Danh thủ mưu sinh trái nghề

25/05/2017 08:04:00

Ngoài số ít được đội bóng giữ lại làm công tác huấn luyện, phần lớn cầu thủ bóng đá sau khi giải nghệ rất vất vả mưu sinh để kiếm sống. Đỗ Khải, Vũ Minh Hiếu, Lê Đức Anh Tuấn, Văn Quyến và nhiều danh thủ khác cùng chung cảnh ngộ.

Ngoài số ít được đội bóng giữ lại làm công tác huấn luyện, phần lớn cầu thủ bóng đá sau khi giải nghệ rất vất vả mưu sinh để kiếm sống. Đỗ Khải, Vũ Minh Hiếu, Lê Đức Anh Tuấn, Văn Quyến và nhiều danh thủ khác cùng chung cảnh ngộ.

"Lá chắn thép" số 1 Đông Nam Á

"Khi mới giải nghệ, nhớ sân cỏ da diết nhưng để nuôi gia đình, tôi nén lòng lao vào thử thách ở một công việc mới không liên quan gì đến bóng đá: nhân viên hải quan. Thoáng chốc đã 16 năm làm trái nghề rồi!" - cựu danh thủ Đỗ Khải tâm sự.

Đầu những năm 1990, những đội bóng như Cảng Sài Gòn, Hải quan, Công an TP HCM xuất hiện lứa cầu thủ trẻ thế hệ "7X đời đầu" đầy chất lượng. Đỗ Khải là một trong những nhân tố như thế, cùng với Trần Minh Chiến, Lê Huỳnh Đức, Võ Hoàng Bửu, Nguyễn Phúc Nguyên Chương, Hứa Hiền Vinh…

Chơi vị trí libero ở hàng phòng ngự, Đỗ Khải với những pha xử lý tình huống thông minh, tranh cướp bóng hợp lý nhưng không thô bạo nên được giới chuyên môn đánh giá rất cao, còn người hâm mộ vô cùng yêu mến. Bên cạnh đó, anh còn được chú ý nhiều hơn khi là con trai của cựu danh thủ Đỗ Cẩu lừng lẫy của bóng đá Sài Gòn.

Danh thủ mưu sinh trái nghề - Ảnh 1.

Đỗ Khải thời còn khoác áo tuyển Việt Nam và hiện là nhân viên giám sát hải quan ở cảng Sài Gòn Ảnh: Nhân Nguyễn

Danh thủ mưu sinh trái nghề - Ảnh 2.

Hai trung vệ bóng đá nổi tiếng một thời Đỗ Khải và Lưu Ngọc Hùng có dịp gặp nhau trong một bữa tiệc. Ảnh: Minh Ngọc

Vào đội tuyển năm 1994, lúc mới 20 tuổi nhưng phải đến Tiger Cup 1996, Đỗ Khải mới nổi lên và trở thành một chốt chặn quan trọng trong hàng phòng thủ của tuyển Việt Nam. Đặc biệt, tại SEA Games 20, năm 1999, cái tên Đỗ Khải hợp cùng Trần Công Minh, Nguyễn Đức Thắng, Phạm Như Thuần, Mai Tiến Dũng biến hàng phòng ngự tuyển Việt Nam thành "lá chắn thép" số 1 Đông Nam Á. Đỗ Khải chia sẻ: "Nếu kể về những kỷ niệm đã qua, có lẽ nói cả ngày không hết. Tất cả giờ đều là những kỷ niệm mà tôi luôn gìn giữ, trân trọng trong trái tim mình".

Đúng lúc phong độ đang ở đỉnh cao nhất, Đỗ Khải bất ngờ dính chấn thương dây chằng gối. Ở tuổi 27, thật không dễ dàng để anh nói lời chia tay sự nghiệp. Nhưng cũng giống như Trần Minh Chiến, trình độ y học thể thao của Việt Nam thời điểm đó không thể cứu cái đầu gối của Đỗ Khải. "Muốn mổ phải ra nước ngoài nhưng kinh phí lại là cả một vấn đề nên tôi đành chia tay sân cỏ. Đấy là giai đoạn rất khó khăn trong cuộc đời của tôi. Sau này gặp lại tôi, danh thủ Kiatisuk từng nói: "Đỗ Khải là lá chắn thép mà tôi ngại nhất trong sự nghiệp", nghe cũng được an ủi phần nào!" - Đỗ Khải trải lòng.

