Theo kết quả khảo sát của Trường Y tế Công cộng trực thuộc Đại học Quốc gia Seoul, 12,8% người tham gia khảo sát thừa nhận mức độ oán giận của họ là nghiêm trọng. Đáng chú ý, nhóm tuổi 30 là đối tượng có tỷ lệ bất mãn nghiêm trọng cao nhất (17,4%), trong khi nhóm từ 60 tuổi trở lên có tỷ lệ thấp nhất (9,5%).
Xét theo tầng lớp xã hội, những người tự xếp mình vào nhóm thu nhập thấp ghi nhận tỷ lệ oán giận nghiêm trọng cao nhất (16,5%), nhưng tỷ lệ này ở tầng lớp thượng lưu cũng không kém (15%). Trong khi đó, tầng lớp trung lưu có mức độ bất mãn thấp hơn, ở mức 9,2%.
Niềm tin vào sự công bằng trong xã hội ở mức rất thấp, với 69,5% người tham gia không đồng ý rằng “thế giới về cơ bản là công bằng”.
“Kết quả khảo sát cho thấy mức độ oán giận tỷ lệ thuận với sự mất niềm tin vào công bằng xã hội. Những ai cho rằng xã hội bất công thường có mức độ oán giận cao hơn đáng kể”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Theo Korea Herald, những nguyên nhân hàng đầu khiến người dân cảm thấy bất mãn bao gồm: tham nhũng, các thảm họa liên quan đến yếu kém trong quản lý an toàn...
Căng thẳng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cũng được ghi nhận ở 47,1% người tham gia khảo sát, đặc biệt phổ biến trong nhóm tuổi 30–40 và nhóm có thu nhập dưới 2 triệu won/tháng (tương đương 1.430 USD/tháng).
Các nguyên nhân chính gây stress bao gồm vấn đề sức khỏe cá nhân hoặc gia đình, thay đổi trong quan hệ xã hội và bất ổn chính trị.
Tuy nhiên, phần lớn người dân ngại tìm đến hỗ trợ chuyên môn về tâm lý, với 56% cho rằng họ không muốn điều trị do sợ kỳ thị và định kiến xã hội.
“Những con số này phản ánh rõ sự báo động trong sức khỏe tinh thần của người dân Hàn Quốc. Chúng ta cần những chương trình phòng ngừa và quản lý sức khỏe tâm thần mang tính thiết thực và hiệu quả hơn” bà Lee Yoon-kyoung, đại diện nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.