Tết Thanh Minh, còn gọi là Tiết Thanh Minh, là ngày Lễ nhằm thể hiện bổn phận, báo hiếu của con cháu tưởng nhớ đến công lao của tổ tiên và những người thân đã khuất. Tết Thanh Minh có nguồn gốc từ Trung Hoa cổ đại, là một trong 24 tiết khí hằng năm, tính theo lịch Dương bắt đầu từ ngày 4 – 5/4 cho đến 20 – 21/4.
Từ “Thanh” có nghĩa là “trong”, còn từ “Minh” có nghĩa là “sáng”, nên Tết Thanh Minh có nghĩa là khoảng thời gian mà khí trời trong sáng, quang đãng và thanh khiết nhất. Một trong những hoạt động tiêu biểu trong Tết Thanh Minh chính là việc tảo mộ để thể hiện lòng biết ơn và bổn phận của con cháu đối với người thân đã khuất.
Theo truyền thống Trung Quốc, Tết Thanh Minh là một ngày Lễ vô cùng quan trọng, không kém gì những ngày Lễ Tết khác, và đương nhiên cũng có rất nhiều điều kiêng kị trong ngày này mà mọi người cần phải cẩn trọng.
Vào thời nhà Minh, có một người đàn ông sở hữu cơ thể cường tráng khỏe mạnh, nhưng đến một ngày bỗng cảm thấy tức ngực và khó thở liên tục. Đối với căn bệnh lạ này, gia đình không khỏi lo lắng.
Lúc này, mẹ anh đã mời một đạo sĩ, người này nói rằng con trai của bà đã khiêu khích xác sống trong Tết Thanh Minh và còn khẳng định rằng chắc chắn có tiền vàng mã trên giày. Khi người mẹ đến kiểm tra thì đúng là có tiền giấy trên giày thật.
Vị đạo sĩ yêu cầu người đàn ông nhớ lại những gì anh đã từng đi qua, từng làm. Lúc này, anh nhớ lại đã từng nói đùa với một người bạn trước một ngôi mộ trong Tết Thanh Minh. Không những thế, anh còn cười nhạo ngôi mộ của người đã khuất, và những tờ tiền vàng mã chưa kịp cháy hết ở ngôi mộ ấy đã dán vào lòng bàn chân của người đàn ông này khiến anh ta bị tức ngực.
Vị đạo sĩ sau đó đã hướng dẫn người đàn ông quỳ lạy trước mộ người đã khuất để tạ lỗi thì chứng tức ngực mới hết. Đây là câu chuyện dân gian được nhiều người lưu truyền từ đời này sang đời khác, và trở thành câu chuyện khiến người đời nhớ mãi. Nói không ngoa khi vào Tết Thanh Minh, người ta chỉ ra có 4 điều cấm kỵ lớn nhất giúp mọi người cẩn trọng để tránh những tai họa không đáng có.
Thứ nhất, tránh chơi đùa với các đồ vật có hình dáng người hoặc hình khuôn mặt
Vào thời nhà Thanh, những đồ vật có hình người hoặc hình khuôn mặt nên đặt ở những vị trí dễ thấy trong nhà, đặc biệt không dành cho những trẻ em ốm yếu. Theo lời kể dân gian, những người được cứu sống sau khi rơi xuống nước đã từng trải qua cảm giác có người kéo chân mình dưới nước. Người cổ xưa cho rằng, đó là một con ma nước chết đuối muốn tìm “ma thay thế" trước khi đầu thai. Hình dáng người hoặc hình khuôn mặt người cũng có tác dụng “thay thế” như vậy.
Thứ hai, tránh tặng giày
Trong ngôn ngữ của Trung Quốc, từ đồng âm của từ “giày" có nghĩa là “tà", vì vậy người Trung Quốc không bao giờ thích tặng giày. Đặc biệt vào Tết Thanh Minh, việc tặng giày là tương đương với việc đưa linh hồn ma quỷ ở thế giới bên kia vào nhà, và dễ kích động những tà khí, mang vào nhà những điều không may mắn.
Thứ ba, không được dùng tóc che trán
Theo người cổ đại xưa, vầng trán tượng trưng cho “đèn trời", vì vậy đây là đặc điểm luôn phải được phơi ra ngoài, không được che chắn. Nước da trên gương mặt phản ánh vận khí của người đó. Cho nên, trong dịp Tết Thanh Minh, mọi người cần làm nhiều thứ để xua đuổi tà khí, việc dùng tóc che trán sẽ khiến “đèn trời" không được tỏa sáng, rất dễ kích động tà khí, khiến cuộc sống không thuận lợi suôn sẻ.
Thứ tư, không được xem việc đi dạo nghĩa trang như một cuộc dạo chơi
Điều này thường ai cũng biết nhưng cũng không ít người phớt lờ. Trên thực tế, vào dịp Tết Thanh Minh, mọi người thường thích ra ngoài du xuân, cũng có người đến nghĩa trang để thăm tổ tiên nhưng tuyệt đối không được xem việc thăm tổ tiên, tảo mộ là việc dạo chơi. Đặc biệt, và cấm tuyệt đối việc đùa giỡn xung quanh nghĩa trang, đừng tự ý giẫm đạp xung quanh để tránh tà khí xâm nhập, tránh mang vận xui về nhà.
Theo TIẾU LƯƠNG (Pháp luật và bạn đọc)