Những ngày qua, liên tiếp nhiều đứa trẻ trở thành nạn nhân của những "người lớn độc ác". Từ đứa trẻ mới 1 tháng 17 ngày tuổi bị người giúp việc rình lúc cha mẹ bé đi đón con lớn đã đánh đập, hành hạ một cách tàn bạo.
Một đứa trẻ sơ sinh 20 ngày tuổi đang ở trong nhà cùng bố với bà nội mà cũng bị hai kẻ bịt mặt lao vào giật đi rồi giết vứt xác cách nhà 10 km. Nhiều đứa trẻ tại một trường mầm non ở TP.HCM thì bị chủ nhà trẻ cùng hai cô giáo dùng đủ mọi vật dụng đánh đập, bạo hành trong một thời gian dài. Và cả đứa trẻ mới 6 tuổi đi mua đồ ngoài đường cũng bị một dân phòng đâm chết không rõ lý do.
Mỗi ngày mở báo ra, nhiều bậc cha mẹ chỉ muốn nghỉ làm để ở nhà bảo vệ con mình. Trời ơi, liệu có ai đó trả lời giùm tôi điều tồi tệ gì đang xảy ra vậy không?
Có người nói lỗi là ở báo chí chỉ chăm chăm khoét vào nỗi lo sợ của các bậc cha mẹ, đưa tin giật gân. Chỉ là chuyện vài đứa trẻ trong vài triệu đứa trẻ. Ở đâu và lúc nào chẳng có, đâu phải chỉ mấy ngày qua hay chỉ ở Việt Nam mình.
Tôi không biết "báo chí câu view" mà tôi chỉ biết rằng báo chí đang bám sát, gây sức ép mạnh mẽ đến hệ thống chính quyền sở tại - nơi để xảy ra sự vụ - để họ buộc phải vào cuộc gay gắt, nhanh chóng. Để những vị cán bộ đừng lơ là trong công tác quản lý địa bàn nữa. Để các vị ấy phải liên tục xuống các cơ sở, kiểm tra các cơ sở. Và như vụ án bạo hành trẻ ở trường Mầm Xanh - phải truy cho ra nếu có dấu hiệu bảo kê, đỡ đầu.
Và cũng từ những bài báo ấy "câu" sự để tâm của cha mẹ với con cái của mình. Rằng mỗi ngày đón con về, cha mẹ phải để mắt đến những thay đổi của con. Đừng lơ đễnh với con. Hãy dành thời gian lắng nghe con mình nhiều hơn.
Và còn những câu hỏi lớn hơn nữa: Trách nhiệm của các doanh nghiệp lớn khi mà công nhân của họ phải gửi con ở các nhà trẻ thiếu thốn cơ sở vật chất, không đảm bảo an toàn để tận lực làm việc cho doanh nghiệp ấy. Các doanh nghiệp ấy nghĩ gì? Hay họ chỉ nghĩ đến việc kinh doanh của mình, năng suất lao động của công nhân còn đời sống của công nhân ra sao thì thây kệ?
Đặc biệt là với trách nhiệm quản lý các cơ sở trông giữ trẻ tại các địa bàn để xảy ra sự vụ, có vị nào đủ lòng tự trọng xin nghỉ việc vì đã không quản lý được các cơ sở trông giữ trẻ trong địa bàn của mình? Hay các vị đều "bàng hoàng", "giận dữ" rồi xử các cơ sở, giải tán các cơ sở ấy là phủi tay xong chuyện?
Liệu rằng luật pháp đã đủ nghiêm khắc để mỗi bảo mẫu khi vung roi lên phải nghĩ đến việc đi tù chưa? Hay cần dán poster trong tất cả các cơ sở trông giữ trẻ để nhắc nhở việc đánh trẻ mà bị phát hiện sẽ bị đi tù bao năm?
Những ngày qua quả thực là liên tiếp những "đòn tra tấn tinh thần" đánh vào các bậc làm cha, làm mẹ. Tôi chẳng khuyên các cha, các mẹ đừng đọc báo nữa, trái lại là càng phải đọc, càng nên share về Facebook nhà mình để bày tỏ thái độ.
