Tránh "giờ vàng" của nhiều gia đình
Anh Vũ Long (Hà Tĩnh) cho biết, cả năm đi làm xa nên kỳ nghỉ nào anh cũng sắp xếp đưa vợ con về quê.
“Quả thật những dịp này này đi lại khó khăn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi thường chọn thời điểm thích hợp, kinh nghiệm là không đi vào những “giờ vàng” của nhiều gia đình.
Chẳng hạn như nghỉ lễ vào thứ 6 thì sáng thứ 7, khoảng 4 đến 5h là cả gia đình lên đường về Hà Tĩnh”, anh Long chia sẻ.
Nhà anh Long ở khu Linh Đàm (Hà Nội), để vượt qua cao tốc đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình (điểm đen ùn tắc) trước 5h30 sáng sẽ không mất quá nhiều thời gian.
Theo anh Long, đây là khung giờ có ít xe khách, xe cá nhân nên hầu như gia đình hiếm khi phải “chôn chân” hàng giờ đồng hồ trên cao tốc.
Tương tự, khi quay lại Thủ đô, anh Long cùng gia đình chọn ra sớm hoặc muộn hơn một ngày.
“Nhà tôi thường xuất phát ở Hà Tĩnh lúc 15h, đến Hà Nội khoảng 21-22h. Trước đây, khi gia đình chưa có xe riêng, phải đi xe khách, nếu đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lúc 15h- 20h thì xác định… chờ 3 giờ trên cao tốc. Nguyên nhân do khung giờ ấy các xe đổ về cao tốc rất đông, chẳng may xảy ra tai nạn thì ùn tắc kéo dài nhiều giờ hơn”, anh Long nói.
Nhà ở Hoài Đức, mỗi lần về Thanh Hóa vào những dịp nghỉ lễ, anh Tiến Anh thường chọn đi vào lúc 2-3h sáng.
“Lý tưởng nhất vẫn là về trước 2 ngày, lên trước 2 ngày trong kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, do công việc của hai vợ chồng đều không chủ động được thời gian nên chúng tôi chọn về sau một chút.
Cụ thể, nếu chiều thứ 6 được nghỉ thì 1h sáng hôm sau cả nhà mới lên xe. Thông thường tầm 3h sáng là về đến nhà”, anh Tiến Anh cho hay.
Hơn 20 năm sinh sống ở Hà Nội, nhiều năm về Thanh Hóa (quê anh) và Nghệ An (quê vợ), anh Tiến Anh chia sẻ, những dịp này hay tắc nhất chính là ở đoạn cao tốc, đặc biệt ở nút giao Pháp Vân- Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình (nút giao Cao Bồ).
“Vì thế, để không chịu cảnh chờ đợi, nên căn giờ từ nhà đến những điểm này. Làm sao từ Hà Nội ra đến Cao Bồ phải trước 5h sáng. Nếu từ 5h30 trở đi là sẽ tắc”, anh Tiến Anh chia sẻ.
Đi đêm cũng phải chọn giờ
Không may mắn như anh Vũ Long, Tiến Anh, chị Nguyễn Thanh Hường (quê ở Ninh Bình) vẫn chưa quên lần "chôn chân" sau đợt nghỉ lễ 2/9 vừa qua.
Nghe mọi người nói đi đêm đỡ đông nên chiều đi làm về chị Hường thong thả nấu cơm, ăn tối xong đến 21h cả nhà mới lên đường về Yên Mô (Ninh Bình).
“Bắt đầu từ đường trên cao đoạn vành đai 3, từ ngã 3 Khuất Duy Tiến lên tôi đã thấy xe đông hơn ngày thường. Đến đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ thì ôi thôi, cả hàng dài nối đuôi nhau. Tốc độ giảm xuống rõ rệt. Đến nút giao Cao Bồ thì… đứng im luôn vì trước đó có vụ va chạm”, chị Hường nhớ lại.
Vậy là hành trình về quê của gia đình chị thay vì chỉ hơn 2 giờ như thông lệ, hôm đó phải đến mất 5 giờ mới về đến nhà.
Chị Hường rút kinh nghiệm lần trở lại Hà Nội, trước khi đi đã cập nhật tình hình giao thông trên các hội nhóm. Sau đó đợi đến 11h mới xuất phát từ Yên Mô đi Hà Nội.
“Lần đó, tôi chỉ mất 1,5 giờ đã về đến Giáp Bát. Đúng là đi đêm cũng phải tính giờ. 22- 23h hoặc 1-3h sáng may ra có thể “né” được tắc đường, còn khung giờ 20-22h vẫn là “giờ vàng” mà nhiều gia đình có quê trong khoảng cách 100km lựa chọn. Mọi người vừa chủ quan vì đường gần lại nghĩ những người ở xa cũng đi sớm hết rồi, thế là…thành chen nhau”, chị Hường nói.
Ngoài yếu tố lựa chọn khung giờ xuất phát, để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra trong quá trình đi đường dài, anh Nguyễn Văn Đồng, thợ sửa ô tô cũng lưu ý, các lái xe nên kểm tra xe trước mỗi chuyến đi xa.
Theo anh Đồng, ngay cả khi xe được bảo dưỡng định kỳ đầy đủ, việc kiểm tra xe ô tô trước những chuyến đi dài vẫn là một khâu quan trọng mà người lái không nên bỏ qua.
Theo đó, người lái nên kiểm tra: Lốp, hệ thống đèn và gương, nước làm mát động cơ, hệ thống ắc quy ô tô,phan xe, các loại đèn… làm sao bảm đảm tất cả các bộ phận trên xe hoạt động bình thường, ổn định.
Theo N.Huyền (VietNamNet)