Từ sau ngày chủ nhật ấy, đêm nào cô Minh cũng thoáng thấy cái Trân (tên các nhân vật đã thay đổi - PV) lặng lẽ đi lại trong nhà, rửa đống chén dĩa trước khi đi học. Con bé vốn ăn rất ít, chỉ chừng một lần xới cơm. Nó mặc chiếc quần vải, áo hoa, cắt tóc ngang vai, không thích nhuộm màu, thường buộc gọn lại sau gáy.
Cô nhớ mình chở Trân tới trường bằng chiếc xe Honda cũ. Tại sao cuối tuần con bé cũng tới trường? Cô Minh thắc mắc. Chắc cái ngành của nó phải thực hành nhiều. Cô tự giải đáp. Cảm giác có mẹ, có con thật dễ chịu. Cô không còn cảm giác đau đớn nữa, mọi thứ thật thanh bình.
Trân sinh năm 1998, vừa tròn 20 tuổi.
Chiều hôm đó, chủ nhật, ngày 4/3, vài tiếng sau khi tạm biệt mẹ, con gái cô được tìm thấy tử vong trong sân trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Qua điều tra bước đầu, cơ quan chức năng nhận định nạn nhân tự tử vì trầm cảm.
Giữa căn phòng khách gần như không có một đồ đạc gì, bàn thờ Chúa được dựng lên để mọi người đến viếng Trân. Linh cữu của em đặt giữa nhà, trước bức di ảnh là đôi bình hoa cắm những bông huệ trắng. Gần đó là bức trướng có hình chúa Giêsu bị đóng đinh câu rút trên cây thánh giá và dòng chữ “Lạy Chúa, xin nhớ đến con trong nước Chúa”.
- Họ nói con tôi nhảy lầu. Sáng tôi chở con đi học, tối tôi nhận xác nó về.
Cô Minh, như nhiều người mẹ khác của hàng nghìn gia đình nghèo ở Sài Gòn, không thực sự hiểu "trầm cảm" là gì. Cô nghĩ đó là buồn. Mà buồn thì có thể vui lên, chứ sao lại phải nhảy lầu?
- Nó vốn ít nói, không thích nơi đông đúc, chẳng mấy khi ra ngoài chơi, chỉ thích ở nhà đọc sách báo, ngày ngày theo tôi dọn hàng ra chợ, người mẹ mới chỉ hơn 50 tuổi nhưng có gương mặt khắc khổ như gầy xọp đi sau biến cố, kể lại.
Ngôi nhà nhỏ trên đường Đoàn Văn Bơ (quận 4) mấy hôm nay xôn xao người ra người vào. Không ai tin được sự thật cô cháu gái hiền lành ít nói đã qua đời. Nỗi đau buồn nặng nề, cộng thêm cái nắng gắt chói chang của mùa khô Sài Gòn càng khiến không gian thêm nóng bức, khó chịu.
- Họ, cô Minh nói về mấy người hàng xóm, chỉ nhà tôi rồi bảo: Con gái nhà đó tự tử, chắc ba mẹ không biết dạy. Có người nói chúng tôi ép uổng gì con nhỏ. Tụi người trên mạng còn bảo con tôi bị bạn trai bỏ.
Người mẹ níu tay phóng viên, kể, nước mắt rơi lã chã. Tiếng nức nở xen lẫn giọng nói uất ức. Sự trống rỗng hiện lên trong ánh mắt bà.
- Đau đớn lắm cô ơi. Con nhỏ đâu có nói gì nhiều. Giờ nó chết mà không có gì trăng trối. Đồ đạc để lại cũng chỉ có vài bộ đồ với mấy cuốn tập.
Tiếng khóc của người nhà Trân to dần. Những người phụ nữ bám vào nhau nửa đứng, nửa ngồi bên cạnh quan tài của cô cháu gái. Trước cửa nhà, cây cối được quấn băng vải trắng. Cô Minh giải thích, nếu không đeo tang cho cây, chúng sẽ héo và chết đi theo chủ.