Tôi vẫn tin vào sức mạnh lan tỏa của mạng xã hội. Tôi tin vào việc vòng tròn lan tỏa từ Facebook của mỗi người đủ mạnh để tạo ra môi trường an toàn. Như vòng tròn vẽ bằng gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không bảo vệ Đường Tăng vậy. Khi bạn bày tỏ thái độ phẫn nộ với những cái ác, cái xấu thì ít nhất những người thuộc vòng tròn lan toả ấy từ bạn sẽ thêm những nhận thức để nói không với cái xấu, cái ác. Hoặc chí ít, nó khiến cho những kẻ có ý định ác sẽ phải chùn tay vì sợ mình sẽ thành "tiêu điểm nóng" của mạng xã hội.
Bản án của pháp luật còn có thời hạn. Bản án của dư luận thì không có thời hạn. Nó giống như khi tôi chia sẻ nhiều về những kẻ ấu dâm bị trừng trị thì có nghĩa là nó thay cho một thông điệp rằng nếu kẻ nào động chạm đến con tôi, kẻ đó sẽ bị trừng trị.
Chúng ta phải tạo ra môi trường, xây dựng ra nhiều hơn nữa những vòng tròn lan tỏa ấy để không chỉ 64 triệu người Việt đang có Facebook biết mà còn phải là cả những bà bán nước, ông đạp xích lô cũng biết. Để không bao giờ xảy ra cái gọi là "do dân trí thấp, thiếu hiểu biết mà phạm tội".
Những bậc làm cha, làm mẹ đừng sợ hãi, đừng co cụm và cũng đừng muốn bỏ việc ở nhà trông con. Chúng ta sợ cái ác đến chừng nào nữa? Chúng ta co đầu rụt cổ trốn trong mai rùa đến bao giờ nữa? Chúng ta bảo vệ con mình và mặc kệ con hàng xóm ư? Chúng ta sợ hãi là chúng ta đang cho phép những kẻ xấu được phép hành động.
Nó giống như tôi đã từng viết trong cuốn "30 ngày cùng con học hiểu về chống xâm hại", rằng đừng dạy con sợ hãi kẻ xấu. Hãy dạy con rằng con không sai khi phản ứng lại kẻ đang gây ra sự khó chịu với con. Hãy dạy con biết phản ứng thay vì bảo bọc trẻ, khiến trẻ yên tâm rằng lúc nào cũng có bố mẹ lo hết cho cả rồi.
Đừng sợ hãi nữa! Sợ hãi cũng là một đặc tính dễ lây lan. Đừng lây lan nỗi sợ hãi ấy cho con mình. Một phụ huynh mạnh mẽ sẽ có những đứa con mạnh mẽ. Hãy mạnh mẽ vì chính con cái của mình.
Bởi tôi biết với nhiều người, đặc biệt là các cha mẹ đã có con, nỗi lo lắng cho con nhiều khi lớn hơn cả sự tỉnh táo, che phủ hết cả trí não của cha mẹ. Nên trẻ mới bị cảm cúm mà nhiều cha mẹ đã lạm dụng cả thuốc kháng sinh. Nên trẻ mới bị ngã, nhiều cha mẹ đã đau thắt cả tim mình. Thậm chí nhiều người mẹ lo con mình vớ phải gã chồng không ra gì dù con gái của mẹ mới học lớp 5, lớp 6… như vợ tôi, mẹ của 2 cô con gái và 1 cậu con trai của tôi.
Khi ta càng yêu thương một ai đó, tự nhiên càng thành sợ hãi những u minh xảy ra với người ta yêu thương. Tôi sẽ chỉ khuyên các bậc cha mẹ đừng sợ hãi nữa vậy thôi. Là đủ! Hãy làm tất cả những gì bạn cho là tốt nhất, bạn làm được cho con bạn và cho cả những đứa trẻ ngoài kia. Bởi mỗi đứa trẻ ngoài kia chính là những người lớn mai này sẽ sống cùng con bạn. Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai là vậy mà!
Theo Hoàng Anh Tú (Trí Thức Trẻ)