Từ sân cỏ sang "bàn giấy"

Đỗ Khải giải nghệ năm 2001, thời điểm mà đời sống cầu thủ và giới VĐV thể thao Việt Nam nói chung vẫn còn rất vất vả. Lúc nghỉ thi đấu, vợ chồng Đỗ Khải đang chuẩn bị đón đứa con thứ 2 sắp chào đời nên càng khốn khó trăm bề. Vì vậy, khi được đơn vị chủ quản bố trí công việc "bàn giấy" bên ngành hải quan, dù bắt buộc phải chia tay hẳn với bóng đá nhưng Đỗ Khải lập tức gật đầu. Đó là chiếc phao giúp anh có thể lo cho cuộc sống gia đình.

16 năm chia tay sân cỏ và gần như biến mất khỏi đời sống bóng đá, cái tên Đỗ Khải giống như một huyền thoại khiến nhiều người hâm mộ hay đồn "thấy Đỗ Khải chạy xe máy đi giao văn thư" hay lúc thì "thấy Đỗ Khải xách giày đi đá phủi". Có người hâm mộ còn khẳng định "đi làm thủ tục nhập hàng ở cảng, có gặp Đỗ Khải ngồi đóng dấu công văn"... Cựu danh thủ CLB Hải quan bật cười: "Họ đều nói đúng! 16 năm kể từ ngày tôi chuyển sang công tác bên ngành hải quan, cũng hoán đổi nhiều phòng ban rồi. Tôi mới chuyển từ Hải quan bên cảng Tân Thuận sang cảng Sài Gòn với vai trò giám sát. Thời gian đầu, tôi rất bỡ ngỡ nhưng giờ thì quen rồi".

Sau ngần ấy năm cố gắng làm lụng, gây dựng, vợ chồng cựu danh thủ Đỗ Khải đã có một mái nhà khang trang ở quận Phú Nhuận, TP HCM. Hưởng nhiều vinh quang nhưng cũng không ít cay đắng nghiệp cầu thủ nên Đỗ Khải không muốn 2 con trai theo nghiệp cha dù gia đình là "nhà nòi thể thao". Chị Thái Phạm Thanh Hằng, vợ Đỗ Khải, là cháu vợ của cựu danh thủ Trương Văn Dưỡng, hiện công tác bên ngành sư phạm. Cũng như chồng, chị muốn hướng cho con theo việc học hành thay vì theo nghiệp cầu thủ như cha.

"Con lớn nhà tôi đã 19 tuổi, còn cậu nhỏ 15. Bọn nhỏ bây giờ học hành nhiều quá nên không có thời gian chơi bóng. Tuy nhiên, tôi cũng muốn hướng con vào việc học để sau này có công việc ổn định, chứ không mong nó theo nghiệp cầu thủ của ông và ba nó trước đây bởi thực tế nghề bóng đá ở ta nó tàn nhẫn và bạc bẽo lắm!" - cựu danh thủ Đỗ Khải ưu tư. 

Dạy bóng đá cho trẻ nhỏ

Đỗ Khải cho biết thỉnh thoảng anh vẫn gặp những đồng đội cũ ở CLB Hải quan để ôn lại kỷ niệm xưa. Những ngày cuối tuần, anh còn xách giày ra sân bóng cùng một số thân hữu nhằm rèn sức khỏe. "Lớn tuổi rồi không chơi thể thao rất dễ sinh bệnh tật" - cựu danh thủ này chia sẻ. Ngoài ra, Đỗ Khải còn là thành viên có tiếng của hội chơi chim cảnh ở TP HCM.

Mới đây, nhận lời bạn bè, Đỗ Khải mở thêm lớp dạy bóng đá cho các trẻ em tuổi từ 11-15 vào các dịp hè. "Tôi không có tham vọng đào tạo ra những cầu thủ chuyên nghiệp, chỉ dạy cho các em biết kỹ năng chơi bóng theo kiểu vui là chính, rèn luyện sức khỏe" - Đỗ Khải tâm sự.

Theo Anh Dũng (Nld.com.vn)

Nổi bật