Người đàn bà với nhan sắc “chim sa cá lặn” và số phận lênh đênh
Trong nền văn học Việt, tiểu thuyết “Me Tư Hồng” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến là một tác phẩm để lại nhiều ấn tượng đối với người đọc. Ít ai biết được rằng, nhân vật Me Tư Hồng không phải hư cấu, tưởng tượng mà được bắt nguồn từ một nguyên mẫu ngoài đời thực. Theo tác giả của tiểu thuyết này chia sẻ, nhân vật trong tác phẩm của ông được xây dựng từ cô Tư Hồng.
Cô Tư Hồng tên thật là Trần Thị Lan (sinh năm 1968), sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở Hà Nam. Ở độ tuổi trưởng thành, cô Lan có nhan sắc tuyệt trần, thông minh, nhạy bén nên nhiều thanh niên trong làng si mê. Người ta tả lại vẻ ngoài của Trần Thị Lan như sau: Đôi mắt “nhãn trung hữu thủy” (trong mắt có nước), nhan sắc thực sự là chim sa cá lặn, nhìn vào người đàn ông nào cũng phải điêu đứng.
Thế nhưng đúng là hồng nhan bạc phận, ở tuổi 17, do gia đình vay nợ số tiền quá lớn nên bố mẹ đã ép gả Trần Thị Lan cho lý trưởng già làm vợ lẽ. Không chấp nhận cảnh sống đó, muốn “xé rào” định kiến, Trần Thị Lan đã bỏ trốn. Bà ra Nam Định làm thuê, kiếm sống.
Cũng trong những năm tháng sống ở thành Nam, Trần Thị Lan gặp người đàn ông làm nghề bán bún xáo trâu. Cả hai nảy sinh tình cảm, dọn về sống với nhau. Những tưởng tổ ấm nhỏ bé ấy sẽ bình yên, nhưng cả hai mong chờ mãi cũng không có con. Không những vậy, ở quê nhà, sau khi bố mẹ qua đời, em trai bà bị bắt để trừ nợ. Quá thương em, lại thêm việc chồng tuy có yêu vợ nhưng quá nghèo, không giúp đỡ được gì, bà Lan quyết định dứt áo ra đi, tìm cách cứu em mình.
Một thời gian sau, bà gặp ông chủ buôn tên là Hồng, người Hoa, gốc Quảng Đông. Người này về Nam Định thu mua lúa. Rất nhanh chóng, cả hai phải lòng nhau. Người đàn ông giàu có này đã không tiếc tiền, bỏ ra một khoản lớn để giúp bà Lan cứu em mình. Sau đó, bà theo chồng về Hải Phòng sinh sống. Tại đây, người ta gọi bà bằng cái tên “Thím Hồng”.
Thế nhưng sự lênh đênh, vất vả của bà chưa dừng lại. Năm 1890, vì làm ăn thua lỗ nên chồng bà bỏ về nước, bỏ mặc người vợ ở lại Việt Nam. Một mình bà bơ vơ ở quê chồng, đành mở tiệm tạp hóa nhỏ để kiếm sống qua ngày.
Sau đó, bà quyết định lên Hà Nội để học tiếp Pháp, mở quán gạo, đi buôn. Sở dĩ có quyết định này là bởi vì thời đó, phụ nữ Hà Thành có mốt lấy chồng Pháp, trở thành những bà “Me Tây”. Bà cũng đã rời Hải Phòng lên Hà Nội để hy vọng tìm kiếm vận may cho mình. Cuối cùng, đúng như mong đợi, năm 1982, bà tình cờ gặp viên quan tư Croibier Huguet ngoài 30 tuổi, tên thường gọi là Laglan trong một buổi vũ hội. Tất nhiên, với nhan sắc tuyệt đỉnh của mình, bà khiến Laglan mê mẩn và tỏ tình. Chỉ sau một thời gian ngắn, bà đã trở thành phu nhân của quan tư Laglan. Đây chính là nguồn gốc của cái tên Tư Hồng (do chồng bà làm quan tư).
