“Lần gần đây nhất tôi nói chuyện với mẹ tôi là 2 tháng trước, qua điện thoại”, chị Phương, 35 tuổi, kể. Đó là một cuộc nói chuyện không hề dễ chịu. Mẹ chị ở Hưng Yên, muốn đưa đứa cháu ruột của bà lên Hà Nội tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Chị Phương khuyên bà không nên đi bệnh viện vào thời điểm này. Khi ấy dịch cúm corona đang khởi phát tại Việt Nam.
“Tôi nghĩ là mình nói hoàn toàn bình thường, tất nhiên có lên giọng một chút. Bà không phản đối, nhưng sau đó bà vẫn đưa cháu lên, vào thẳng viện khám và về thẳng quê, không vào nhà tôi”.
Chị Phương bảo, chị không nhớ được từ lúc nào chị không còn tâm sự người mẹ ngoài 60 của mình. “Càng ngày mẹ càng khó hiểu, suy nghĩ lẩn thẩn khiến tôi mất kiên nhẫn”, chị Phương nêu những lý do khiến chị thường xuyên cáu gắt với mẹ.
Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề của riêng chị Phương với những người mẹ đã bước vào tuổi già.
Nhóm ba cô gái 22 tuổi chơi cùng nhóm Thủy - Linh - Khánh có chung một nỗi niềm mang tên “không thể ngọt ngào với mẹ”, dù mẹ của họ mới ngoài 40.
“Thời còn làm nũng mẹ, nịnh mẹ mua thứ này thứ kia cho đã qua lâu rồi. Từ khi kiếm được tiền vào năm 19 tuổi, tôi không còn phải “hạ mình” với bố mẹ nữa. Tôi tự do hơn, và cũng “hỗn” hơn trước. Có lúc buông lời không phải làm mẹ buồn, thấy mẹ im lặng tôi cũng hối hận, nhưng thói quen rồi, sửa được thật là khó”, Thủy nói.
“Tôi là người khô khan, ít bộc lộ tình cảm. Tôi yêu mẹ, nhưng để nói chuyện bình thường với mẹ thì chắc chỉ vài câu thôi. Những câu sau đó là gắt gỏng. Bởi mẹ cũng chỉ nói được bình thường vài câu. Những câu sau đó là thiếu sáng suốt rồi, cứ nhắc đi nhắc lại chuyện dậy sớm, ngủ sớm, ăn sáng, rồi mặc cái này mẹ thấy xấu, rồi làm việc này có ổn định không con, sao mẹ thấy con bé X nhà hàng xóm nó có công việc tốt lắm, lương cao mà lại nhàn, không cắm mặt vào máy tính cả ngày cả đêm như con… Bạn nghĩ bạn có thể làm gì nếu không phải là đóng sập cửa phòng lại hay gầm lên một câu?”, Linh nói.
“Mẹ tôi cũng bình thường như mọi bà mẹ khác, cũng tâm lý, chiều con. Tôi không có khúc mắc gì với mẹ. Nhưng hay “quát” mẹ thì có. Mẹ tôi cũng không phản ứng gì khi bị con “quát” nên tôi không nghĩ đó là chuyện gì nghiêm trọng. Tôi nghĩ đó là cách nói bình thường của người thân với nhau. Ví dụ như ra ngoài, khi sếp hay đồng nghiệp nói khó chịu với bạn, bạn buộc phải nín nhịn cho qua, nhưng nếu là bố mẹ, anh chị em hay bạn thân của bạn thì bạn sẽ nhảy dựng lên đúng không? Bởi vì trước họ, bạn được sống thật với cảm xúc của mình”, Khánh nói.
Từ “lên giọng một chút” đến cáu gắt, quát mắng, thậm chí là hạch sách cha mẹ đang là một vấn nạn tâm lý của người trẻ hiện đại. Có đủ lý do cho cách nói chuyện “cửa trên” đó. Do cha mẹ già lẩn thẩn, do cha mẹ quan tâm thái quá, do cha mẹ không tâm lý, do cha mẹ không hiểu chuyện, do bản thân hoàn toàn tự lập về tài chính, do “thói quen khó bỏ”, do “được quyền sống thật với cảm xúc của mình” trước cha mẹ… Và do cha mẹ không phản ứng gì!
Nghịch lý là, trên mạng internet có hàng nghìn bài viết khuyên nhủ những bậc làm cha mẹ không nên quát mắng trẻ ra sao, nên kiên nhẫn với trẻ thế nào, nhưng rất rất hiếm những bài viết dạy người trưởng thành cách ứng xử với cha mẹ họ một cách kiên nhẫn, đúng mực và không quát mắng.
