Những lễ vật không thể thiếu khi cúng Táo quân

07/02/2018 10:45:11

Tùy vào phong tục ở mỗi địa phương, cách thức thờ và cúng Táo quân có nhiều khác biệt, đặc biệt là lễ vật khi cúng tiễn.

Cúng tiễn Táo quân lên chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm là tục lâu đời của người Việt. Tuy mỗi địa phương có cách thờ, cúng Táo quân khác biệt, quan niệm về Táo quân và cách cúng tiễn đều có nét tương đồng.

Theo tục cổ truyền của người Việt, Táo quân gồm hai ông và một bà, tượng trưng là ba cỗ đầu rau hay chiếc kiềng ba chân ở nhà bếp. Họ là vị thần bảo vệ gia đình nơi mình cư ngụ và thường được thờ ở nhà bếp nên được gọi là vua Bếp. Để được vua Bếp “phù trợ” nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa rất trọng thể.

Thờ Táo quân

Tùy vào từng địa phương, bàn thờ Táo quân được đặt ở những vị trí khác nhau như bàn thờ tổ tiên, bếp hay vách giữa phía sau nhà. Bài vị thờ vua Bếp thường được ghi vắn tắt là "Định Phúc Táo Quân", nghĩa là thần định mọi sự hạnh phúc.

Trong Cơ sở Văn hóa Việt Nam, giáo sư Trần Ngọc Thêm cho biết trên bàn thờ tổ tiên, người Việt xếp tổ tiên (nhân thần) ngự tại bàn thờ tôn kính nhất ở gian giữa, còn Thổ Công (địa thần) ở gian bên trái (theo Ngũ hành, bên trái - phương Đông là nơi quan trọng thứ hai sau trung tâm).

Sở dĩ như vậy vì Thổ Công định đoạt phúc họa cho cả nhà nên là vị thần quan trọng nhất nhưng tổ tiên được tôn kính nhất. Tuy địa vị kém nhân thần nhưng quyền lực của địa thần lại lớn hơn.

Ở Nam Bộ, Thổ Công được thay thế bằng Ông Địa với bàn thờ đặt ở dưới đất (thần đất phải trở về với đất), ngoài ra, nhiều nơi đồng nhất với Thần Tài (mọi của cải đều từ đất mà ra).

Tác giả Bùi Xuân Mỹ trong Tục thờ cúng của người Việt cho biết Táo quân thường được tôn là Đệ nhất gia chi chủ. Vì vậy, mỗi khi muốn cúng lễ, người xưa đều phải cúng Táo quân trước và xin phép ngài để những vị được cúng lễ có thể tới phối hưởng.

Hai bên bài vị Táo quân bao giờ cũng có một câu đối: “Hữu đức năng ty hỏa, vô tử khả đạt thiên” (có đức trông coi việc lửa, vô tư có thể lên trời).

Những lễ vật không thể thiếu khi cúng Táo quân
Lễ cúng tiễn Táo quân của một gia đình Việt. Ảnh: Quỳnh Trang.

Cách thức cúng tiễn Táo quân

Về lễ vật cúng Táo quân, Minh Đường trong Nghi lễ dân gian – Nghi lễ cúng gia tiên kể rõ cần có 3 mũ Táo quân gồm hai mũ đàn ông (có hai cánh chuồn) và một mũ đàn bà (không có cánh chuồn). Các mũ này được trang trí nhiều gương nhỏ hình tròn lấp lánh và những giây kim tuyến sặc sỡ.

Bên cạnh đó, để đơn giản, người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ Táo Quân (có hai cánh chuồn) kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy. Màu sắc của mũ, áo hay hia Táo quân thay đổi theo năm Ngũ hành.

Cụ thể, các năm hành kim, mộc, thủy, hỏa thổ dùng các màu lần lượt là vàng, trắng, xanh, đỏ, đen. Những đồ mũ, áo, hia… bằng giấy này sẽ được đốt đi sau lễ cúng Táo quân cùng với bài vị cũ, sau đó, bài vị mới được lập.

Minh Đường còn lý giải thêm theo tục xưa, với những nhà có trẻ con, người ta cúng Táo quân thêm một con gà luộc (gà mới tập gáy). Việc này để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà đó vậy.

Về phương tiện để Táo quân về chầu trời, sách này nêu rằng ở miền Bắc, người ta cúng một con cá chép sống thả trong chậu nước, ngụ ý cá sẽ biến thành Rồng đưa Táo về trời. Sau đó, con cá chép này sẽ được phóng sinh (thả ao, hồ sau khi cúng).

Trong khi đó, ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Riêng ở miền Nam, đơn giản hơn, người dân chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.

Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta còn làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...) hoặc lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc...) để tiễn Táo quân.

Theo Hoàng Như (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật