Nhọc nhằn phận người mưu sinh trong giá lạnh

10/12/2017 20:42:00

Trời đông, từng cơn gió lạnh buốt tràn qua hè phố Hà Nội. Len lỏi các tuyến đường của Thủ đô, những phận người mưu sinh vẫn lầm lũi, nhẫn nại bất chấp cái lạnh thấu xương. Còn không đầy một tháng nữa là hết năm, bao dự định còn dở dang vậy nên những “thân cò” vẫn phải lặn lội trong giá rét...

Không ngại rét chỉ mong đắt hàng

Hà Nội đang trong đợt gió lạnh cuối năm, có đêm thời tiết chỉ hơn 10 độ C, chúng tôi bắt gặp những hình ảnh gấp gáp của một gia đình làm nghề đánh giày. Đó là vợ chồng anh Hoàng Trung Tú và chị Phạm Thị Oanh quê gốc ở Trực Ninh, Nam Định. Vợ chồng anh Tú cùng đứa con trai nhỏ tha hương kiếm sống tại Hà Nội nhiều năm nay.

Cậu con trai nhỏ tên Quang môi xám ngắt vì lạnh nhưng lúc nào cũng líu lo nói cười, lon ton cầm đôi dép chạy khắp mấy quán café vỉa hè đường Kim Giang, mời khách đánh giày. Được đôi nào lại mang về cho bố mẹ, cả nhà mỗi người một chiếc, giày đánh xong lại mang trả cho khách.

Cũng như bao thợ đánh giày khác hành nghề tại thành phố này, vợ chồng anh Tú mỗi người một chiếc làn đỏ đựng đồ nghề, suốt ngày “đánh bóng” những vỉa hè Hà Nội. Bàn tay thoăn thoắt của anh chị đã chăm sóc không biết bao nhiêu đôi giày cho khách. Vào những ngày đông này, đôi tay anh Tú ửng đỏ lên vì buốt lạnh, từng ngón tay run run cầm bàn chải thoăn thoắt “làm đẹp” cho những chiếc giày qua đường.

Anh Tú cười tươi: “Mưa vài ngày, hanh khô trở lại sẽ đông khách hơn. Trời rét người ta đi giày nhiều hơn nên anh thích mùa đông hơn”. Cả ngày cặm cụi làm việc, hôm nào “đỏ” anh đánh được “vài chục đôi”. Mỗi đôi giày sau khi đánh xong thu về 10.000 đồng, nếu may mắn gặp khách “sộp” thì còn được thưởng thêm. “Có đêm sau khi cơm nước xong, vợ chồng móc ví đếm tiền ngày hôm đó được hơn nửa triệu đồng. Nhưng tiền đó bù cho bữa ít, tiền ăn, tiền nhà, tiền học gửi về cho con gái đầu ở quê, tiền thuốc thang khi lăn ra ốm… thế là hết”.

Nơi đôi vợ chồng này trú chân hằng đêm là một căn phòng nằm sâu trong ngõ nhỏ khu vực Trần Khát Chân. Đó là nơi sinh hoạt của 6 người trong gia đình lớn của anh. Ngoài vợ chồng và đứa con trai còn có 3 người anh em họ hàng của anh Tú. Bốn chiếc giường chiếm phần lớn diện tích của phòng, xung quanh quần áo treo kín tường, mọi vị trí đều được tận dụng tối đa để đặt những đồ dùng cần thiết. Trong khoảng không gian chật chội, chỉ hít thở thôi cũng thấy khó khăn, thế nhưng tất cả họ vẫn chung sống qua ngày. Anh Tú đưa mắt nhìn xa xăm nhẩm tính: “Mình ra Hà Nội đánh giày từ năm 2009, sống chật thành quen. Có chỗ ở như thế là tử tế lắm rồi. Ở chung với người nhà nên cũng chẳng có gì bất tiện. Nhiều khi thấy càng chật càng ấm cúng”.