Hồi năm 2014, khi vừa mới đăng quang, người đẹp Kỳ Duyên bị quay lén cảnh đang mắng bố qua điện thoại vì sắp thiếu đồ cho cô đi tập gym. Một cuộc tấn công dữ dội trên mạng xã hội đã xảy ra với Hoa hậu Việt Nam. Hay mới đây, một số chàng trai cô gái du học sinh về nước tránh dịch bị bắt gặp những lời nói xối xả dành cho bố mẹ tại khu cách ly. Nhưng “quát mắng” cha mẹ có phải thói xấu của riêng các cậu ấm cô chiêu?
Có lẽ là không đâu.
Xã hội hiện đại, con cái trở thành mối quan tâm bậc nhất của cha mẹ. Chiều con vì thế cũng là điều hiển nhiên của rất nhiều bậc phụ huynh. Trong khi cha mẹ càng thêm tuổi càng thêm sự nhẫn nại và cả nhẫn nhịn với con con cái, thì người trẻ - với sự hiểu biết rộng của mình - càng dễ đánh mất sự bình tĩnh trước cha mẹ họ, mà đôi khi chỉ vì hướng dẫn sử dụng các kênh truyền hình hay cài đặt phần mềm nào đó cho chiếc điện thoại thông minh.
Và cũng đôi khi chỉ vì sự để ý, chăm chút, bao bọc quá mức của cha mẹ, như nhắc nhở chuyện ăn ngủ, chuyện học hành, chuyện công việc, chuyện yêu đương, chuyện sức khỏe…
Nhưng, cùng lúc với thái độ cáu bẳn, khó chịu, phản ứng tức giận trước những dặn dò nhiêu khê, nhưng lo lắng lẩn thẩn của cha mẹ, kiểu “Con có phải trẻ con đâu mà bố mẹ nhắc mãi thế”, thì những người trẻ chúng ta vẫn cứ hồn nhiên để cha mẹ vào bếp nấu ăn cho chúng ta, để cha mẹ thu lượm những cái quần cái áo vứt bừa bãi trong phòng ngủ hay toilet, để cha mẹ dọn dẹp từng ngóc ngách trong nhà, để cha mẹ gọt đĩa hoa quả mát lạnh bày ra đĩa mang ra bàn gạ ta ăn, để cha mẹ cần mẫn trồng trọt chăn nuôi những thứ rau thịt tươi ngon rồi gói ghém cho ta mang về thành phố, để cha mẹ chăm sóc những đứa con của ta mà không một đồng công lao động cũng không lời cảm ơn.
Chúng ta cứ hồn nhiên đón nhận, tận hưởng những sự chăm sóc, quan tâm hợp ý với chúng ta, song song với việc hồn nhiên giận dữ, quát mắng những sự chăm sóc, quan tâm không hợp ý với chúng ta.
Còn cha mẹ, vì chúng ta, lặng lẽ nín nhịn.
Họ đã nghĩ gì khi lặng lẽ nín nhịn?
Có thể họ nghĩ chúng ta vẫn là những đứa trẻ. Chúng ta có nói năng gì sai, hành động gì sai cũng là những dại dột, ngốc nghếch, bồng bột, thơ dại. Mà cha mẹ thì có khả năng tha thứ vô hạn với những thơ dại của con cái mình.
Cũng có thể họ nghĩ chúng ta trưởng thành thật rồi, khôn hơn cha mẹ thật rồi. Chúng ta làm gì cũng đúng, nói gì cũng phải. Vì cha mẹ có khả năng ngưỡng mộ vô hạn với sự khôn ngoan của con cái mình.
Cũng có thể họ nghĩ miễn là còn được chăm sóc cho con, còn được lo lắng cho con, còn được “hầu hạ”, phục vụ con, còn được nhìn thấy con, còn được nghe con quát tháo, gắt gỏng là con vẫn đang ở trong vòng tay an toàn của mình. Con còn trong vòng tay là cuộc đời họ vẫn đang còn ý nghĩa.
Nhưng bao nhiêu yêu thương trao đi ấy lẽ nào đáng nhận về những gắt gỏng, xối xả, chỏng lỏn, cau có, quát mắng dỗi hờn?
Không chứ! Cha mẹ xứng đáng được nhận những lời ngọt ngào. Ngay cả khi một ngày nọ, bạn vừa bị sếp mắng, đồng nghiệp chơi xấu, đối tác “vỗ mặt”, bạn thân cáo bận, mà về đến nhà cha mẹ lại trách cứ “Đi đâu mà giờ này mới về”, thì thay vì “gầm lên”, bạn có thể òa khóc. Bởi trong vô số những lời nói khó chịu ấy, chỉ có lời nói của cha mẹ là sự khó chịu của tình yêu.
Bởi thế nên, sao có thể giận dữ, phũ phàng với yêu thương?
Theo HH (Trí Thức Trẻ)