Đã có thời, giờ nghỉ trưa là dịp để các chị em dắt díu nhau đi mua sắm, nhất là những người làm việc quanh các khu phố Bà Triệu, chùa Bộc hay mạn mạn “trên phố”. Nếu không phải giờ nghỉ trưa thì cũng là cuối giờ chiều, ai nấy háo hức tất tả, chỉ chờ chuông báo hết giờ là lao nhanh vào cuộc đua mua sắm. Thời đó, nam giới ít tham gia hơn, phần vì cũng ngại…
Vài năm trở lại, những hình ảnh như vậy đã vắng bóng hơn trên các tuyến phố. Không phải vì chị em phụ nữ bớt nghiện mua sắm, chỉ là họ đã chuyển qua hình thức khác tiện lợi, dễ dàng hơn trong thời đại 4.0. Thay vì lễ mễ xách đồ, dầm mưa dãi nắng đi săn đồ sale, họ đã có Internet để thỏa sức mua đồ online. Hóa ra, những “con nghiện” mua sắm chốn văn phòng không biến mất, thậm chí sức mua còn kinh khủng hơn như câu chuyện cô gái Hà Nội mua cả 100 bộ đồ lót gây tranh cãi gần đây.
Shopping “điên cuồng”, giao hàng tới còn không nhớ mình đặt gì
“Chị em nào ở công ty mình cũng có sẵn 2 địa chỉ giao hàng hết, ban ngày đi làm thì đặt giao hàng tới công ty, tối về nhà thì sẽ giao hàng về nhà. Nhưng tối thì ít lắm, thỉnh thoảng mới giao hàng tối thôi”, chị Hương Thanh (tên nhân vật đã được thay đổi), 24 tuổi hiện đang làm nhân viên truyền thông tại một công ty chia sẻ.
Thanh không nhận mình là một người nghiện mua sắm, nhưng đang trả lời phỏng vấn dở thì xin phép cắt ngang xuống nhận một chiếc gối người ta giao hàng tối. Ngồi văn phòng nhiều, cô nói mình bị đau cổ.
Tưởng chừng như việc không ra ngoài trưa hay chiều tất tả về nhà sẽ làm chùn bước con đường mua sắm của các chị em nhưng không, Internet sinh ra để cho cánh nhân viên văn phòng thỏa cơn nghiện mua sắm. Thay vì tranh thủ 1 tiếng nghỉ ngơi quý giá, chị em giờ đây có thể mua sắm cả ngày cũng được, công ty chặn Facebook thì quay qua mua trên Shopee, Lazada, Tiki… không thiếu một kênh nào cho chị em lựa chọn.
“Có những buổi mình xuống lấy hàng hai lần, sáng một lần của bên này chiều lại của bên kia. Thậm chí giờ còn có số của mấy bạn giao hàng quen, họ nắm rõ giờ nào mình nhận là tiện nhất để mà mang tới. Điện thoại của shipper gọi tới khéo còn nhiều hơn người yêu gọi”, Hương Thanh quay lại cuộc nói chuyện.
Những người như Thanh, shipper giao hàng đôi khi còn ngớ người ra tự hỏi mình mua khi nào. Đồng nghiệp cô cũng đã quá quen với cảnh Thanh cuống cuồng vay tiền vì shipper “đánh úp”, chỗ làm việc của cô thì như đống hỗn độn, đủ loại vỏ đơn giao hàng.
Mua sắm online không những tiện vì nắng không tới mặt, mưa chẳng tới đầu mà còn rẻ, cứ đợt nào flash sale rồi săn deal - các thuật ngữ chị em văn phòng thuộc làu làu, là các group chat trong văn phòng lại rầm rộ lên, chị em chia sẻ với nhau ầm ầm. Thanh chia sẻ nhỏ rằng có những ngày cô chóng mặt vì phải xuống nhận hàng quá nhiều lần, tới mức các đồng nghiệp phàn nàn vì đi ra đi vào nhiều.
“Rồi họ cũng phải quen thôi”, Thanh nói. Hóa ra đúng thật, sau khi thấy thói quen của cô khá là khó chịu, cả phòng giờ cũng nghiện mua sắm online, cánh nam giới cũng không còn ngại ngùng khi đi tới đi lui lựa đồ. Họ cứ dán mắt vào màn hình, không phải với số má dữ liệu hay công việc, chỉ đang chờ quẹt thẻ và lẩm bẩm “đợt này lại không freeship à?”.
“Chính dân văn phòng mới là những người nghiện mua sắm, bất chấp lương không đủ ăn. Công việc đôi khi túc tắc, ngồi máy tính không biết làm gì thì chỉ có shopping thôi”, Hương Thanh than thở như thể đó là việc mình không mong muốn.
