinh nghiệm cho chính bản thân mình thay vì can thiệp vào những cuộc bình luận vô nghĩa.
Khẩu nghiệp từ đâu ra?
Chúng ta có thân này là do nghiệp. Nghiệp được hiểu đơn giản nhất, đời thường nhất là thói quen.Nếu ta thường xuyên sống bình an, nhẹ nhàng, thanh tịnh, vô ngã vị tha thì chúng ta tạo nghiệp thiện, được sinh về các cảnh giới thiện lành, được làm chư thiên và làm người hạnh phúc.
Nếu chúng ta thường xuyên tức giận, quát nạt kẻ khác, ức hiếp người khác sẽ tạo nghiệp không lành và có thể sinh về cõi atula (hiểu nôm na, cõi này chỉ biết sân hờn giận, đánh nhau chứ chẳng làm gì ngoài những trạng thái đó).
Nếu chúng ta tham lam, bỏn sẻn, keo kiệt thì tạo nghiệp ác và sinh về cõi dữ là ngạ quỷ. Nếu chúng ta cướp bóc, giết người, ngày đêm làm những việc xấu thì tạo nghiệp rất ác và sẽ sinh về địa ngục.Trừ những người vô minh quá, còn lại đa phần tin vào luật nhân quả, tin rằng sống tốt được may mắn, sống ác bị gặp nhiều chuyện xấu.
Gieo nhân nào gặt quả đó. Quả chẳng trổ ngày nay thì ngày mai, không kiếp này thì kiếp tới. Nhân quả thật rõ. Nghiệp là luôn đúng.
Tuy nhiên vẫn có những người nghĩ rằng nghiệp chỉ do các hành động của mình gây ra mà không biết rằng nghiệp là do cả 3: thân, khẩu, ý tức do các hành động việc làm cũng như do lời nói và các suy nghĩ.
Ở đây tôi chỉ bàn về khẩu nghiệp, tức các nghiệp do lời nói sinh ra.
Cẩn thận, nói đúng, nói trúng thời điểm
Khẩu nghiệp là nghiệp do lời nói gây ra. Bất cứ những gì ta nói ra đều có tác động lợi hoặc hại, tốt hoặc xấu, xảy ra ngay tức thì hoặc để lại hậu quả sau này.
Khẩu nghiệp lành từ các lời nói tạo ra những kết quả tốt lành, làm lợi cho chính người đó và những người liên quan.
Khẩu nghiệp ác từ các lời nói tạo ra những hậu quả xấu, làm hại cho chính người nói ra và những người liên quan. Khẩu nghiệp còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng, cả xã hội.
Nếu chúng ta biết ái ngữ, tức nói lời hay, ý đẹp thì chính mình và những người xung quanh được hưởng.
Người có trí tuệ, có hiểu biết đúng đắn về khẩu nghiệp thường rất cẩn thận khi nói. Họ biết cách nói đúng, nói trúng, cả về nội dung lẫn thời điểm.
Người có trí tuệ biết cách nói để không làm phiền lòng người nghe. Khi thấy một người trong cơ quan hay trong gia đình, nhóm bạn đang làm một việc sai trái họ cũng tìm cách nói khéo léo và nói vào thời điểm hợp lý.
Người có trí tuệ hiểu rõ khẩu nghiệp nên chỉ sử dụng lời nói khi cần thiết, nói để đạt được kết quả mà mình mong muốn mà không làm tổn thương đến người nghe.
Người có trí tuệ thường nói với tâm Phật, tức dùng từ bi hỷ xả để nói. Trước khi nói, thậm chí họ ngồi cho lắng lòng, cho tâm thanh tịnh rồi mới nói.
Theo Min (Khỏe & Đẹp)