Hôm nay, gia đình làm Thánh lễ An táng cho cô gái 20 tuổi tại nhà thờ. Trân sẽ được hỏa táng tại Đa Phước.
"Nếu bạn có vợ hoặc chồng qua đời, bạn được gọi là người góa. Khi cha mẹ bạn ra đi, bạn là trẻ mồ côi. Nhưng không có danh từ nào cho bạn khi con bạn chết. Không một từ vựng nào như vậy tồn tại. Điều ấy quá khủng khiếp để gọi tên", nhà tâm lý học Ann G. Smolen miêu tả nỗi đau mất con trong một cuốn sách của mình.
Nhưng có lẽ cả nhà khoa học này cũng không thể thấu hiểu được tâm trạng của cô Minh.
Không ai có thể.
Đầu năm 2018, N. (18 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp) được phát hiện chết trong tư thế treo cổ trong phòng trọ ở đường D10 (phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, Bình Dương).
Theo chia sẻ, trước khi qua đời, cô và bạn trai có lời qua tiếng lại. Sau đó, chàng trai bỏ đi. Khi quay lại, phát hiện N. đã chết, anh liền hô hoán hàng xóm đến hiện trường và báo cho cơ quan chức năng.
Ngay sau Tết Nguyên Đán 2018, người thân phát hiện V., 18 tuổi (huyện Bắc Hà, Lào Cai) tử vong trong gian bếp. Nguyên nhân ban đầu được xác định là chuyện tình cảm.
Cô gái trước khi qua đời có tình cảm với một thanh niên cùng tỉnh nhưng sau đó chia tay. Gần đây, người này sắp lấy vợ và sang nhà cô mời ăn cưới. Sau khi sự cố xảy ra, gia đình nạn nhân đã từ chối khám nghiệm tử thi và mai táng theo phong tục địa phương.
Đêm 27/2, M., 25 tuổi, công nhân thủy sản tại khu công nghiệp An Nghiệp (Sóc Trăng) uống thuốc độc tự tử. Trước đó, anh có quan hệ tình cảm với một nữ sinh lớp 9 nhưng bị gia đình ngăn cấm.
Trong khi bạn trai đang được gia đình đưa đi hỏa táng, cô gái chạy xe máy lên cầu Mỹ Thanh (cách nhà gần 30 km) rồi gieo mình xuống sông.
Chiều 4/3, thi thể H., 19 tuổi, (ngụ tại Bình Dương) người đã nhảy cầu tự vẫn trước đó được phát hiện nổi trên mặt nước.
Cách đó vài ngày, khi đang đi bộ cùng 2 người em trên cầu Phú Long (thị xã Thuận An, Bình Dương), cô gái trẻ bất ngờ leo lên thành cầu và nhảy xuống dòng nước xiết trước sự bàng hoàng của các em và nhiều người đi đường.
Theo lời chia sẻ của người thân nạn nhân, trước sự việc đau lòng vài ngày, cô có than thở với người chị họ về việc đi làm lương tháng được khoảng 6 triệu đồng nhưng bị tịch thu, chỉ cho 200.000 đồng, không đủ trang trải, chi tiêu. Vì vậy H. không thiết sống, muốn tìm đến cái chết để được thoải mái.
Chỉ trong vài tháng đầu năm 2018, hàng loạt cái chết thương tâm của các bạn trẻ đã xảy ra, để lại sự đau thương, xót xa, và cả bàng hoàng, hoang mang trong dư luận về vấn đề tâm lý, suy nghĩ của giới trẻ.
Nhảy cầu tự tử, gieo mình xuống sông tự tử, treo cổ tự tử, tự tử vì bị ngăn cấm tình yêu... trở thành những từ khóa thường xuyên xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Từ bao giờ, "chuyện tự tử” lại trở cách để giải quyết mọi vấn đề và được nhiều bạn trẻ lựa chọn đến như vậy.
Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, PGS.TS Cao Tiến Đức thông tin một năm, tại Việt Nam, số người tự tử do trầm cảm lên đến gần 40.000.
Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, thống kê trung bình mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân, nhiều em chỉ 15-16 tuổi.