Không bám váy chồng, trở thành đại gia khiến đàn ông cũng phải kính nể
Nữ nhi thời bấy giờ, nhất là những người có nhan sắc, lấy được chồng giàu thường an phận, ở nhà đứng sau lưng chồng, hưởng vinh hoa phú quý, nhưng bà Tư Hồng thì không. Với trí thông minh thiên bẩm, bà dấn thân vào chốn thương trường và đạt được những thành công đáng nể. Đáng nói hơn cả, khi ấy bà mới chỉ 23 tuổi.
Năm 1892, bà mở Công ty thầu An Nam. Nhờ sự tác động của chồng nên công ty đã trúng hợp đồng đầu tiên là cung cấp thực phẩm cho đơn vị quân Pháp đóng ở Phúc Yên (Vĩnh Phúc) và nhiều hợp đồng cung cấp lương thực, thực phẩm khác. Không dừng lại ở đó, bà còn tham gia lĩnh vực thầu xây dựng. Vượt mặt nhiều doanh nhân lừng lẫy thời bấy giờ, bà trúng thầu gói phá dỡ thành Hà Nội. Đây là một sự kiện chấn động thời điểm ấy bởi nó được làm nên từ một người phụ nữ. Đằng sau thành công ấy là một sự nhạy bén của người đàn bà giỏi giang. Bà chấp nhận hạ giá xuống thấp nhất có thể để giành được gói thầu, sau đó bà về quê, thuê nông dân làm để chi phí được rẻ nhất. Các nguyên liệu bà cũng cố tìm cho được cơ sở sản xuất với giá thành thấp nhất để mua. Số gạch dỡ được từ thành Hà Nội, bà mang về xây hàng loạt ngôi nhà ở Cửa Đông và 8 căn nhà ở Hàng Da, 1 biệt thự ở ngõ Hội Vũ, nhà ở phố Quán Sức và Trường dòng Punigier (ngày nay là trường THPT Việt Đức).
Bà Tư Hồng có tài sản ở nhiều nơi, giàu có nức tiếng một vùng. Nhưng đáng quý hơn cả, bà còn có tấm lòng nhân hậu. Năm 1902 – 1903, 3 tỉnh miền Trung mất mùa, thóc gạo khan hiếm, bà đã cứu tế cho người dân nơi đây. Việc làm này của bà còn được nhà Vua phong tặng “Ngũ phẩm nghi dân” với tấm biển vàng “Lạc quyên nghĩa phụ”.
Không một mụn con, cuối đời cô độc
Xinh đẹp, giỏi giang, thế nhưng dù sau 3 đời chồng bà vẫn không thể có một mụn con. Cũng chính điều này khiến cho hôn nhân với bà không hạnh phúc. Người chồng thứ 3 cũng có thói trăng hoa, nhưng vì không có con nên bà nhắm mắt ngậm ngùi cho qua. Cuối cùng, cuộc hôn nhân đó cũng kết thúc.
Sau này, bà về sống một mình ở làng Bạch Mai (thuộc khu vực Đại học Bách Khoa Hà Nội) hiện nay. Có người nói rằng, toàn bộ tài sản bà để lại cho em trai và các cháu con của em. Đến cuối đời, bà sống cô độc một mình trong căn nhà của mình. Khi bà mất, được an táng gần đền chùa Hai Bà Trưng. Trên tấm bia mộ của bà, chỉ đề dòng chữ đầy xót xa: “Cô Tư Hồng”.
Cuộc đời cô Tư Hồng là minh chứng cho phận nữ nhi tài sắc vẹn toàn nhưng lận đận, truân chuyên. Bà sống từng là niềm mơ ước của bao nhiêu người đàn ông nhưng rồi ra đi trong cô đơn, lạnh lẽo.
Theo Hà Anh (thoidaiplus.giadinh.net.vn)