Mua đồ nơm nớp sợ bị mắng, về nhà phải giấu nhẹm chồng
Lấy hóa đơn ra khoe, Thu Hằng - nữ nhân viên văn phòng 28 tuổi tại Sài Gòn, khá “tự hào” vì chiến tích mua sắm online của mình. Có những đợt cao điểm giảm giá, ngày nào Hà cũng nhận đồ. Khác với việc đi mua sắm trực tiếp thường chỉ ghé 1-2 cửa hàng một buổi là nhiều, mua sắm online khiến nhiều người quên đi mất mình đã mua những gì vì sự đa dạng của các sản phẩm.
Kể sơ sơ ra cũng vài chục món đồ Hà từng mua một lần: sách, quần áo, giày, cốc nước, gối ngủ, chiếu văn phòng, đồ văn phòng phẩm, nước tẩy trang, mặt nạ dưỡng da, thậm chí cả cắt móng tay, dao rọc giấy. “Mua cho đủ freeship thôi ạ”, Hà thú thật.
Với những người như Hằng, chi tiêu nhiều hơn số tiền dự kiến hay mua sắm nhiều hơn nhu cầu của bản thân là điều “hết sức bình thường vì bạn bè em ai chả vậy”. Sẵn có thẻ tín dụng với hạn mức hào phóng nếu có mức lương cao, đôi khi họ cứ vung tay tiêu tiền, dù đã sales ngập trời rồi nhưng số tiền phải chi ra vẫn đáng kể. Không livestream bán hàng nào không có “chấm” với “quan tâm” của Hằng.
Mua nhiều đồ quá, Hằng toàn phải để bớt ở công ty, không dám mang nhiều về nhà vì sợ chồng mắng. Quần áo thì không dùng hết, đồ mỹ phẩm thì chất đầy bàn rồi con cái lại nghịch bôi bẩn. Góc văn phòng của Hằng chẳng khác gì một góc tủ đồ còn nguyên tem mác.
Khi được hỏi tại sao lại mua sắm nhiều như vậy dù không cần, cả Thu Hằng hay Hương Thanh đều nói rằng việc mua sắm giúp xả stress, nhiều khi cảm giác mua được món đồ yêu thích còn hạnh phúc hơn sở hữu chúng. Khác với những triệu chứng thường gặp của hội chứng “nghiện mua sắm” (Compulsive Buying Disorder – CBD), nhiều người vẫn cảm thấy “chấp nhận được” với việc mua sắm của bản thân.
“Nếu gọi “con nghiện” mua sắm một cách hài hước thì chắc là thế thật. Thực tế thì đồng nghiệp hay bạn bè mình giờ ai cũng mua sắm như vậy cả, số nào hy hữu tới mức mua 10 bộ đồ lót thì đã lên báo cả rồi. Bọn mình đôi khi cũng mua sắm khi buồn hay thất tình nhưng thậm chí lúc bình thường cũng mua nhiều nên thấy việc nghiện mua sắm cũng không quá tiêu cực. Phải đặt mình trong cảm xúc của những người hạnh phúc tột cùng khi mua được thứ mình yêu thích, bạn mới biết nó tích cực như nào”, Hằng phân trần về những vấn đề tiêu cực người ta thường nói về chứng nghiện mua sắm.
Song song với một thế hệ người trẻ thích sống tối giản, số lượng người thích mua sắm tăng rõ rệt khi các trang bán hàng trực tuyến luôn tấp nập người mua kẻ bán. Trò chuyện với Nam Hải, shipper bán thời gian cho một trang thương mại điện tử cho hay, có nhiều ngày giao hàng không xuể vì quá nhiều đơn hàng. Hải thậm chí còn thuộc tên, địa chỉ văn phòng của vài người khách quen, lưu cả tên trong danh bạ điện thoại: chị Trang Hapulico, Shopee chị Lan, Tiki chị Mai TX… Các chị Trang, Lan, Mai chỉ là vài ba trong số rất đông đảo dân văn phòng đam mê với việc mua sắm. Nói về việc hạch toán chi tiêu, Hà chia sẻ.
“Thực ra mình tiêu nhiều là vì kiếm được nhiều. Nếu có những nhu cầu cấp bách như mua nhà, du lịch hay công việc quan trọng, chắc chắn mình cũng sẽ cắt chi tiêu đi mà thôi”.
Không phải ai cũng có đủ tiềm lực tài chính như Hà khi rất nhiều cô nàng cứ cuối tháng là lại lên Facebook kêu gào vì vung tiền quá trán mà lương thì mãi chưa về. Điều nhiều người e ngại nhất là mua sắm văn phòng cũng lây lan - thấy người này mua mà mình không mua cũng không đành lòng. Đi kèm với sự tiện lợi, những mức giá nhiều khi “rẻ như cho” và trào lưu mua sắm trong giới văn phòng là rất nhiều vấn đề mà có lẽ Hương Thanh hay Thu Hằng vẫn chưa nhìn thấy được hiện tại và sau này.
Theo Minh Đức (Trí Thức Trẻ)