Rất nhiều thói quen của cha mẹ cứ âm thầm khiến con hình thành tính cách xấu như tự ti, ỷ lại, đòi hỏi thái quá...
Cha mẹ nên buông tay cho trẻ có cơ hội tự trải nghiệm cuộc sống, nếm trải khó khăn, thất bại. Muốn làm được những điều này thì bố mẹ nên loại bỏ 8 thói quen sai lầm thường làm dưới đây của mình:
Phát ngôn viên của trẻ
Không ít cha mẹ hay có thói quen nói "mất phần" con. Họ sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của người khác thay cho con vì lo lắng con mình e ngại hoặc ăn nói không khôn ngoan.
Thậm chí, khi con đã lớn, có phụ huynh còn thay con chọn món mỗi khi đi ăn ở nhà hàng. Điều này hoàn toàn bình thường khi đứa bé còn nhỏ nhưng với đứa trẻ 15 tuổi mà vẫn để bố mẹ gọi thức ăn cho lại là một vấn đề quá lớn. Để con tự chọn món sẽ giúp con có thể làm chủ được các cuộc nói chuyện của mình sau này.
Làm quá nhiều việc cho con
Khi nhìn thấy con loay hoay để làm một công việc đơn giản, nhiều phụ huynh sẽ sốt ruột mà can thiệp vào giúp con ngay. Nhưng hãy dừng lại vì nếu cứ làm như vậy thì bé sẽ không bao giờ học được điều gì. Bố mẹ hãy để con tự làm mọi việc, lúc đầu sẽ có chút khó khăn nhưng lâu dần con sẽ biết cách phải làm thế nào.
Cho bé phụ giúp bố mẹ khi nấu ăn còn giúp củng cố tình cảm gia đình (Ảnh minh họa). |
Để bé giúp bạn nấu bữa tối, dạy cho con cách giặt quần áo hoặc chỉ đơn giản là yêu cầu chúng tự dọn dẹp phòng ngủ. Giao cho trẻ làm việc nhà thay vì bố mẹ làm sẽ giúp con có ý thức về trách nhiệm và thành quả. Hơn nữa, can thiệp vào khi con đang gặp khó khăn sẽ khiến cho trẻ bị động và không rèn luyện được sự tự lập.
Không bao giờ nhắc nhở con
Nếu mỗi lần con mắc sai lầm mà bố mẹ không nhắc nhở thì bé sẽ lại tiếp tục mắc lại sai lầm đó. Đồng thời con cũng sẽ không bao giờ học hỏi và rút kinh nghiệm được từ những sai lầm cũ.
Nếu bé làm sai thì hãy nói với con. Sự nhắc nhở không phải là điều vô nghĩa và khi được áp dụng đúng lúc sẽ đem lại nhiều tác dụng với con. Ví dụ như "Cảm ơn con đã dọn dẹp sạch căn phòng của mình, nhưng mẹ thấy cái giường của con vẫn còn một vài vết bẩn" để cho con biết đã làm tốt, nhưng vẫn có chỗ cần phải làm lại kĩ hơn.
Khen ngợi trẻ quá nhiều
Con cần cảm thấy được yêu thương và công nhận khả năng của bản thân, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc mọi thứ bé làm đều được khen ngợi. Ví dụ khi con được điểm trung bình trong bài kiểm tra thì việc khen con giỏi lắm và thưởng một món đồ chơi sẽ là hại con đấy.
Bỏ những câu nói vô thưởng vô phạt kiểu như "Con của mẹ múa đẹp quá" đi (Ảnh minh họa). |
Điều này sẽ khiến cho nhiều bé nghĩ mọi việc mình làm đều sẽ được khen thưởng. Trong thực tế bố mẹ nên quy định rõ ràng khi con làm điều gì đó ở mức trung bình thì sẽ không được khen ngợi và tặng quà. Với cách làm này sẽ tạo ra động lực cho con làm việc chăm chỉ để đạt được thành tích cao hơn.
Vợ chồng cãi nhau trước mặt con
Cố gắng hết sức để tránh việc vợ chồng vãi nhau trước mặt các con, đặc biệt là khi sự tranh cãi ấy là vì bé. Việc đó chẳng khác nào bạn đang mang lại những căng thẳng không cần thiết đến với con.
Sẵn sàng nấu cho trẻ món ăn khác chỉ vì trẻ không muốn
Bạn đã rất mất hàng giờ chuẩn bị bữa tối cho cả gia đình, nhưng con lại tỏ thái độ không thích và nói với giọng giận dỗi "Con không thích những món này”. Khi ấy, bạn sẵn sàng đứng dậy nấu ngay một món khác theo đúng sở thích của con.
Không nên chiều theo mọi đòi hỏi của trẻ (Ảnh minh họa). |
Bạn nghĩ rằng mình là một cha mẹ tốt, chu đáo, điều đó giúp con vui vẻ, ăn uống ngon hơn. Nhưng bạn có biết rằng việc làm này sẽ "tiếp tay" cho những đòi hỏi không giới hạn của trẻ. Đó là chưa kể việc chúng sẽ chẳng bao giờ học được cách tự phục vụ bản thân mà luôn ỷ lại vào bố mẹ.
Luôn kỳ vọng con phải hoàn hảo
Đã là con người thì không một ai là hoản hảo, ai rồi cũng sẽ mắc sai lầm và có điểm không hoàn thiện.. Thay vì nghĩ con hoàn hảo, bố mẹ nên giúp con học hỏi và khắc phục những thiếu sót. Nếu bé làm ai buồn thì hãy dạy bé sửa lại cách nói hoặc hành động của mình. Giúp trẻ từ những điều nhỏ nhặt này thì khi lớn lên sẽ có lợi hơn bất cứ điều gì khác mà bạn làm cho bé.
Hơn ai hết, bạn là người biết rõ cách trẻ phản ứng với những tình huống cụ thể và có thể hướng dẫn bé việc phải làm là gì. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải lùi lại và để cho bé có cơ hội được mắc sai lầm. Bạn có thể giúp trẻ nhưng đừng giúp đến mức mà bé không thể tự làm.
Theo M.Trần (Trí Thức Trẻ)