Những điều kiêng kị trong ngày Tết Hàn thực không phải ai cũng biết

20/04/2023 09:32:00

Dân gian quan niệm ngày 3/3 Âm lịch là Tết Hàn thực. Vào ngày này, các gia chủ dâng lễ bánh trôi, bánh chay bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên.

Vào ngày 3/3 Âm lịch, các gia đình làm bánh trôi, bánh chay cúng ông bà, tổ tiên và không kiêng đốt lửa. Ở nhiều nơi, dân ta cũng làm bánh trôi bánh chay cúng thần hoàng. Những món ăn được nấu trong dịp này làm ra đều được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu một lòng hướng về tổ tiên, nguồn cội.

Theo các chuyên gia văn hoá, việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Nó thể hiện cho văn hóa lúa nước. Cả hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, thành quả lao động vất vả mới có được để dâng lên ông bà, tổ tiên.

Bên cạnh đó, bánh trôi bánh chay cũng gợi nhớ đến tích truyện “bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ”. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.

Chính vì thế, Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những đã khuất.

Tuy vậy, theo phong tục tập quán từ xa xưa, trong ngày này, gia chủ cũng cần chú ý những điều kiêng kị. Dưới đây là việc không nên làm để ngày tết Hàn thực thực sự trọn vẹn, tốt lành.

Cúng bánh trôi, bánh chay ngũ sắc

Những điều kiêng kị trong ngày Tết Hàn thực không phải ai cũng biết
Tết Hàn thực không nên bày biện bánh trôi nước ngũ sắc trên mâm cúng

Bánh trôi là món không thể thiếu trong ngày tết Hàn thực. Vào ngày ngày, nhiều gia đình còn chế biến món bánh trôi ngũ sắc để thắp hương, dâng lên tổ tiên.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu văn hóa, TS. Nguyễn Ánh Hồng, việc làm trên không đúng với ý nghĩa nguyên gốc của tết Hàn thực. Theo truyền thống, bánh trôi được làm từ bột nếp trắng tròn đầy, tinh khiết với nhân đường phèn.

Hình ảnh chiếc bánh trôi đã đi vào câu thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương. Vì thế, ngày tết Hàn thực ở Việt Nam còn được xem là một ngày tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ.

Ở làng Hát Môn (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) còn có tục lệ cúng tết Hàn Thực vào ngày 6/3 âm lịch để tưởng nhớ vị nữ anh hùng Hai Bà Trưng.

Kiêng đồ ăn mặn

Những điều kiêng kị trong ngày Tết Hàn thực không phải ai cũng biết - 1
Nên kiêng các món ăn mặn vào ngày tết Hàn thực. (Ảnh minh họa: Pexels).

Trong ngày tết Hàn thực, các gia đình thường ăn chay, kiêng ăn mặn để tránh sát sinh. Tục lệ này cũng liên quan đến tiết Thanh minh và mang ý nghĩa mong cầu cho linh hồn người đã khuất dễ dàng siêu thoát.

Nếu không có điều kiện để ăn chay thì vào ngày này, gia chủ cũng cần kiêng sát sinh trong nhà để thể hiện sự tôn kính với người đã khuất.

Kiêng lửa

Những điều kiêng kị trong ngày Tết Hàn thực không phải ai cũng biết - 2
Tại Việt Nam, việc kiêng lửa vào ngày tết Hàn thực được tượng trưng bằng việc ăn món nguội là bánh trôi và bánh chay. (Ảnh minh họa: Pexels)

Theo nghĩa chữ Hán, “hàn” là lạnh, “thực” là ăn. Tết Hàn thực là ngày Tết ăn đồ lạnh. Do đó, vào ngày này, người dân Trung Quốc thường kiêng lửa, kiêng nấu nướng mà chỉ dùng những đồ ăn nguội.

Tuy nhiên ở Việt Nam, hoạt động nấu nướng vẫn diễn ra bình thường vào tết Hàn thực. Việc kiêng lửa được tượng trưng bằng việc ăn món nguội là bánh trôi và bánh chay.

Kiêng việc bày vẽ mâm cao cỗ đầy

Vào ngày tết Hàn thực, gia chủ tuyệt đối không bày vẽ mâm cỗ cúng cầu kỳ hay đắt đỏ gây tốn kém, lãng phí.

TS Nguyễn Ánh Hồng khuyến cáo, mâm cúng ngày tết Hàn thực chỉ cần bánh trôi, bánh chay đơn giản. Gia chủ nên thành tâm khi dâng mâm cúng của mình lên tổ tiên để nguyện cầu bình an, hạnh phúc cho gia đình.

Kiêng chuyển nhà

Ngày tết Hàn thực, gia chủ cũng cần kiêng chuyển nhà. Bởi, theo quan niệm của người xưa, người thân sau khi qua đời vẫn luôn ở lại nơi mà trước khi mất họ từng ở và hiện hữu bên những người thân yêu.

Việc di chuyển nhà cửa vào ngày này có thể sẽ gây ảnh hưởng đến “vong linh” người đã khuất.

Những điều kiêng kị trong ngày Tết Hàn thực không phải ai cũng biết - 3
Ảnh minh họa

Bài cúng Tết Hàn thực theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam

Dưới đây là bài cúng Tết Hàn thực theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn hoá Thông tin):

Con lạy chín phương trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương. Con kính lạy Hoàng thiên hậu thổ, chư vị tôn thần.Con kính lạy ngài bản cảnh thành hoàng, ngài bản xứ thổ địa, ngài bản gia táo quân cùng chư vị tôn thần.

Con kính lạy cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.

Tín chủ chúng con là… , ngụ tại…

Hôm nay là ngày… (đọc ngày theo Âm lịch) gặp tiết Hàn thực, tín chủ chúng con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị tôn thần, nhớ đức cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài bản cảnh thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh thổ địa, ngài bản gia táo quân, ngũ phương, long mạch, tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ tổ khảo, tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ… (họ của gia chủ) cúi xin thương xót cho con cháu giáng về chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai âm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận, trên bảo dưới nghe.

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).

NT (SHTT)

Nổi bật