Tích xưa kể lại, Vua Hùng chọn ngày lành tháng tốt làm lễ tế trời đất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) để cầu xin cho năm mới mưa thuận gió hòa, người dân no ấm.
Chờ lúc sang canh, vua cùng hoàng hậu vào rừng, chọn những cây to lớn để hái lộc. Sáng sớm, khi mặt trời mọc, vua chia cho mỗi người con một cành lộc và dạy rằng: "Non ở nhà, già đi ấp. Chẵn lên non, còn xuống biển".
Nói đoạn, vua dặn các con của mình mang theo cành lộc non để trấn giữ các phương, dạy người dân cách làm lụng. Vua cũng nói, trên đường đi nếu gặp điều gì không may, hãy mang cành lộc còn vương sương sớm đó mà vẩy lên trời thì thú dữ, ma tà sẽ bỏ chạy, những điều xui rủi sẽ tan biến.
Huyền thoại xưa ấy đã được dân gian lưu giữ, truyền lại đến tận bây giờ. Ở thời hiện đại, người Việt vẫn giữ tục lệ hái lộc đầu năm, cầu cho may mắn, thuận hòa, năm mới nhiều điều an vui.
Qua thời gian, cách hái lộc của người Việt cũng cần được thay đổi. Trụ trì chùa La Dương (Hà Đông, Hà Nội) gợi ý, hái lộc theo nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt cây. Lộc xuân mang về nhà có thể là mua một vài quả khế, cây mía, cành vàng lá ngọc hoặc mua một chậu xanh nho nhỏ để trồng.
Đêm giao thừa, rạng sáng mùng 1 Tết, nhiều người cũng bán các cành lộc cho người mua, coi như là hái lộc đầu xuân. Cành lộc này thường là lá cây phát lộc, hoặc các cành táo gai, khế… vừa có quả vừa có lá hoặc là cây mía còn nguyên lá xanh trên đầu.
Những loại cành lộc này thường được người trồng “quy hoạch” sẵn và cắt theo ý đồ, tỉa gọn gàng thẳng thớm. Nếu mua mía làm cành lộc, người ta thậm chí còn có thể chẻ ra ăn khi hết Tết, vừa tiết kiệm vừa tôn trọng môi trường.
Ở các đền chùa, để tránh việc người đến lễ ngày Tết tiện tay bẻ lộc cây cối trong chùa, người ta thường chuẩn bị sẵn các khay hoa quả, thường là các loại quả ngọt như quýt, cam canh, táo… để phát, coi như là hái lộc đầu xuân.
Việc này sẽ hạn chế rất hành động hái lộc theo cách tùy tiện, làm hại đến cây cối cũng như tránh được những rủi ro, xúi quẩy khi rước nhầm cành lộc có “năng lượng xấu” trú ngụ.
Hái lộc sai, coi chừng rước họa
Tục hái lộc có ý nghĩa mang tài lộc về nhà, cành lá xanh tốt còn có ý nghĩa vui tươi, sinh sôi nảy nở. Tuy nhiên, người ta chỉ hái những nhánh cành nhỏ của các loại cây có sức sống mạnh mẽ như xanh, si, sung, đa… chứ không bẻ cành tùy tiện.
Đáng buồn là có quan niệm bẻ cành càng to thì càng nhiều lộc nên một số người cố sức trèo lên cây bẻ cả cành to của cây xanh ven đường. Có người còn “săn” lộc ở những nơi như trụ sở ngân hàng, kho bạc, quỹ tín dụng... vì tin rằng cây cối ở đây sẽ có “tài khí” hơn (?!).
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người (Liên hiệp Hội KH & KT Việt Nam), người ta thích hái lộc ở đền, chùa sau khi đi lễ giao thừa, với hàm ý muốn xin hưởng một chút lộc của các bậc thần linh ban cho trong năm mới.
Tuy nhiên, tín ngưỡng dân gian cũng cho rằng những cây cối này có thể là nơi trú ngụ của các năng lượng xấu. Việc bẻ, ngắt những cành cây lớn ở chốn linh thiêng đó có thể làm kinh động đến những nguồn năng lượng xấu này, đem về nhà có khi còn xúi quẩy.
Mặt khác, theo thuyết vạn vật hữu linh, mùa xuân là khi cây cối đang độ xanh tươi, đâm chồi nảy lộc mà lại bị con người vặt trụi, ngắt ngọn chặt cành một cách tùy tiện thì lại mang tội thêm. Điều này cũng góp phần hủy hoại môi trường sinh thái, không phù hợp với văn hóa chan hòa với thiên nhiên của người Việt.
TS Lê Xuân Phương - chuyên gia phong thuỷ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu doanh nhân và doanh nghiệp Đông Nam Á, cho rằng nhiều người nhìn nhận việc hái lộc đầu năm chưa đầy đủ:
"Lộc đầu xuân không nhất thiết phải đi hái lộc, mà là xin lộc của trời đất làm một vật thiêng cho một năm. Đến chùa người ta gọi là quân tử cầu hiền. Chẳng hạn như người Hà Nội đến chùa Bồ Đề. Bồ Đề là đất Phật. Người dân vào chùa cầu khấn, khi ra khỏi chùa thì xin trời đất.
Ví dụ như con trai thì đi 7 bước, khấn 5 lần “Nam mô A Di Đà Phật” cho con xin một vật thiêng để con làm vật thiêng cho cả năm. Sau đó họ cúi xuống nhặt bất kỳ một cái vật gì đất, đá, gạch, hay là lá cây hay là giấy tờ... rồi mang về làm vật may mắn.
Ví dụ nhặt được giấy tờ thì là được bổ nhiệm chức hay là được lên chức, nhặt được kim loại có thể sẽ mua được ôtô, tivi, tủ lạnh...
Tóm lại, những cái ấy thì người ta gọi là nhặt được vật thiêng, chứ không cần phải đi hái lộc. Đây là lộc trời cho, cho được cái gì thì mình đón được cái đấy. Tuy nhiên, đây là quan niệm dân gian, không thể khẳng định sẽ ứng nghiệm 100%".
NT (Nguoiduatin.vn)