Để chuẩn bị cho ông Táo lên trời, bên cạnh những công việc quan trọng như sắp xếp, lau dọn bàn thờ, chuẩn bị lễ cúng, đồ cúng, dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ gọn gàng,... thì các gia đình cũng cần hết sức chú ý đến những đại kỵ nên tránh vào ngày cúng ông Công ông Táo để lễ cúng được trọn vẹn, gia chủ đón được nhiều phước lộc.
Không CÚNG CHUNG ông Công, ông Táo ở dưới bếp
Nhiều gia đình quan niệm rằng ông Công ông Táo là vị thần bếp nên sẽ đặt mâm cơm và đồ lễ ở bếp để cúng các vị thần là chuẩn nhất. Tuy nhiên, quan niệm đó hoàn toàn sai lầm.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Lý học Đông phương cho biết, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà còn ông Táo là 3 vị đầu rau trông coi việc bếp núc trong gia đình. Lễ cúng 23 tháng Chạp là lễ tiễn chung ông Công, ông Táo về chầu trời, việc mọi người gộp chung cúng là chưa đúng.
Trong ngày này, ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng.
Chuyên gia phong thủy Linh Quang (Trung tâm Tư vấn đào tạo phong thủy thực hành) cũng cho rằng, theo quan niệm dân gian, nhiều gia đình nghĩ rằng cúng ông Táo là phải cúng ở trong bếp nên bày biện hết tất cả trong đó để cúng.
Tuy nhiên, văn hóa của người miền Nam vẫn giữ cho tới bây giờ là bàn thờ ông Táo (chỉ ông Táo, không phải ban thờ chung ông Công - ông Táo) thường đặt ở phía trên bếp (thường là hộc trống phía bên trên máy hút khử mùi) nên việc sắm lễ bày luôn trong khu bếp. Đối với người miền Bắc thì thường cúng luôn trên bàn thờ chung với gia tiên.
Theo ông Linh Quang, không nên nói đến đúng sai trong thờ tự bởi ở nhiều nơi có sự khác nhau, việc cúng ông Công ông Táo chính là do văn hóa truyền thống của người Việt từ ngàn xưa, chúng ta cứ theo tâm mà làm là được, tâm sáng thì mọi sự sẽ sáng, tâm thành mọi sự sẽ lành.
Không đặt bàn thờ ông Táo quá xa bếp nấu, nằm trên bồn rửa
Nhiều quan niệm cho rằng ngũ hành Táo quân thuộc "Hỏa”, Thủy khắc Hỏa, cho nên bàn thờ ông Táo không được đặt trên bồn rửa, không nằm quá xa khu vực bếp nấu. Tốt nhất, hướng của bàn thờ ông Táo nên trùng với hướng của bếp (hoặc song song).
Không cúng lễ sau 12h trưa ngày 23 tháng Chạp
Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng, tức là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Theo quan niệm xưa thì gia chủ phải cúng báo cáo trước để Táo quân còn tổng hợp rồi lên trời báo cáo, nếu để đến giờ đi rồi mới cúng sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
Tùy điều kiện mỗi gia đình mà lễ cúng có thể tiến hành đúng ngày 23 hoặc sớm hơn. Theo các chuyên gia tâm linh, năm Mậu Tuất có 3 ngày đẹp có thể cúng Táo quân.
Mua vàng mã, chỉ nên mua ở mức vừa và đủ
Nhiều năm gần đây, không hiếm cảnh gia đình bỏ hàng triệu đồng mua vàng mã về đốt với niềm tin rằng dâng mâm cao cỗ đầy sẽ được Táo quân ban nhiều phước lộc, bỏ qua những việc làm xấu trong năm.
Tuy nhiên, điều này không chỉ gây tốn kém tiền của, không có lợi ích gì (thậm chí còn có thể làm mất lòng các vị thần) mà còn ảnh hưởng đến môi trường.
Không được ném cá chép từ trên cao xuống
Việc phóng sinh cá chép sau khi cúng ra ao, hồ, sông suối là điều tốt đẹp, thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam. Tuy nhiên, có nhiều người lại thiếu ý thức khi ném, quăng cá hoặc ném luôn cả túi ni lông chứa nước cá xuống ao, hồ, dễ khiến cá bị chết, ảnh hưởng đến môi trường.
Thả cá chép đúng là thả từ từ, nhẹ nhàng xuống sông hồ để cá còn có cơ hội được sống.
Ngoài những điều trên, gia chủ khi cúng ông Công ông Táo cũng cần lưu ý:
- Làm lễ mặn không được đặt trên bàn thờ và nên đặt ở bàn nhỏ phía dưới.
- Nghi lễ cúng ông Công ông Táo chỉ nên được thực hiện trong phạm vi gia đình, không nên cúng ở chùa, đình, đền.
*Thông tin trong bài mang tính tham khảo!
Theo Du Jin (Khampha.vn)