Những người dậy trước thành phố

Nhọc nhằn phận người mưu sinh trong giá lạnh
Những chuyến hàng trong giá lạnh. Ảnh: HP

Đối diện góc phía Tây Bắc Bến xe Nước Ngầm, cánh chạy xe chở hàng ở cuối đường Linh Đường (Linh Đàm, Hoàng Mai) khởi đầu ngày làm việc từ lúc 4 giờ 30 bằng cách đốt đống lửa to cùng sưởi ấm. Ông Nguyễn Văn Hoan, quê ở Phú Xuyên, năm nay ngoài 50 tuổi cho biết ông thường tỉnh dậy từ 3 giờ sáng, tự nấu đồ ăn sáng rồi ra đường. Công việc của ông Hoan là chờ hàng hóa từ những chuyến xe sáng cập bến Nước Ngầm để chở vào thành phố. Xuýt xoa trong cái lạnh buổi sớm, ông Hoan khoe: “Suốt từ hôm trời trở rét đậm tuần trước đến nay, mình chưa bỏ buổi nào”. Ông cùng mấy người đồng nghiệp đang kiếm củi đốt lửa sưởi ấm. Người chạy xe ba gác còn cất công đi tìm được cả xe củi về để anh em “giữ nhiệt”. Đống lửa mỗi lúc lại được chất thêm củi, khói bay mù mịt khiến cánh xe ôm cứ phải thay đổi chỗ ngồi liên tục. Ông Hoan tâm sự, cuộc sống mưu sinh cứ cuốn con người ta vào vòng xoáy chẳng thể dừng lại được bất chấp thời tiết khắc nghiệt: “Ai chẳng muốn ngủ muộn. Nhất là hôm trời vừa mưa vừa rét, chỉ muốn ngủ luôn, nhưng cái nghề chở hàng này chỉ kiếm ăn đầu giờ sáng là chính nên phải chịu khó”.

Trời chưa sáng, những chiếc xe máy chất rau cao quá đầu người do người dân xã Vân Tảo, huyện Thường Tín vẫn cứ nối nhau vào nội thành. Chiếc xe máy chao đảo trước những đợt gió bấc ngược chiều. Anh Linh, người thồ rau cho biết để vào đến điểm chợ đầu mối Ngã Tư Sở phải trải qua hành trình 20 km. Chợ sớm Ngã Tư Sở là nơi tập kết hàng của những chuyến xe rau này. Người mua, người bán vẫn tấp nập dưới cái giá rét đầu đông. Môi ai cũng tím bầm, đôi bàn tay chai sạn run lên từng đợt. Cố gắng gấp lại sấp tiền lẻ, anh Linh tỏ ra hào hứng: “Hôm nay trở lạnh nên người ta mua sỉ, loáng cái hết veo”.

Chị Hoa (55 tuổi) ở Kim Chung, huyện Đông Anh. Khoác tấm áo mưa cũ ròng ròng nước mưa đứng bên góc phố Trần Hưng Đạo, chị Hoa cứ nhấp nhổm người cho đỡ lạnh bên chiếc xe đạp cọc cạch chất đầy hoa lấy từ chợ Quảng Bá về. Khi chúng tôi hỏi chuyện, chị vừa nói vừa run: “Rét thế này mặc áo mưa đỡ gió. Mọi hôm mình về nghỉ rồi nhưng mai là ngày rằm, nán lại bán thêm giỏ hoa cúc”. Chị Hoa cho biết, những người bán hoa dạo như chị thường phải dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị hàng, rồi gần 5 giờ bắt đầu đạp xe từ Quảng Bá vào các phố rao bán hoa cho kịp chợ sáng của khách. Rồi cứ thể cả ngày rong ruổi trên đường. “Lúc nào đói thì bữa trưa là bát bún dọc đường lúc đó thôi. Tôi chỉ dám ăn mấy món vừa túi tiền”, chị Hoa chia sẻ.

Những ngày đông giá cuối năm qua đi, cứ thế khi thành phố chưa thức giấc, họ đã phải lao ra đường mưu sinh, hoặc lặn lội tới khi sang canh chuyển về sáng bất chấp giá lạnh.

Anh Tú ước: “Rét kệ rét, chỉ mong vợ chồng có nhiều khách đánh giày mà tiết kiệm chút tiền trang trải cuộc sống”. Với gia đình anh Tú, hạnh phúc của họ chẳng liên quan đến việc cần có một khoảng không gian riêng, với họ chỉ đơn giản là kiếm ăn đủ sống là niềm vui lớn lắm rồi.

Theo Hà Phương (Giadinh.net.vn)