Sang chấn tâm lý tuổi dậy thì, những khó khăn của các mối quan hệ khác phái, sự va chạm ngoài xã hội, hoặc rắc rối của giai đoạn giao thời giữa "trẻ con" và "người lớn"... mà không biết cách xử lý, hoặc không tìm được nơi chia sẻ, cũng trở thành lý do để nhiều em trầm cảm, tìm đến tự tử để giải quyết các bế tắc.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung, tự tử để giải quyết mọi vấn đề là một cái nhìn tiêu cực của nhiều người trẻ. Suy nghĩ "chết là hết", nhưng chỉ "hết" với cuộc sống của họ, còn vấn đề vẫn ở đó, những nỗi oan không được chủ nhân tự giải thích, chưa kể với tổn thương, sang chấn của người thân.
Tìm đến cái chết thể hiện sự cô độc, tuyệt vọng khi không có khả năng, không thể tìm được sự giúp đỡ. Cũng không ít bạn tự tử vì "suy nhược bản lĩnh sống".
"Có nhiều trường hợp bị dồn ép tới mức cho rằng chết là cách duy nhất để giải quyết vấn đề. Họ, những người trẻ ấy, vô cùng đáng thương", thạc sĩ Nhung chia sẻ.
Cô cho rằng người trẻ ngày nay rất năng động, giỏi giang nhưng đồng thời nhận sự tác động đa chiều của xã hội nên khi gặp một vấn đề cũng rất dễ suy sụp, tinh thần bị ảnh hưởng, nhận thức giá trị bản thân bị đảo lộn.
Người trẻ tuổi thường xuyên phải loay hoay tìm giải đáp của những câu hỏi như “Tại sao tôi lại cô độc đến vậy?”, “Tại sao những vấn đề này lại rơi vào mình?”...
Nói về những cái chết trẻ, nhiều người cho rằng đó là hành động "dại dột, bồng bột". Thực chất đó là kết quả của sự cộng hưởng: thiếu cân bằng tâm sinh lý - thiếu kỹ năng ứng phó - thiếu chỗ dựa từ thầy cô, cha mẹ.
Xét từ góc độ sinh lý, độ tuổi thanh thiếu niên, sự hưng phấn thần kinh mạnh dễ dẫn đến mất kiểm soát, có hành động bất ngờ.
Xét từ góc độ tâm lý, tuổi mới lớn có tính tự ái cao, dễ thổi phồng sự việc, khi gặp phải vấp váp đầu đời chưa có kinh nghiệm sống.
Xét từ góc độ xã hội, thời điểm trẻ mới lớn là khi vị thế người lớn giảm, các em tự nâng vị thế bản thân, cho mình nhiều quyền quyết định hơn. Giữa hai thế hệ có "dấu cách" nhất định, gia đình ít gần gũi, thiếu sát sao hơn.
Còn riêng với lứa tuổi sinh viên, thạc sĩ tâm lý Trang Nhung cho rằng đây là lứa tuổi được coi là bắt đầu sự trưởng thành, bản thân bước đầu tự tin với suy nghĩ, hành động, lối sống, không muốn bị can thiệp vào đời tư, càng dễ dẫn đến sự cô độc khi gặp sự cố.
Ba yếu tố sinh lý - tâm lý - xã hội cùng lúc đẩy nhiều người trẻ vào sự rối loạn trong cảm xúc, bế tắc trong suy nghĩ và bộc phát trong hành động. Tuy nhiên, ít ai chỉ bảo cho các em kỹ năng ứng phó với những chuyện đời thường này.
"Trẻ đến trường 5-7 tiếng, ở với gia đình hơn 8 tiếng mỗi ngày, các em được dạy nhiều kiến thức nhưng cách ứng phó với các vấn đề mâu thuẫn lại phải tự học. Khi các em đi đến quyết định tự kết thúc cuộc đời mình, lỗi không hoàn từ cá nhân, mà chủ yếu là do chúng ta đã dạy các em chưa đầy đủ", TS Ngô Thanh Hồi, Giám đốc viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, khẳng định.
Theo Ngân Giang (Tri Thức Trực Tuyến)