Nguyên tắc ra vào chùa
- Vào chùa nên đi từ cửa bên, không đi cửa chính giữa; đồng thời không dẫm lên bậu cửa khi bước vào, phải bước qua bậu cửa, nếu không chắc chắn phạm tội bất kính. Cửa chính nhà chùa từ xưa đến nay chỉ đức Phật, Ngọc đế, quốc vương một nước mới được ra vào. Vì thế nhiều ngôi chùa ngày thường không mở cửa chính.
- Khi đi lễ chùa, bạn nên thắp hương tại đỉnh đặt bên ngoài, hạn chế thắp hương bên trong chùa vì có thể gây ảnh hưởng đến tượng Phật, pháp khí. Chỉ cắm 1 nén hương vào bát hương, nếu bát hương có hương rồi không cần cắm tiếp. Người đi chùa không cắm hương tùy tiện vào tay tượng, gốc cây, hay đồ lễ...
- Không nên chụp ảnh, quay phim tùy tiện trong chùa, đền, phủ.
- Không đứng lễ hoặc quỳ chính giữa Phật đường lễ Phật vì đó là vị trí tối cao của trụ trì, chỉ đứng lễ hoặc quỳ chếch sang bên một chút.
- Vào Phật đường, tam bảo không nên đi giày dép, nhai trầu, hút thuốc. Tam bảo là nơi tôn nghiêm, có giới hương, định hương, chân hương, đòi hỏi phải trì giới để di dưỡng thanh tịnh, tuyệt đối không gây ồn ào, hỗn tạp.
- Không nên ngắm tượng Phật như một tác phẩm nghệ thuật, trước tượng Phật nên cung kính nghiêm trang, không nhìn ngang ngó dọc, khệnh khạng trước tam bảo. Nếu muốn chiêm ngưỡng tượng Phật, nên đứng từ ngoài để quan sát.
- Không chạy qua chạy lại, nói chuyện, bình phẩm, ngồi hoặc nằm trong Phật đường. Không tùy tiện hắt hơi sổ mũi, khạc nhổ… quanh khu vực Phật điện, tam bảo. Những tội này đều bị thiêu nơi địa ngục, kẻ tu hành dù chuyên chú đến mấy cũng không chính quả.
- Sử dụng đồ của chùa như ăn uống, thụ lộc nên lưu công đức dù ít hay nhiều.
- Không để trẻ em chạy loạn tam bảo, nghịch ngợm các đồ tế khí, sờ mó tượng phật…
- Không được tùy ý làm ồn hoặc nói những lời bất kính đối với Phật, Thánh, cũng không được có thái độ thiếu cung kính như tùy tiện dùng tay chỉ trỏ vào tượng Phật.
- Khi bước đi không nên cắt ngang qua mặt những người đang quỳ lạy.
- Muốn làm lễ thì không nên quỳ phía sau những người đang đứng thắp hương.
Xưng hô thế nào cho đúng khi lễ chùa?
Vào chùa, nên dùng Phật danh "A di đà Phật" thay tên gọi để mở lời chào trụ trì và tăng ni trong chùa. Khi ra về cũng nên dùng câu này để bái biệt.
Với nhà sư thì xưng là A di đà Phật, bạch thầy… và xưng mình là con. Xưng hô như vậy tức là nhìn thấy tăng mà tưởng nhớ thầy Thích Ca Mâu Ni, mình xưng hô như vậy là đang xưng hô với Đức Thích Ca. Khi thưa gửi gì với nhà sư thì đều chắp tay hình búp sen.
Sắm sửa lễ vật
Đến chùa thì tâm thái hướng thiện là quan trọng nhất, còn lễ lạc thì có hay không cũng không quan trọng. Người xưa vẫn nói "ăn hương ăn hoa", hàm ý rằng, lễ chùa, thắp nhang, khấn Phật chỉ là những hành động mang tính biểu tượng. Thắp một nén nhang với tất cả lòng thành thì gọi đó là "tâm nhang/tâm hương".
Hoa hay quả thì đều là những lễ vật bình dị, ai cũng có thể sắm được. Tuyệt đối không được sắm sửa lễ mặn như cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt gà, giò, chả… Dâng hoa ở các đền chùa nên chọn các loại hoa thanh tao như hoa sen, hoa huệ, mẫu đơn, hoa cúc… Tránh dùng những loại hoa lạ, hoa dại. Quả chín dâng lên ban thờ tốt nhất là các loại quả như chuối, thanh long, nho, bưởi, táo, hồng, đu đủ, hồng xiêm…
Thắp nhang xong, thì hạ lễ, thụ lộc.
Theo Lily (Giadinh.net.vn)