Không ít cha mẹ dỗ con bằng việc cho dùng máy tính, điện thoại. Ảnh: Tùng Anh |
Không chỉ những đứa trẻ ở các đô thị, thành phố lớn, nhiều trẻ em ở khu vực nông thôn cũng đang bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi những thiết bị công nghệ số hiện đại. Em Nguyễn Văn Phương, học sinh lớp 10 tại Lục Ngạn, Bắc Giang cũng vừa bị bố mẹ thu điện thoại vì chơi điện tử mất 400.000 đồng/tháng, học hành chểnh mảng, còn ăn trộm tiền của mẹ mua thẻ điện thoại.
Theo báo cáo kết quả dự án khảo sát xã hội về “Thực trạng sử dụng thiết bị thông minh của trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh” của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa - Giáo dục và Đời sống xã hội (Hội Dân tộc học - Nhân học TP.Hồ Chí Minh) và Công ty Nghiên cứu thị trường Epinino năm 2015, khảo sát trên 4.308 trẻ tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ cho thấy: Có 19% trẻ dưới 3 tuổi đã được tiếp cận với các thiết bị thông minh; trẻ từ 3 - 5 tuổi chiếm 59%. Thời lượng trẻ được sử dụng thiết bị thông minh trung bình từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ mỗi ngày. Số trẻ sử dụng trên 4 giờ đồng hồ mỗi ngày cũng chiếm tỷ lệ rất đáng lưu ý (4 - 7% vào các ngày nghỉ, lễ, tết).
Báo cáo của Google năm 2015, trung bình người Việt mở điện thoại 150 lần/ngày - con số này tương đương với mỗi giờ mở máy từ 6-7 lần.
Cô đơn trên mạng
Cô Trà My - giáo viên truyền thông và văn hoá Trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) cho rằng, trẻ em hay người lớn nghiện sử dụng thiết bị chủ yếu bởi hai cảm giác chính là buồn chán và cô đơn. " Khi không có ai để chuyện trò thì chiếc điện thoại hay máy tính nối mạng lại chính là kho giải trí vô tận lấp đầy thời gian, không gian của một người. Tuy nhiên, nếu cứ phụ thuộc như vậy, chúng ta sẽ quên dần cách giao tiếp trực tiếp với nhau, đặc biệt là những đứa trẻ sinh ra trong thế giới toàn các thiết bị điện tử" - cô Trà My nói.
Còn thạc sĩ Lê Đức Trung - giảng viên Công nghệ thông tin, ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ, cả bố mẹ và con cái cần ngồi lại để cùng nhau tìm ra những biện pháp khoa học nhất kiểm soát và thống nhất nguyên tắc việc sử dụng các thiết bị công nghệ trong gia đình. “Cha mẹ bảo vệ nhưng không nên xâm phạm quyền riêng tư của con. Cách tốt nhất là cha mẹ cùng con tìm hiểu về Internet, tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin và tạo bầu không khí gần gũi để con sẵn sàng chia sẻ những vấn đề đang gặp phải”.
Bố mẹ có thể đặt vấn đề quy ước thời gian sử dụng thiết bị công nghệ với con trẻ. Quy ước này cần được thiết lập dựa trên việc lắng nghe và trao đổi để các con không cảm thấy bị áp đặt, kiểm soát". Thạc sĩ tâm lý Phương Hoài Nga (Trường Phổ thông liên cấp Olympia) |